Việc sở hữu 13 đột biến rất hiếm thấy, thậm chí chưa từng xuất hiện ở những virus corona khác làm các chuyên gia lo ngại về độ nguy hiểm và khó lường của biến chủng Omicron.
>>Cảnh báo về biến chủng mới BA.2 của Omicron
Theo các nhà nghiên cứu tại Nam Phi, trong khi những chủng trước đó chỉ khác phiên bản gốc của virus từ 10 đến 20 đột biến, con số này ở Omicron là 53 - một bước nhảy vọt kinh ngạc trong quá trình tiến hóa của virus. Trong số này, họ phát hiện có 13 đột biến hiếm thấy trên những chủng khác, và cho rằng những đột biến này đáng lẽ sẽ làm hại Omicron. Ngược lại, nó còn như là chìa khóa cho những chức năng thiết yếu nhất của Omicron.
Giờ đây, các nhà nghiên cứu đang tìm nguyên nhân tại sao Omicron đi ngược các quy tắc tiến hóa thông thường và sử dụng những đột biến trên như một trung gian truyền bệnh. Tiến sĩ Darren Martin, một chuyên gia về virus tại Đại học Cape Town, người đã thực hiện nghiên cứu mới và các đồng nghiệp cho biết, một số đột biến trong Omicron thậm chí chưa bao giờ xuất hiện trong hàng triệu mẫu virus SARS-CoV-2 do các nhà khoa học giải trình tự gene trong 2 năm qua.
Trên thực tế, nếu một đột biến được xem là có lợi cho virus, hoặc trung tính, thì sẽ thường xuất hiện nhiều trong các mẫu gene được giải trình tự. Trong trường hợp đột biến hiếm khi xuất hiện, đó là dấu hiệu đột biến này có thể gây hại cho virus khi ngăn virus nhân lên. Tuy nhiên, biến thể Omicron lại đi ngược logic này.
Theo thông tin từ New York Times, 13 đột biến lạ đứng riêng rẽ có thể gây hại cho virus, nhưng chúng kết hợp và tạo ra 3 cụm, mỗi cụm thay đổi một phần nhỏ của protein và mỗi cụm đều đóng vai trò trong việc tạo ra đặc tính khác biệt của Omicron. Hai cụm trong số đó làm thay đổi phần gai ở đỉnh virus, khiến cho kháng thể của con người khó bám vào virus và đẩy nó ra khỏi tế bào. Vì vậy, Omicron có khả năng lây lan nhanh mặc dù con người đã có kháng thể nhờ tiêm chủng hoặc từ việc mắc COVID-19 trước đó.
Trong khi đó, cụm còn lại gồm các đột biến ở gần gốc virus tại vùng dung hợp, cho phép virus phân phối gen bên trong vật chủ mới. Ba cụm đột biến ở gai protein được xem là yếu tố mấu chốt khiến Omicron dễ lây lan.
>>Làn sóng Omicron đang dần suy giảm?
Các chuyên gia nhận định, nguyên nhân khiến 3 cụm đột biến này thách thức quy luật tự nhiên là do hiện tượng "tương tác gene", một hiện tượng tiến hóa có thể gây ra các đột biến có hại nhưng lại trở nên có lợi khi chúng kết hợp với nhau. Những người bị suy giảm miễn dịch không tạo ra nhiều kháng thể, những loại virus có thể lây lan. Những virus đột biến có khả năng chống lại kháng thể cũng từ đó nhân lên.
Đột biến có khả năng chống lại kháng thể không phải lúc nào cũng có lợi, chẳng hạn như nó làm chuỗi protein gai trở nên bất ổn, do đó khó có thể bám vào tế bào. Tuy nhiên, khi ở trong những người có hệ miễn dịch yếu, virus có thể tạo ra những đột biến giúp ổn định protein gai trở lại.
Omicron đã biến 13 đột biến bất lợi thành có lợi dường như nhờ vào những điều kiện bất thường. Một khả năng được nêu ra là Omicron có thể “ủ” một thời gian dài trong cơ thể người có hệ miễn dịch đặc biệt suy yếu, ví dụ bệnh nhân HIV/AIDS. Người bị suy giảm miễn dịch không tạo ra nhiều kháng thể, nên virus tồn tại thời gian dài trong cơ thể và nhân lên trong thời gian đó, làm tăng nguy cơ sản sinh đột biến.
Do đó, các chuyên gia của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) lo ngại, nếu Omicron tiếp tục đột biến, các biến chủng tiếp theo có thể lây lan nhanh hơn Omicron, thậm chí có khả năng trở nên nguy hiểm hơn. Trước mắt, thế giới đang theo dõi chặt chẽ chủng phụ của Omicron là BA.2 khi số ca nhiễm biến thể này đang gia tăng trên nhiều quốc gia.
Nhà sinh vật học tiến hóa Sarah Otto của Đại học British Columbia đánh giá, COVID-19 không thể đoán trước được. "Các biến chủng của virus mang đến một số bất ngờ khó chịu", ông nói, đồng thời kêu gọi quan chức y tế thế giới tiếp tục theo dõi và đẩy nhanh tốc độ giải mã gen của Omicron để sẵn sàng ứng phó ngăn biến chủng mới gây thêm bất kỳ thiệt hại nào.
"Hiện tại virus vẫn đang phát triển. Và để ngăn chặn sự đột biến cũng như lây lan của các biến chủng nguy hiểm, tiêm chủng vaccine là biện pháp hữu hiệu nhất vào lúc này", chuyên gia Otto nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm