Kinh tế thế giới

Trung Quốc - Australia "bắt tay" thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ASEAN

Cẩm Anh 03/08/2024 11:08

Các khoản đầu tư của Trung Quốc cùng với giải pháp bền vững của Australia có thể giúp Đông Nam Á đẩy nhanh chuyển đổi năng lượng

aseanjfif20240731152641(1).jpg
Các nước Đông Nam Á có thể hợp tác với Australia và Trung Quốc để xây dựng một hệ sinh thái công nghệ sạch trong khu vực.

Mối quan hệ Australia-Trung Quốc dần ổn định đã đặt nền tảng cho sự hợp tác sâu rộng hơn, bao gồm thúc đẩy các sáng kiến ​​chung ở châu Á. Trong đó, có việc hỗ trợ Đông Nam Á hướng tới tương lai điện khí hóa, góp phần thúc đẩy chuyển đổi năng lượng.

Hầu như tất cả các quốc gia trong khu vực đều cam kết đạt được mức phát thải carbon ròng bằng 0 và điện khí hóa các lĩnh vực người dùng cuối, bao gồm cả giao thông, là một chiến lược quan trọng trong nỗ lực này.

Theo lộ trình của Cơ quan Năng lượng Tái tạo Quốc tế, nhằm giữ nhiệt độ toàn cầu tăng dưới 1,5 độ C vào năm 2050, Đông Nam Á sẽ cần đẩy nhanh quá trình điện khí hóa, với hơn một nửa mức tiêu thụ năng lượng đến từ điện vào năm 2050, tăng từ 22% vào năm 2018.

Dự kiến, sự thay đổi này sẽ thúc đẩy doanh số bán xe điện (EV) tăng đáng kể, đạt khoảng 8,5 triệu chiếc vào năm 2035, theo phân tích của EY-Parthenon.

Thị trường đang phát triển này mang đến một cơ hội hấp dẫn cho các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc, những công ty đang tìm kiếm sự tăng trưởng ở nước ngoài trong bối cảnh cạnh tranh trong nước ngày một khốc liệt hơn.

Bên cạnh đó, với mối quan hệ kinh tế chặt chẽ của Đông Nam Á với Trung Quốc, cùng việc các công ty Trung Quốc đang thu hẹp tại các thị trường phương Tây trong bối cảnh thuế nhập khẩu tăng đã góp phần thúc đẩy sự quan tâm đến khu vực này.

Các thương hiệu Trung Quốc đã cho thấy sự tăng trưởng đáng kể, từ việc chỉ chiếm 38% thị trường xe điện của khu vực vào năm 2022 lên hơn 70% vào năm ngoái. Những nỗ lực này được hỗ trợ bởi dòng vốn đầu tư của Trung Quốc vào sản xuất xe điện và chuỗi cung ứng thượng nguồn, bao gồm khai thác, chế biến khoáng sản và sản xuất pin.

d5acbceb367e076890e2452955cb62a2.jpg
ASEAN cần đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng để đạt được mục tiêu phát thải ròng bằng 0.

Đáng chú ý, vào năm 2022, nhà sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc Contemporary Amperex Technology (CATL) đã công bố liên doanh trị giá gần 6 tỷ đô la Mỹ tại Indonesia để phát triển chuỗi cung ứng pin lithium-ion đầu cuối, bao gồm khai thác, chế biến vật liệu, sản xuất pin và tái chế.

Tương tự, CNGR Advanced Material sản xuất niken và các khoáng chất pin khác, cùng với các nhà sản xuất vật liệu pin hàng đầu khác của Trung Quốc như Zhejiang Huayou Cobalt, Ningbo Lygend Mining, cũng đang để mắt đến Indonesia.

Tại Malaysia và Thái Lan, các công ty như NV Gotion, EVE Energy và Senior Technology Material cũng đang thực hiện các khoản đầu tư đáng kể vào sản xuất pin.

Nhiều công ty Trung Quốc đang tìm kiếm các vật liệu chính khác được sử dụng trong pin di động và xe điện ở Đông Nam Á, chẳng hạn như nhôm và các nguyên tố đất hiếm.

Khoản đầu tư khổng lồ của Trung Quốc vào sản xuất pin và chuỗi cung ứng thượng nguồn này mang lại tiềm năng đáng kể cho tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm ở Đông Nam Á, cũng như mang lại những cơ hội sinh lợi cho các nhà đầu tư và công ty Trung Quốc.

Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, điều quan trọng là phải giải quyết các thách thức về môi trường và xã hội liên quan đến các hoạt động khai thác và chế biến.

Các hoạt động khai thác ở Sulawesi, trung tâm niken của Indonesia, đang gây lo ngại về thiệt hại cho các khu rừng mưa nhiệt đới và làm gián đoạn cuộc sống của người Bajau bản địa.

Lượng mưa của Indonesia làm phức tạp thêm các vấn đề này. Nếu không được quản lý đúng cách, các chất ô nhiễm từ chất thải niken có thể ngấm vào nước ngầm hoặc chảy vào đại dương, gây ra các rủi ro về môi trường và sức khỏe. Những vấn đề này không chỉ xảy ra ở Indonesia mà còn xảy ra trên khắp khu vực.

Theo Muyi Yang, nhà phân tích chính sách điện cấp cao cho Trung Quốc tại Ember, có nhiều cách để quản lý chúng một cách có trách nhiệm hơn. Về vấn đề này, Australia có thể đóng một vai trò quan trọng, với các hoạt động quản lý chất thải, phục hồi địa điểm khai thác và sự tham gia của cộng đồng bản địa thường được trích dẫn là những ví dụ toàn cầu về khai thác bền vững.

Chuyên gia này nói thêm, các khoản đầu tư của Trung Quốc vào lĩnh vực khai thác của Australia ít gặp phải các mối quan ngại về mặt xã hội - môi trường do chuyên môn của đội ngũ quản lý của Australia trong việc thực hiện các hoạt động như sáng kiến ​​bảo vệ động vật hoang dã và các chương trình giáo dục cho cộng đồng bản địa.

Bằng cách này, Australia có thể giúp các nước ASEAN tích hợp các hoạt động có trách nhiệm vào khai thác và chế biến khoáng sản, đảm bảo việc theo đuổi tương lai điện khí hóa của khu vực mà không phải đánh đổi bằng tính toàn vẹn về môi trường và xã hội của khu vực này.

Australia, Trung Quốc và Đông Nam Á có thể khai thác sức mạnh tập thể để xây dựng một hệ sinh thái công nghệ sạch trong khu vực, đặc trưng bởi các chuỗi cung ứng đa dạng và bền vững với các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau và củng cố lẫn nhau.

Đồng quan điểm, Genevieve Donnellon-May, nhà nghiên cứu tại Oxford Global Society chỉ ra, sự hợp tác thành công trong chuỗi cung ứng pin và khoáng sản giữa Australia, Trung Quốc và Đông Nam Á sẽ cho thế giới thấy rằng việc hợp tác cùng nhau vừa khả thi vừa có lợi.

“Sự hợp tác này có thể đóng vai trò là một mô hình, truyền cảm hứng cho các quốc gia khác tham gia và thúc đẩy một mạng lưới hướng tới một tương lai sạch, bền vững và thịnh vượng”, bà May cho biết.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Trung Quốc - Australia "bắt tay" thúc đẩy chuyển đổi năng lượng ASEAN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO