Điều chưa biết về thế hệ nhân viên mới

Diendandoanhnghiep.vn Gen Z là thế hệ sinh khoảng năm 1996 đến 2012 có giá trị và thái độ hoàn toàn khác so với các thế hệ trước, đang dần trở thành lực lượng lao động chính trong thị trường lao động.

Với những đặc tính của mình, thế hệ này đang khiến thị trường lao động và doanh nghiệp thay đổi theo.

Thế hệ thay đổi cuộc chơi

Gen Z là thế hệ sinh khoảng năm 1996 đến 2012, đến giờ, bắt đầu gia nhập thị trường lao động. Thế hệ này sinh ra ở thời kỳ bùng nổ kinh tế, hội nhập của thế giới, thời của công nghệ. Đối với họ, in 3D, trình xây dựng trang web, nền tảng thương mại điện tử, các kênh truyền thông xã hội tạo nội dung,… không có gì xa lạ.

Một kết quả khảo sát của Deloitte gần đây cho thấy thế hệ này có nhiều đặc điểm khác biệt, như ưu tiên các hoạt động xã hội hơn các thế hệ trước, các tổ chức mà họ làm phải có đạo đức, và tác động xã hội tốt chứ không chỉ là chất lượng sản phẩm, dịch vụ.

Đối với họ, tiền lương không còn là quan trọng nhất như các thế hệ trước đó. Đa số Gen Z coi trọng cân bằng giữa công việc và cuộc sống, giờ giấc linh hoạt, đặc quyền và lợi ích.

Không có gì lạ khi nhiều chuyên gia nhận xét Gen Z là một thế hệ thay đổi cuộc chơi của thị trường lao động và kinh doanh của doanh nghiệp.

Thay đổi thị trường lao động

Gen Z thực sự coi sức lao động của mình là hàng hóa và thị trường lao động là một cái chợ. Họ coi mình “không đi xin việc” mà là đi ứng tuyển vào công việc, dựa trên cơ sở đôi bên cùng có lợi, cả hai đều bình đẳng như nhau.

Gen Z “bán” sức lao động của mình cho người trả giá cao nhất và sẵn sàng quay lưng rời bỏ nơi làm việc nếu họ không còn thấy nó tiềm năng hay mang lại giá trị học hỏi cũng như phá vỡ cân bằng cuộc sống, những giá trị mà họ tự đặt ra. Đặc biệt, họ chủ động đàm phán lương, và chế độ đãi ngộ với chủ doanh nghiệp. Kết quả là doanh nghiệp dần xoay sang người bán sức lao động thuộc Gen Z.

Họ cũng thay đổi luôn phương thức làm việc nhờ công nghệ.

Theo báo cáo của Tổ chức Nguồn nhân lực tại Việt Nam (PwC Việt Nam), 80% Gen Z dự đoán làm việc từ xa sẽ trở thành thông lệ mới và 57% Gen Z tham gia lao động cho biết họ cảm thấy hiệu quả khi làm việc tại nhà. Do đó, những doanh nghiệp nào muốn tuyển dụng Gen Z chắc chắn phải bỏ tiền đầu tư công nghệ, thay đổi mô hình làm việc, kinh doanh.

Cơ cấu việc làm cũng thay đổi. Theo một nghiên cứu từ Dell Inc, 80% Gen Z mong muốn làm việc với công nghệ tiên tiến. Chính vì vậy, những nghề nghiệp mới xuất hiện (như streamer), những nghề nghiệp có khả năng giàu nhanh (như kinh doanh, tài chính, quảng cáo, truyền thông) sẽ là những nghề nghiệp được lực lượng lao động này chú ý, tìm hiểu và lựa chọn. Những công việc mang tính nghiên cứu, nặng nhọc, hay chuyên sâu về mặt kỹ thuật sẽ ít được chú ý.

“Đường dài mới biết ngựa hay”

Nhờ tiềm năng trong tương lai của mình, Gen Z có nhiều lợi thế khiến các doanh nghiệp và thị trường lao động thay đổi. Nhưng trong thực tế, thế hệ này không dễ dàng gia nhập lực lượng lao động.

Số liệu thống kê thực tế của ngân hàng New York cho thấy, 41,3% sinh viên tốt nghiệp đại học, thế hệ Z, đã phải làm những công việc không liên quan đến bằng cấp của mình. Họ đang phải vật lộn để tìm chỗ đứng trong thế giới nghề nghiệp và phải chấp nhận những công việc lương thấp hơn trong thời gian chờ đợi.

Thế hệ này quá độc lập và tự tin vào quan điểm cá nhân, sẵn sàng cho doanh nghiệp “ra rìa” bất kỳ lúc nào. Thế nên, nhiều doanh nghiệp không quá mặn mà với lực lượng mới này mà thường cân nhắc rất cẩn thận, nhất là với các doanh nghiệp lớn.

Nhiều doanh nghiệp cũng khẳng định mặc dù là một thế hệ gắn liền với công nghệ, nhanh nhạy với công nghệ nhưng những kỹ năng công việc chuyên sâu của Gen Z kém hơn rất nhiều so với các thế hệ trước đó.

Phương thức làm việc từ xa, tại nhà, một phương thức làm việc được nhiều Gen Z lựa chọn gần đây, cũng đang bị nhiều doanh nghiệp loại bỏ dần dần sau đại dịch. Tiêu biểu như Tesla mới đây đã thẳng thừng tuyên bố tối hậu thư: quay lại làm việc trực tiếp hoặc nghỉ việc, không chấp nhận làm việc từ xa…

Nhiều chuyên gia cho rằng sắp tới doanh nghiệp sẽ chống lại việc phải thay đổi cách quản lý, kinh doanh khi xung đột trong kiến thức, văn hóa cho đến cách thức hợp tác với Gen Z. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp còn coi Gen Z là những kẻ “gây rối” khi đang phá vỡ những giá trị truyền thống và nguyên tắc.

Nhưng cũng không thể phủ nhận những luồng gió mới của thế hệ này mang lại đang có những đột phá, đem lại nhiều công bằng hơn cho người lao động trong thị trường lao động cũng như buộc các doanh nghiệp phải thay đổi theo chiều hướng có lợi cho người lao động.

Kết quả vẫn chưa rõ ràng nhưng nhiều khả năng, cả hai bên đều phải tìm biện pháp thay đổi cho phù hợp với xu hướng phát triển.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Điều chưa biết về thế hệ nhân viên mới tại chuyên mục Quản trị của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713618065 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713618065 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10