Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển năng lượng mặt trời Bách Khoa (SolarBK) mới đây đã triển khai hệ thống điện mặt trời cho trung tâm logistics tại Bình Dương với tham vọng biến nơi đây trở thành trung tâm logistics “xanh” đầu tiên của Việt Nam.
Với việc đi theo hướng cung cấp điện sạch hứa hẹn “cuộc chiến” năng lượng mặt trời sẽ được tiếp diễn ở nấc thang mới.
Doanh nghiệp nội tìm thị trường ngách
Trong bối cảnh các nguồn năng lượng truyền thống ngày càng cạn kiệt, phát triển năng lượng tái tạo, trong đó có điện mặt trời được xem là giải cho bài toán năng lượng đối với mọi nền kinh tế. Hiện tại Việt Nam đã có hàng trăm dự án điện mặt trời được đăng ký đầu tư với tổng công suất nguồn lên tới hơn 17.000MW.
Sức hút của các dự án năng lượng sạch ngày càng mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp khó bỏ qua cơ hội sẵn sàng đổ tiền đầu tư. Đặc biệt, nhiều nhà đầu tư đi theo “thị trường ngách” đó là nâng cao công nghệ hoặc kết hợp điện mặt trời với thủy điện hay nuôi trồng thủy sản,… để vừa cung cấp được nguồn điện sạch mà vẫn nâng cao hiệu suất của dự án và tiết kiệm chi phí.
Có thể kể đến GE Power với công nghệ 1,5 kV giúp nhà máy điện mặt trời có thiết kế đơn giản hơn, hoạt động hiệu quả hơn và giảm bớt sự đầu tư cần thiết vào cơ sở hạ tầng. So với công nghệ 1 kV, bộ nghịch lưu của GE giúp giảm 3% chi phí cho hệ thống và tiết kiệm 15% chi phí vận hành, nhờ đó dự án điện mặt trời có sức cạnh tranh và sinh lời nhiều hơn.
Hay Công ty CP Thủy điện Đa Nhim - Hàm Thuận - Đa Mi đang triển khai dự án điện mặt trời nổi tại hồ thủy điện Đa Mi với tổng mức đầu tư 1.500 tỷ giúp tận dụng tối đa diện tích của mặt hồ thủy điện. Dự án có công suất 47,5 MWp, sản lượng điện gần 70 triệu kWph/năm. Dự kiến khi đưa vào vận hành sẽ tạo nguồn năng lượng sạch cho đất nước, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Tại Ninh Thuận, tỉnh này cũng đã ký kết biên bản ghi nhớ với Công ty TNHH Sinenergy Holdings (thuộc Tập đoàn SHS Holdings Singapore) về việc nghiên cứu, triển khai dự án điện mặt trời quy mô 300MW với tổng vốn đầu tư 7.920 tỷ đồng, kết hợp sản xuất nông nghiệp công nghệ cao (trồng rau, cà chua, táo, tỏi…) và rau sạch gắn với xuất khẩu tại Ninh Thuận.
Còn tại Bạc Liêu, lĩnh vực thu hút vốn đầu tư nhiều nhất vào tỉnh này thuộc về năng lượng tái tạo với khi doanh nghiệp cam kết đầu tư hơn 100.000 tỷ đồng. Các tập đoàn như Tập đoàn Sembcorp Singapore kết hợp với Tập đoàn Việt Úc đầu tư dự án Nhà máy điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Đông Hải có tổng công suất lên đến 250MW, vốn đầu tư trên 6.000 tỉ đồng; Nhà máy điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản tại thành phố Bạc Liêu; Điện mặt trời kết hợp nuôi trồng thủy sản tại huyện Đông Hải do Tập đoàn SY Hàn Quốc đầu tư với tổng công suất lên đến 600MW vốn đầu tư trên 16.000 tỉ đồng.
Miếng bánh khó nuốt
Trong quy hoạch điện mới nhất, Việt Nam đã điều chỉnh mục tiêu phát triển nguồn điện mặt trời vào năm 2020 là 850 MW, 2025 là 4.000 MW và đến năm 2030 là 12.000 MW. Tuy nhiên điện năng từ nguồn điện mặt trời vẫn chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng nguồn điện Việt Nam. Ngoài ra, trong quá trình đầu tư, các nhà đầu tư cũng chưa thể mạnh tay đầu tư bởi nguồn lực còn hạn chế, trong khi áp lực trả nợ vốn vay lớn, việc tiếp cận các nguồn vốn vay gặp nhiều khó khăn thì giá bán điện thấp. Nếu triển khai càng nhiều dự án, thì khả năng tiềm ẩn những nguy cơ xấu lại càng tăng thêm. Do đó, trong ngắn hạn, nhà đầu tư có lẽ không quá mặn mà với việc triển khai nhiều dự án trên diện rộng.
Chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Viết Ngãi - Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, hiện có nhiều rào cản lớn khiến các dự án năng lượng mặt trời khó đi vào cuộc sống. Theo ông Ngãi, Việt Nam thiếu cơ sở dữ liệu về năng lượng mặt trời, mới quy hoạch về quy mô công suất theo vùng, khu vực nhưng chưa xác định địa điểm dự án, nên khó khăn trong việc đồng bộ lưới điện. Hiện, Chính phủ đang có nhiều chương trình khuyến khích đầu tư vào năng lượng tái tạo, kể cả tích cực xã hội hóa bằng nhiều hình thức như miễn thuế nhập khẩu, miễn thuế doanh nghiệp trong 4 năm đầu, giảm thuế thu nhập theo lộ trình. Tuy nhiên, những rào cản như hạ tầng truyền tải điện, thiết bị biến áp không đủ công suất hấp thu, nhiều thủ tục rườm rà, thuế suất đầu tư còn cao... khiến các nhà đầu tư e ngại rủi ro.
“Tại Việt Nam hiện nay vẫn chưa có đơn vị nào có hệ thống lưu điện nên khi hết ánh nắng mặt trời là hết điện. Trong khi đó, trên thế giới đã có hệ thống lưu điện vừa để nối diện lưới quốc gia vừa điều chỉnh tần số, điện áp, phụ tải để khỏi rung lắc tần số và phụ tải, ổn định tần số trên hệ thống và lưu thêm đc 5-7 giờ đồng hồ, tăng gấp 2-3 lần thời gian có nắng, có gió”, ông Ngãi cho biết.