Theo Bộ Công Thương, các Nghị định vừa được Chính phủ ban hành là những văn bản pháp lý mang tính đột phá, tạo ra cơ sở vững chắc cho việc thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo...
Bộ Công Thương vừa tổ chức Hội nghị hướng dẫn triển khai, thực hiện các Nghị định quan trọng của Chính phủ về đầu tư và phát triển năng lượng tái tạo.
Sự kiện diễn ra tại TPHCM, nhằm giúp các địa phương, tổ chức và doanh nghiệp hiểu rõ hơn về các quy định mới, từ đó triển khai thực hiện hiệu quả tại mỗi địa phương, hội nghị tập trung hướng dẫn các Nghị định sau:
Thứ nhất, Nghị định số 80/2024/NĐ-CP, quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với khách hàng sử dụng điện lớn (Cơ chế DPPA);
Thứ hai, Nghị định số 115/2024/NĐ-CP, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất;
Thứ ba, Nghị định số 135/2024/NĐ-CP, quy định cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ.
Phát biểu tại hội nghị, ông Trịnh Quốc Vũ, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực nhấn mạnh đây là các văn bản pháp luật, cơ chế, chính sách quan trọng, đột phá để tháo gỡ một số tồn tại của ngành điện trong thời gian vừa qua; đã được Chính phủ ban hành rất kịp thời nhằm góp phần thúc đẩy và thu hút đầu tư phát triển năng lượng tái tạo, qua đó góp phần đạt được các mục tiêu về chuyển dịch năng lượng và phát triển bền vững của Việt Nam trong bối cảnh nhu cầu về sử dụng năng lượng xanh, sạch ngày càng gia tăng, các yêu cầu khắt khe hơn về phát triển kinh tế tuần hoàn trung hòa cacbon, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững.
Theo đại diện Bộ Công Thương, với việc ban hành 03 Nghị định này, là các cơ chế, chính sách quan trọng nhằm: (i) Thúc đẩy đầu tư vào lĩnh vực năng lượng tái tạo, đặc biệt là điện mặt trời và năng lượng gió; (ii) Tăng cường cơ chế hợp tác giữa đơn vị phát điện và các khách hàng lớn, tạo nền tảng cho sự phát triển của cơ chế thị trường điện cạnh tranh; (iii) Đảm bảo sự minh bạch, hiệu quả trong lựa chọn nhà đầu tư cho các dự án đầu tư có sử dụng đất, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, đặc biệt ở các địa phương trọng điểm.
Tại sự kiện, ông Trịnh Quốc Vũ nhấn mạnh rằng hệ thống điện Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ mất cân bằng cung cầu trong những năm tới. Để đảm bảo cung cấp đủ điện cho sự phát triển kinh tế, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng.
Cùng với việc phổ biến, hướng dẫn các Nghị định, Bộ Công Thương đề xuất một loạt các giải pháp:
Theo đó, UBND các địa phương phải chủ động hướng dẫn và triển khai các quy định của Nghị định 115/2024/NĐ-CP, đảm bảo minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư và đưa các dự án năng lượng tái tạo vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Các tập đoàn điện lực và doanh nghiệp phát điện cần đẩy mạnh triển khai cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) và phát triển điện mặt trời mái nhà, đồng thời tăng cường hợp tác để vận hành hệ thống điện an toàn, hiệu quả.
Các hiệp hội và doanh nghiệp sẽ đóng vai trò kết nối giữa doanh nghiệp và cơ quan quản lý, đồng thời chủ động đầu tư và đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn trong triển khai các dự án.
Các đơn vị chức năng thuộc Bộ Công Thương đẩy mạnh việc rà soát, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện tại các địa phương.