Điều gì ngăn cản Ấn Độ đứng về phía Mỹ?

TRƯỜNG ĐẶNG 07/03/2023 04:00

Hợp tác chặt chẽ với Ấn Độ sẽ đóng một vai trò quyết định đến thành công của Mỹ ở khu vực Châu Á-Thái Bình Dương; nhưng thực tế khó khăn hơn những gì Washington nghĩ.

Mỹ đang phải đau đầu trong giải quyết quan hệ với Ấn Độ

Mỹ đang phải đau đầu trong giải quyết quan hệ với Ấn Độ

>> Vì sao nhiều quốc gia chia rẽ sâu sắc về chiến sự Nga- Ukraine?

Là một cường quốc mới nổi khác của châu Á, Ấn Độ có đầy đủ các yếu tố để trở thành một đối trọng của Trung Quốc cả trong và ngoài khu vực. Washington nhận thức rõ điều này và luôn muốn lôi kéo quốc gia Nam Á lại gần mình hơn để trở thành liên minh đối trọng với Trung Quốc. Thế nhưng, bất chấp những nỗ lực xích lại gần của Mỹ, Ấn Độ vẫn giữ một khoảng cách nhất định để được coi là một đồng minh thân cận của Washington.

Từ quá khứ trắc trở... 

Ít người biết rằng trong lịch sử, quan hệ giữa hai nước đã bị bao phủ bởi sự mất lòng tin sâu sắc và sự khác biệt trong thế giới quan. Di sản đó dường như vẫn ám ảnh mối quan hệ cho đến ngày nay.

Năm 1949, Mỹ trải thảm đỏ đón Thủ tướng Ấn Độ bấy giờ là Jawaharlal Nehru lần đầu tiên đến Washington D.C, mong muốn New Delhi đứng về phía mình trong cuộc cạnh tranh địa chính trị với Liên Xô. Thế nhưng, Nehru đã từ chối, nói rằng lập trường của Mỹ “là một sự áp dụng sai đối với kinh nghiệm của phương Đông hoặc châu Âu” và tuyên bố Ấn Độ “theo đuổi hòa bình, không phải thông qua liên kết với bất kỳ cường quốc hoặc nhóm quyền lực lớn nào, mà thông qua cách tiếp cận độc lập với từng vấn đề gây tranh cãi hoặc tranh chấp”.

Ông Shashi Tharoor, cựu Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ, lý giải quan điểm của Nehru bắt nguồn từ kinh nghiệm thuộc địa của Ấn Độ dưới thời Anh. “200 năm qua chúng ta đã có một quốc gia khác quyết định lên tiếng thay cho chúng ta trên trường thế giới”, ông nói.

Vì lý do đó, suốt cuộc chiến tranh Lạnh, quan điểm “đứng về phía Mỹ hoặc chống lại Mỹ” của Washington khiến Ấn Độ trở thành một đối tác không đáng tin cậy, và góp phần khiến các nhà hoạch định chính sách Mỹ chọn Pakistan – một quốc gia có quan hệ căng thẳng với Ấn Độ - làm đối tác chống Liên Xô.

Hơn 70 năm sau, thế giới một lần nữa chia thành hai phe đối lập với Mỹ và Trung Quốc. Một lần nữa, New Delhi đang đứng trước áp lực phải chọn phe như trong quá khứ.

Cựu thủ tướng Nehru là đại diện cho trường phái ngoại giao trung lập của Ấn Độ

Cựu thủ tướng Nehru là đại diện cho trường phái ngoại giao trung lập của Ấn Độ

... đến thay đổi trong ứng xử với Trung Quốc

Trong thế kỷ 21, đang có những vấn đề khiến Ấn Độ ngả về phía Mỹ nhiều hơn, điển hình là sự cứng rắn ngày càng tăng của Trung Quốc. Trước đây, quan điểm của cựu thủ tướng Nehru bắt nguồn từ sự ngưỡng mộ to lớn đối với mô hình kinh tế do nhà nước lãnh đạo của Liên Xô. Điều này khác với lãnh đạo Ấn Độ hiện tại, khi Thủ tướng Modi coi Trung Quốc là mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia, đặc biệt là sau những xung đột xung quanh lãnh thổ giữa hai nước.

Chuyên gia Tharoor nhận định: “Ấn Độ rất ngại tham gia chính thức vào một liên minh như vậy, nhưng trên thực tế, có mọi lý do để làm điều đó khi Trung Quốc đang ngày càng hiếu chiến. Chúng tôi cũng cần phải thực sự có những đối tác đối phó với Trung Quốc.”

