Đầu tư vào năng lượng mặt trời đang là cơn sốt mới ở Việt Nam khi có tới hàng trăm dự án đăng ký với tổng vốn đầu tư lên tới hàng tỷ đô la chỉ trong thời gian ngắn nhằm hưởng mức giá bán ưu đãi 9,35 cents/kwh (2.086 đồng).
Số liệu thống kê của của Chương trình Năng lượng của Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) cho thấy, tính đến hết tháng 7/2017 đã có hàng trăm dự năng lượng mặt trời được đăng ký đầu tư vào Việt Nam với tổng công suất nguồn lên tới 17.000 MW.
Chạy đua với thời gian
Cuối tháng 12/2017, UBND tỉnh Phú Yên đã có văn bản đề xuất Bộ Công Thương bổ sung 3 dự án năng lượng mặt trời vào quy hoạch điện quốc gia. Với tổng vốn đầu tư là hơn 3.600 tỷ đồng và tổng công suất khoảng 150 MW, ba dự án dự kiến được xây đựng tại huyện Tây Hòa và Đông Hòa trên diện tích hơn 50 ha cho mỗi dự án. Ngoài ba dự án điện mới được đề xuất trên, UBND tỉnh Phú Yên cho biết còn có hơn 10 địa điểm đã được dành sẵn cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực năng lương mặt trời đến tìm hiểu. Hầu hết các dự án trên đều được kỳ vọng sẽ được chấp thuận đầu tư sớm và đi vào hoạt động trong quý II/2019.
Sở dĩ nhà đầu tư và chính quyền địa phương đều muốn các dự án sớm được chấp thuận và vận hành theo kế hoạch kể trên vì nếu chậm hơn, các dự án sẽ không được hưởng những chính sách ưu đãi. Bởi theo Quyết định số 11/2017/QĐ-TTg quy định cơ chế khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời, các nhà máy điện mặt trời sẽ phải hoàn thành việc xây dựng và nối lưới trước tháng 6/2019 để được hưởng mức giá 9,35 UScent/kWh. Do thời hạn hiệu lực của Quyết định chỉ kéo dài tới tháng 6/2019, nên nếu dự án nào hoàn thành sau thời điểm đó, sẽ phải chờ đợi chính sách mới của Chính phủ và sẽ chịu những rủi ro có thể về sự thay đổi chính sách cũng như giá bán điện. Chính vì vậy, không chỉ có ba nhà đầu tư tại Phú Yên đang chạy đua với thời gian, mà hàng trăm nhà đầu tư khác cũng đang cùng tham gia vào cuộc đua này. Tính từ tháng 4/2017 tới nay, số dự án đầu tư được đăng ký trong lĩnh vực năng lượng mặt trời đã tăng lên nhanh chóng.
Theo bản đồ tiềm năng điện mặt trời do Ngân hàng Thế giới (WB) cung cấp, tài nguyên điện mặt trời của Việt Nam khá dồi dào, với nguồn bức xạ nhiệt khoảng 2.056 kW/m2/năm và kéo dài từ các tỉnh miền Trung đến khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Do có tiềm năng lớn như vậy, các nhà đầu tư nước ngoài, với kinh nghiệm, công nghệ và tiềm lực tài chính, tất nhiên là những người tiên phong bày tỏ quan tâm đầu tư vào lĩnh vực này từ nhiều năm trước đây.
Tuy nhiên, đây cũng là lĩnh vực đang thu hút nhiều nhà đầu tư trong nước. BIM Group, một tập đoàn nổi tiếng với các dự án bất động sản và khu nghỉ dưỡng mới đây cũng đã đăng tuyển nhân sự trong lĩnh vực điện mặt trời. TH TrueMilk cũng có kế hoạch đầu tư một nhà máy năng lượng mặt trời có tổng công suất 1.117 MW tại Đắk Lắk. Nổi bật hơn cả là Tập đoàn Thành Thành Công đã công bố kế hoạch đầy tham vọng xây dựng dự án 20 nhà máy điện mặt trời tại Việt Nam với tổng mức đầu tư khoảng 1 tỷ USD. Điều đó cũng đã nói lên phần nào sự gấp rút của các nhà đầu tư.
Chướng ngại vật
Các nhà đầu tư hiểu rằng sức ép về thời gian cũng chính là thách thức họ sẽ phải vượt qua. Một số nhà đầu tư đã tiến hành đặt hàng sản xuất các tấm pin năng lượng mặt trời ngay sau khi Chính phủ ban hành mức giá ưu đãi năm ngoái.
Đại diện của IREX, công ty thành viên chuyên sản xuất pin năng lượng mặt trời, thuộc SolarBK cho biết, đơn hàng đổ về cho nhà máy đã đầy công suất đến hết quý 2 năm nay, khiến doanh nghiệp này phải dốc lực đưa tổ hợp nhà máy sản xuất thiết bị năng lượng tái tạo công nghệ cao kịp hoàn thành giai đoạn 1, để đi vào hoạt động trong đầu năm 2018.
Tuy nhiên, một trong những rào cản lớn nhất của các dự án năng lượng mặt trời nằm ở diện tích đất. Không như nhiệt điện hay điện gió, các dự án năng lượng mặt trời cần một diện tích đất rất lớn để lắp đặt các tấm pin năng lượng. Ở một đất nước có mật độ dân số cao như Việt Nam, tìm được những diện tích đất lớn không ảnh hưởng tới quy hoạch dân cư và đất nông nghiệp không phải là dễ. Đó là chưa kể tới diện tích đất lớn sẽ cần có thời gian giải phóng mặt bằng lâu, mà đây lại là căn bệnh nan y đối với các dự án đầu tư tại Việt Nam.
Với một số nhà đầu tư, để giải quyết vấn đề về diện tích, đã lựa chọn lắp đặt các tấm pin mặt trời trên mặt hồ nước. Nhưng cơ hội này lại song hành với các khó khăn khác, trong đó dao động bất thường của mực nước trên các hồ thực sự là thách thức không nhỏ. Ví dụ như hồ thủy điện Yaly, hay Plei-krông dao động mực nước lên tới 25-40m thì rất khó có thể tính toán tới việc thực hiện các dự án điện mặt trời. Vì vậy, số hồ nước có diện tích rộng và điều kiện lý tưởng để lắp đặt các tấm pin mặt trời cũng không phải là nhiều.
Ngoài ra, theo đại diện của công ty IREX, dù Thông tư 16/2017/TT-BCT đã quy định hợp đồng mua bán điện, nhưng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể. Bên cạnh đó là khó khăn trong việc thay đổi lắp đặt đồng bộ công tơ điện hai chiều. EVN đang hoạt động theo cơ chế độc lập, nên việc phân bổ xuống các EVN địa phương cũng sẽ phụ thuộc nhiều yếu tố về mặt thời gian, kỹ thuật triển khai. Do đó, việc đòi hỏi các bên cùng thực hiện chính sách chưa có tiền lệ trước đây sẽ phải mất nhiều thời gian.