Tín dụng - Ngân hàng

Điều kiện “kép” đẩy tiền ra thị trường

Lê Mỹ 13/09/2024 05:14

Tỷ giá tiếp tục giảm giúp NHNN có điều kiện tăng mua vào ngoại tệ để bổ sung dự trữ ngoại hối. Cùng với đó, áp lực giữ lãi suất liên ngân hàng cao hạ xuống.

Tỷ giá liên tiếp trong các ngày qua đều ghi nhận mức giảm và nối tiếp tuần giảm giá USD tới hơn 1,2% trước đó.

Tỷ giá USD được Vietcombank niêm yết ngày 12/9 có giá 24.355 - 24.725 VND/USD chiều mua vào - bán ra, giảm 105 VND cả 2 chiều mua vào – bán ra so với hôm 11/9. Giá mua và bán USD hiện tại nằm trong khoảng từ 23.400 - 25.353 VND/USD.

ty-gia-anh-quoc-tuan-enternews-1695390349.jpg
Sau phát biểu của Fed ngày 23/08/2024, các NĐT kỳ vọng nhiều hơn vào quyết định cắt giảm lãi suất của Fed trong những kỳ họp sắp tới. Điều này đã tác động rất tích cực tới tỷ giá của Việt Nam trong những ngày gần đây - Ảnh minh họa: Quốc Tuấn

Tỷ giá mua vào - bán ra của VietinBank cũng ở mức thấp 24.375-24.715VND/USD; tương tự là giá niêm yết giao dịch của BIDV.

Tỷ giá trung tâm do NHNN áp dụng ngày 12/9 do NHNN công bố chỉ còn 24.187 VND Theo biên độ, tỷ giá được phép giao dịch của các ngân hàng thương mại (NHTM) sẽ dao động từ 23.400 – 25.372 VND/USD. Tỷ giá USD cũng đã được Sở giao dịch NHNN đưa về phạm vi mua bán từ 23.400 đến 25.372 VND/USD. Độ lùi của đồng bạc xanh trên thị trường đang càng dần lùi về sát ngưỡng giá của đầu năm, và chỉ còn dao động trong biên độ tăng khoảng 1,2-1,3%, thay cho mức kịch biên gần 5% của giai đoạn vào tháng 5.

Nhìn xa hơn, dữ liệu MASVN ghi nhận, tỷ giá đã ghi nhận 2 tháng hạ nhiệt liên tiếp kể từ tháng 7, theo đó NHNN cũng đã ngưng biện pháp bán ngoại hối dự trữ để can thiệp nguồn cung, và có điều kiện sử dụng điều chỉnh lãi suất công cụ để hạ dần lãi suất liên ngân hàng, tăng hỗ trợ thanh khoản cho hệ thống. Cụ thể, NHNN đã bơm hơn 203 nghìn tỷ đồng trở lại hệ thống thông qua hợp đồng mua lại đảo ngược (RRP); ngưng phát hành tín phiếu thông qua kênh OMO kể từ ngày 23/08. Lãi suất phát hành đối với RRP được giữ nguyên tại 4,25% trong khi NHNN đã có hai lần điều chỉnh giảm 5 điểm cơ bản đối với lãi suất phát hành của OMO lần lượt về 4,2% vào ngày 20/08 và tiếp tục giảm về 4,15% vào ngày 23/08.

“Mặc dù mức chênh lệch lãi suất giữa VND và USD vẫn đang duy trì trạng thái âm, song việc NHNN có động thái phản ứng sớm và có phần đi tắt đón đầu các tín hiệu cắt lãi suất của Fed (dự kiến từ 25 đến 50 điểm cơ bản vào kỳ họp tháng 9) sẽ mở ra cơ hội giảm nền lãi suất đối với kênh liên ngân hàng trong thời gian tới và qua đó tạo dư địa để hạ nhiệt lãi suất huy động trên thị trường 1”, MASVN nhận xét.

Lai suat lien ngan hang
Lãi suất liên ngân hàng đang giảm về vùng tích cực, xu hướng bền vững - Nguồn: FIDT

Cũng phải nói thêm là tỷ giá hạ nhiệt đến từ nhiều yếu tố hỗ trợ và vẫn đang có kỳ vọng giảm thêm. Trong đó, theo TPS, DXY giảm mạnh do kỳ vọng Fed sẽ cắt giảm lãi suất trong những tháng tới đã tạo dư địa cho NHNN trong điều hành chính sách tiền tệ duy trì nới lỏng.