>>Trục lợi ích mới từ chiến sự Nga - Ukraine

Các tranh chấp lãnh thổ dọc biên giới Himalaya trở thành nguyên nhân chính cho việc Ấn Độ tìm kiếm hỗ trợ mạnh mẽ hơn từ Mỹ. Tranh chấp bắt nguồn từ năm 1962 đã trở nên căng thẳng hơn trong 5 năm qua khi Bắc Kinh theo đuổi các đòi hỏi chủ quyền một cách quyết đoán hơn— tương tự như ở Biển Đông. Hai bên đã có những xung đột dẫn đến đổ máu trong 2021.

Ồng Derek Grossman, chuyên gia của RAND, nói rằng: “Trừ khi xung đột biên giới được giải quyết theo hướng có lợi cho Ấn Độ, quan hệ Ấn Độ-Trung Quốc không thể trở lại bình thường”.

Một lý do khác đẩy Ấn Độ gần hơn về phía Mỹ là mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với Pakistan. Pakistan- quốc gia có nhiều căng thẳng với Ấn Độ là một trong những đối tác lớn nhất của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) do Trung Quốc khởi xướng. Đáng nói, một trong những dự án lớn nhất giữa 2 nước - Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan – đã khiến Ấn Độ không hài lòng khi đi qua một phần của khu vực Kashmir – trung tâm tranh chấp lãnh thổ giữa hai nước.

Những bất đồng đó đang đẩy Ấn Độ về phía Mỹ nhiều hơn. Khi chính quyền Biden thảo luận về việc cấm mạng xã hội TikTok của Trung Quốc, thì Ấn Độ đã làm điều đó từ năm 2020. New Delhi cũng đã từ chối tham gia Sáng kiến BRI, lo sợ họ có thể trở thành một công cụ để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng.

Sự tham gia của Ấn Độ vào nhóm “bộ Tứ” (QUAD) do Mỹ dẫn đầu càng khiến Trung Quốc thêm quan ngại. Năm 2022, Mỹ và Ấn Độ đã tập trận quân sự chung ở bang Uttarakhand của Ấn Độ, không xa biên giới tranh chấp với Trung Quốc. New Delhi cũng là thành viên tích cực trong Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương do Mỹ lập ra vào tháng 5/2022, trong đó quốc gia Nam Á là sự thay thế quan trọng khi Mỹ tìm cách giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc trong việc cung cấp hàng hóa.

Ông Jeff M. Smith, Giám đốc chương trình nghiên cứu châu Á tại Heritage Foundation, cho biết các nhà hoạch định chính sách Ấn Độ “đã tỏ ra sẵn sàng hơn rất nhiều trong việc chấp nhận các hình thức liên kết mạnh mẽ hơn với Mỹ mà không sợ trở thành một tay sai của Washington”.

Tín hiệu đó đang được Mỹ tiếp nhận. Chính quyền Mỹ dường như đã học được cách điều chỉnh để phù hợp hơn với truyền thống thực dụng của Ấn Độ. “Mỹ dường như đủ kiên nhẫn để người Ấn cảm thấy thoải mái trong hợp tác”, chuyên gia Tharoor nói và nhấn mạnh điều này chắc chắn đang tiến triển theo hướng mà Mỹ mong muốn.

Bất chấp thực tế đó, New Delhi vẫn chưa từ bỏ cách tiếp cận trung lập trong các vấn đề quốc tế. Tháng 5/2022, Modi có thể bắt tay với Biden tại hội nghị thượng đỉnh QUAD tại Tokyo, nhưng 4 tháng sau, ông đã có mặt tại Uzbekistan để thảo luận với Tổng thống Nga, Iran và Chủ tịch Trung Quốc tại thượng đỉnh Hợp tác Thượng Hải – một đối trọng với Mỹ và phương Tây. Hay thất bại mới nhất của Mỹ là việc Ấn Độ từ chối tham gia liên minh chống Nga do Washington đề xuất. Những thực tế đó đang đặt ra nghi vấn lớn về hiệu quả của những điều chỉnh chiến lược mà Mỹ áp dụng với Ấn Độ từ trước tới nay. 

Có thể bạn quan tâm

  • Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    Chia rẽ tài chính đè nặng mối quan hệ Mỹ - Trung

    05:20, 28/02/2023

  • Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    Mỹ - Trung chưa có dấu hiệu dỡ bỏ thuế quan

    04:50, 18/11/2022

  • Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    Tín hiệu tích cực từ đối thoại cấp cao Mỹ - Trung

    02:30, 16/11/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều gì ngăn cản Ấn Độ đứng về phía Mỹ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO