"Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu

THIÊN BÌNH 10/01/2019 14:18

Các chuyên gia cho rằng, quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đã có nên áp dụng theo quy định, không nên có những trường hợp ngoại lệ tạo tiền lệ xấu cho doanh nghiệp.

Khu đất 31-35 Lý Thường Kiệt, rộng hơn 2.200 m2 được đề xuất xây dựng trụ sở văn phòng của Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB) cao 45m, quy mô 14 tầng+ 1 tum.

Khu đất đắc địa rộng hơn 2.200 m2 tại Lý Thường Kiệt được đề xuất xây dựng trụ sở ngân hàng

Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2017, lãnh đạo một ngân hàng lớn trên địa bàn Hà Nội cho biết, doanh nghiệp ông đang sở hữu mảnh đất tại số 31-33-35 Lý Thường Kiệt rộng hơn 2.000 m2. Đây là đất ở có sổ đỏ được mua lại từ các hộ dân.

Ông cho rằng nếu xây 8 tầng thì quá lãng phí nên doanh nghiệp xin tăng chiều cao lên 13-15 tầng nhằm khai thác khu đất hiệu quả hơn. Vốn là đất ở và nằm trong khu vực nội thành đặc biệt nên UBND TP Hà Nội có quy định khống chế chiều cao là 8 tầng. Nếu muốn xây cao hơn phải có thẩm quyền của Thủ tướng. 

Vị trí khu đất

Vị trí khu đất trên đường Lý Thường Kiệt

Khu đất vàng nói trên có 3 mặt tiền ở phố Lý Thường Kiệt - Hàng Bài - Vọng Đức rộng hơn 2.200 m2. Dù chưa có định giá chính xác theo thị trường, nhưng theo nguồn tin riêng của phóng viên một doanh nghiệp đã từng chi bồi thường lên tới một tỷ đồng cho mỗi m2 tại phố Hàng Bài. Ước tính, khu đất này có giá trị hơn 2.000 tỷ đồng.

Lãnh đạo ngân hàng này cũng cho biết nếu Thủ tướng duyệt cho xây lên 13-15 tầng thì đây sẽ làm trung tâm tài chính ngân hàng, trụ sở mới của doanh nghiệp. Điều này góp phần nâng cao vị thế, thương hiệu cho doanh nghiệp và là tài sản giá trị. 

Khu đất thứ 2 thuộc sở hữu của Công ty TNHH Một thành viên Sách - Thiết bị và Xây dựng trường học Hà Nội là doanh nghiệp 100% vốn Nhà nước, tiền thân là Công ty Sách - Thiết bị trường học Hà Nội được thành lập theo Quyết định số 1210-QĐ/TCCQ ngày 30/03/1981 của UBND Thành phố Hà Nội. 

Khu đất khu đất nằm tại địa chỉ số 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000 m2 được đề xuất xây trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học được Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.

Các vị trí dự án trụ sở Ngân hàng SHB không xa là khu đất khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000 m2 sẽ xây trụ sở văn phòng Công ty CP sách và thiết bị trường học được Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng.

Khu đất 45B Lý Thường Kiệt rộng hơn 1.000 m2 được Hà Nội đề xuất điều chỉnh quy mô chiều cao tối đa 12 tầng

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, một doanh nghiệp thừa nhận sở dĩ các doanh nghiệp trên muốn tăng hệ số sử dụng, tăng chiều cao công trình bởi họ mất chi phí đền bù giải tỏa cao quá do đó muốn tăng hệ số sử dụng lên. Tuy nhiên, khi đó lại vướng quy định khống chế chiều cao, mật độ của Nhà nước.

“Làm theo phương án được cho phép hiệu quả không cao. Nếu xây dựng như quy định của thành phố, chia giá thành phẩm ra thì không hiệu quả. Do đó, họ phải chờ đợi xin phép xây cao thêm” – doanh nghiệp này cho biết.

KTS Đào Ngọc Nghiêm - Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Việt Nam cho rằng, đã là đất vàng thì làm gì cũng có thể sinh lợi cao, không riêng gì chỉ xây chung cư. Bằng chứng nhiều lô đất vàng khác ở trong khu vực nội thành không hề cao tầng nhưng luôn có giá trị. Do vậy, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho rằng, quy hoạch chung của Thủ đô đã có nên cứ theo quy định mà làm, không nên có những trường hợp ngoại lệ vì có thể sẽ tạo ra tiền lệ xấu. 

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong thẳng thắn thừa nhận quy hoạch đang bị chi phối bởi lối tư duy nhiệm kỳ và hành xử lợi ích nhóm là bản thân quy hoạch dễ bị điều chỉnh theo ý chí chủ quan của lãnh đạo và sự “dẫn dắt cuộc chơi” của chủ đầu tư. 

Để nhận diện, kiểm soát tư duy nhiệm kỳ và ngăn chặn tác hại của lợi ích nhóm trong công tác quản lý quy hoạch, TS Nguyễn Minh Phong cho rằng cơ quan quản lý cần tăng cường quản lý Nhà nước thống nhất theo hướng kiến tạo và sự chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương, khắc phục tình trạng quản lý chia cắt, cục bộ, ngành và tính cát cứ địa phương, giải quyết các vấn đề xung đột lợi ích… Đặc biệt, cần tuân thủ Luật Quy hoạch số 21/2017/QH14 (Quốc hội thông qua ngày 24/11/2017 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 1 năm 2019, riêng các quy định của Luật này về lập, thẩm định quy hoạch cấp quốc gia, quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1 tháng 3 năm 2018).

Cơ quan chức năng không cho phép điều chỉnh nếu việc điều chỉnh này ảnh hưởng đến quy hoạch cao hơn. Cấp có thẩm quyền quyết định và phê duyệt quy hoạch có quyền điều chỉnh quy hoạch thấp hơn trước mà không cần phải chờ điều chỉnh quy hoạch cao hơn, khi phát sinh các điều kiện trên thực tế, bảo đảm nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến quy hoạch cấp cao hơn. 

“Đặc biệt cần kiên quyết ngăn chặn hành vi lợi dụng quy hoạch để trục lợi, điều chỉnh quy hoạch nhiều lần, nhiệm kỳ sau điều chỉnh quy hoạch nhiệm kỳ trước” – Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đề xuất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
"Điệp khúc" điều chỉnh quy hoạch Hà Nội: Nguy cơ tiền lệ xấu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO