Lúc sáng chế ra kim băng, có lẽ Walter Hunt không ngờ được sản phẩm nhỏ bé của mình còn trở thành một phụ kiện thời trang, một biểu tượng phong cách, thậm chí thể hiện cả quan điểm chính trị xã hội.
>>Fashion Voyage 5 và chuyến du hành tới “vũ trụ thời trang” Sunset Town
Thông thường ở những sô diễn thời trang, kim băng là thứ “chữa cháy” cho các bộ đồ, giúp những món đồ vừa vặn với người mẫu hơn. Do đó nó sẽ không bao giờ được lộ diện. Thế nhưng trong Tuần Lễ Thời Trang New York tháng vừa qua, hãng thời trang Tory Burch đã đem những chiếc kim băng ngoại cỡ trở thành một món phụ kiện nổi bật và lấp lánh trên những chiếc đầm, chiếc váy.
Rất lâu trước khi kim băng ra đời, người ta cũng có nhiều cách khác để chỉnh quần áo, chẳng hạn loại trâm cài có tên fibulae. Tuy nhiên thứ đồ này có một nhược điểm, đó là phần đầu nhọn thường bị lộ ra bên ngoài, gây nguy hiểm cho người mặc lẫn ai vô tình chạm vào.
Mọi chuyện thay đổi từ năm 1848. Lúc đang xoắn những sợi dây đồng thau, Walter Hunt phát hiện ra một cách cuộn khiến dây có lực căng và sẽ đàn hồi trở lại. Thế là ông chạy đến cửa hàng cơ khí của mình, lấy một sợi dây cuộn phần giữa lại, một đầu thì vót nhọn, đầu còn lại thì tạo thành một cái móc để có thể nhét đầu nhọn kia vào. Và đó là thứ mà ngày nay người ta gọi là kim băng.
Đến năm 1849, ông được cấp bằng sáng chế cho đồ vật này. Ở thời điểm đó, ông không gọi nó là kim băng. Ông chỉ mô tả trong đơn đăng ký cấp bằng là “ưu điểm lớn nhất” của thứ này là dễ dàng được cài vào quần áo mà không gây nguy hiểm, không đâm vào tay. Sau đó ông bán bằng sáng chế cho Jonathan Richardson, một nhà sản xuất, với giá 400 USD.
Những chiếc kim băng gắn liền với phong trào punk thời kỳ đầu, đặc biệt sau khi nam ca sĩ - nhạc sĩ Johnny Rotten, trưởng nhóm Sex Pistol, mặc một chiếc áo sơ mi được gắn lại với nhau bằng những chiếc kim băng trong video ca nhạc “God Save the Queen” năm 1977.
Cũng trong năm 1977, chiếc áo thun có hình ảnh Nữ Hoàng Elizabeth II trong phong cách punk với một chiếc kim băng xuyên qua môi được nhà thiết kế Vivienne Westwood in lên áo thun tung ra công chúng.
Kể từ đó, những nhà thiết kế thời trang thường dùng hình ảnh kim băng để gợi lên tính thẩm mỹ của phong cách punk, thậm chí ngay cả trong những món đồ xa xỉ.
Chẳng hạn năm 1994, Elizabeth Hurley bước lên thảm đỏ ra mắt phim với chiếc váy hiệu Donatella Versace. Điểm đặc biệt là các mảnh bên hông của chiếc váy được đính lại với nhau bằng những chiếc kim băng ngoại cỡ. Thiết kế này gây chấn động đến mức nhiều thập niên sau nó vẫn nằm trong top hiển thị khi người ta tìm kiếm cụm từ “that dress” trên Google.
Về mức độ ảnh hưởng của chiếc đầm kim băng đối với thương hiệu Versace, năm 2020 CNN nhận xét rằng chiếc đầm “nâng cao danh tiếng của Versace với tư cách là một nhà mốt chào đón mọi dáng hình phụ nữ thay vì loại bỏ chúng”.
Trong làn sóng bỏ phiếu Brexit hồi tháng 6/2016, khi Hội đồng Cảnh sát Quốc gia Anh báo cáo các tội ác kỳ thị tăng 57%, thì hashtag #safetypin (kim băng) đột nhiên tăng vọt trên Twitter.
Người Anh đăng trên mạng xã hội hình ảnh mình đeo những chiếc kim băng trên áo sơ mi hoặc áo khoác để ủng hộ người bị nhắm mục tiêu của tội phạm kỳ thị. Điển hình có tác giả Emma Pass. Cô đăng trên Twitter hình ảnh mình đính kim băng trên ve áo với dòng caption: “Đeo #safetypin để thể hiện tình đoàn kết với công dân EU và người nhập cư ở Anh”.
Hoặc cuối năm 2016, sau đợt bầu cử Tổng thống Mỹ, một số người trong cộng đồng LGBTQ, các nhóm thiểu số và phụ nữ cảm thấy bị xúc phạm bởi những lời nói của ông Donald Trump trong chiến dịch tranh cử của ông. Khi đó hashtag #safetypin nhận được rất nhiều sự chú ý. Trong số những người đăng ảnh đeo kim băng có nam diễn viên Patrick Stewart, người có hơn 3,5 triệu người theo dõi.
Lúc mới sáng chế ra kim băng, có lẽ tác giả Walter Hunt cũng không ngờ được sản phẩm nhỏ bé lại có một ý nghĩa to lớn đến vậy.
Có thể bạn quan tâm