Bên cạnh việc xem xét nguyên nhân dẫn đến nguồn cung khan hiếm và giá xăng dầu tăng cao, thì cơ chế điều hành của Nhà nước luôn phải đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Nhà nước - doanh nghiệp - người dân.
>>Giá xăng dầu biến động, nhiều doanh nghiệp ngành xăng dầu lỗ nặng
Vừa qua, Bộ Công Thương đã chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9/2014 và Nghị định số 95/202I/NĐ-CP ngày 1/11/2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu.
Theo tôi, việc sửa đổi đã được Nhà nước làm rất thận trọng, kéo dài trong hai năm liên tục. Có thể thấy trước đó, thị trường xăng dầu là một thị trường hết sức “dị biệt” ở chỗ vào tháng 4/2020, giá xăng dầu kỳ hạn giao sau -37,36 USD/thùng và chỉ xảy ra trong 2 giờ đồng hồ. Sau đó là thời kỳ bùng phát dịch Covid-19 và giai đoạn phục hồi kinh tế sau Covid, giá xăng dầu đã tiếp tục tăng lên. Có những thời điểm, giá xăng dầu trên thị trường thế giới tăng 10 USD và cũng hạ xuống 10 USD, trong khi thời điểm cao nhất giá hạ là 4-5 USD. Điều này khiến các đơn vị sản xuất, chế biến khai thác dầu là những công ty thượng nguồn được lãi rất lớn, còn các công ty hạ nguồn, phân phối kinh doanh bị thua lỗ.
Trong bối cảnh đó, cách điều hành của Việt Nam có những lúc chưa thích ứng với thực tiễn, dẫn đến một đất nước vừa sản xuất, chế biến, khai thác vừa nhập khẩu nhưng lại có tới ba lần khủng hoảng thiếu xăng dầu như thời bao cấp.
Trên nghị trường Quốc hội, Thủ tướng Phạm Minh chính cũng đã công nhận, trong điều kiện bất bình thường, nhưng chúng ta điều hành theo cách bình thường là có vấn đề, vì thế cần rút kinh nghiệm, yêu cầu Bộ Công Thương cần phải xem xét một cách nghiêm túc những vấn đề nào còn tồn tại, bất cập, không phù hợp với diễn biến tình hình mới thì cần sửa đổi.
Do đó, những bất cập trong Nghị định 83 có một số vấn đề được tổ soạn thảo, tổ điều hành giá xăng dầu đưa ra như: Chu kỳ điều hành về giá có nên rút ngắn hay không, khi Nghị định 84 là 30 ngày, Nghị định 83 là 15 ngày và vừa rồi chúng ta sửa đổi lại là 10 ngày? Hay, có nên để cho doanh nghiệp tự định giá, nghĩa là để cho thị trường tự quyết định giá cả? Một vấn đề nữa là về mức chiết khấu, có nên để Nhà nước quy định chiết khấu, hoặc vai trò của thương nhân phân phối ra sao...? Nhưng vấn đề hiện nay đang nổi cộm là quả bóng này đang bị đá qua lại giữa hai Bộ Tài chính và Bộ Công Thương, khiến các doanh nghiệp phàn nàn rất nhiều.
>>Doanh nghiệp tự quyết giá xăng dầu: Lợi bất cập hại!
Đáng chú ý, Bộ Công Thương cũng đưa ra hai phương án về tính giá xăng dầu gồm: Phương án thứ nhất là vẫn điều hành giá xăng dầu như hiện nay, nhưng sửa công thức giá cơ sở theo hướng bổ sung một số chi phí thực tế phát sinh của doanh nghiệp. Phương án hai là Nhà nước chỉ công bố giá định hướng, doanh nghiệp sẽ tự xác định đưa ra giá bán lẻ xăng dầu sau khi cộng chi phí kinh doanh thực tế.
Tôi cho rằng, phương án thứ hai là không thể chấp nhận được, bởi ví đó là vi hiến, là không tuân thủ theo pháp luật về thể chế quản lý giá. Thời gian qua, trong điều kiện rất bất thường nhưng chúng ta lại điều hành giá theo cách bình thường mới là cái cần xem xét. Nhất là giá tăng giảm rất mạnh và nguồn cung thiếu lớn khi hai nhà máy gặp sự cố, cúng với đó là bối cảnh mưa bão, khiến vận chuyển gặp nhiều khó khăn, kết hợp với nguồn cung ứng trên thế giới đứt gãy do xung đột Nga – Ukraine. Như vậy có rất nhiều yếu tố làm cho chi phí kinh doanh xăng dầu tăng cao và cơ quan điều hành phải tính toán, xem xét về nguyên nhân căn bản dẫn đến nguồn cung khan hiếm.
Còn việc để doanh nghiệp tự định giá thì có thể so sánh như “hổ đã có nanh lại được thêm nanh” sẽ rất nguy hiểm. Bởi vì khi họ đã giữ được vị trí thống lĩnh thị trường, có thể sẽ lợi dụng vị thế đó để nâng giá, buộc người tiêu dùng phải chấp nhận. Lúc này thiệt thòi tập trung về phía người tiêu dùng, trong khi cơ chế điều hành của Nhà nước luôn luôn phải đảm bảo hài hòa ba lợi ích: Nhà nước - doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể, việc kinh doanh có lãi thì Nhà nước thu được thuế. Giá cả hợp lý, người tiêu dùng mua nhiều giúp doanh nghiệp được bù đắp chi phí, có mức lãi thoả đáng, chứ không phải mức lãi độc quyền do vị thế tạo ra. Còn với người tiêu dùng, khi giá cao thì chấp nhận giá cao, giá thấp thì được hưởng giá thấp. Hoàn toàn không thể để doanh nghiệp giữ vị trí thống lĩnh thị trường, định giá cao hơn giá thị trường sẽ gây thiệt hại cho người dân. Đó là vi phạm luật giá, vi phạm luật cạnh tranh mà bất kỳ quốc gia nào hoạt động theo mô hình kinh tế thị trường đều phải quản lý giá.
Kinh tế thị trường là kinh tế cạnh tranh và cạnh tranh cũng tạo ra độc quyền, nhưng chúng ta cần phải kiểm soát thế độc quyền đó bằng công cụ giá, cũng như công cụ kiểm toán, hạch toán. Với thị trường độc quyền thì quy định giá cụ thể, còn thị trường vừa có cạnh tranh vừa có độc quyền, nhưng cạnh tranh còn yếu thì phải quy định giá trần và giá sàn.
Có thể bạn quan tâm
05:00, 06/12/2022
00:00, 11/11/2022
06:59, 17/01/2023