Bên cạnh đó, nguồn ngoại tệ dồi dào đến từ vốn thực hiện của các dự án FDI đạt cao, ước khoảng 14,15 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Đây là năm có lượng vốn đầu tư thực hiện cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây. Xuất khẩu tăng trong khi nhập siêu chậm lại, giá dầu giảm..., giúp thặng dư thương mại 8 tháng 2024 đạt 19,08 tỷ USD, chỉ tính riêng trong tháng 8 đã thặng dư thương mại 4,53 tỷ USD; cùng với dòng ngoại tệ từ khách du lịch, kiều hối… tích cực, mang đến điều kiện giải tỏa áp lực cung - cầu ngoại hối.

Ở một diễn biến khác, NHNN đã ban hành Thông tư 43/2024/TT-NHNN nhằm sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Điều 9 Thông tư 01/2014/TT-NHNN (Thông tư 01) về việc cơ cấu đầu tư dự trữ ngoại hối chính thức và mua, bán ngoại tệ giữa dự trữ ngoại hối chính thức với ngân sách nhà nước. Trong đó, Kho bạc Nhà nước có thể mua ngọại tệ trực tiếp từ nguồn dự trữ ngoại hối của NHNN thay vì phải mua trực tiếp từ thị trường, qua đó giảm tải áp lực đối với tỷ giá trong nước.

Thực hiện theo Thông tư, Kho bạc Nhà nước cũng bắt đầu tiến hành các đợt thông báo nhu cầu mua ngoại tệ. Ngày 6/9, Kho bạc Nhà nước thông báo nhu cầu mua ngoại tệ từ ngân hàng thương mại đợt 2 với khối lượng 150 triệu USD.

Ngày 11/9, đợt 3 cũng vừa được thông báo nhu cầu chào mua với khối lượng dự kiến 100 triệu USD. Đây là loại hình giao ngay, thực hiện vào ngày 12/9 và thanh toán dự kiến ngày 16/9. Ước tính qua 2 đợt thông báo, nếu Kho bạc Nhà nước mua thành công như khối lượng dự kiến, hệ thống ngân hàng cũng nhận về thêm hàng chục nghìn tỷ đồng để tăng bổ sung vốn tiền đồng cho hoạt động kinh doanh, cho vay ra thị trường.

Bên cạnh cơ hội tăng mua bổ sung dự trữ ngoại hối và đẩy vốn tiền đồng trả ra hệ thống khi tỷ giá xuống thấp, trên thị trường liên ngân hàng, ghi nhận sau các đợt giảm lãi suất công cụ, thanh khoản liên ngân hàng hiện đang cải thiện mạnh, lãi suất liên ngân hàng đang có xu hướng giảm bền vững, theo FIDT.

Thống kê của FIDT, lãi suất qua đêm thấp nhất nhiều tháng, chỉ còn 3,5% - 3,7%. Lãi suất 1 tuần - 1 tháng vùng 4,3% - 4,5%, xu hướng giảm dần. Thanh khoản hệ thống sau lễ 02/09 tăng đến 50.000 - 60.000 tỷ đồng. Ông Huỳnh Minh Tuấn, Chủ tịch FIDT chia sẻ, đây là thông tin tốt cho thấy tiền đang được đẩy ra thị trường và nền kinh tế, hứa hẹn sự tích cực về tăng trưởng tín dụng và cơ hội cho các kênh đầu tư.

Hỗ trợ cho kỳ vọng về khả năng nhà điều hành sẽ tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ xu hướng nới lỏng, hỗ trợ thanh khoản và giá vốn rẻ để các NHTM tích cực đẩy vốn ra thị trường, ngoài ra, còn có kỳ vọng lạm phát thấp. Trên cơ sở lạm phát thấp duy trì trong tháng 8 theo GSO, khảo sát kỳ vọng lạm phát của các chuyên gia và các TCTD do NHNN công bố cho năm 2024 lần lượt là 4% và 3,78%. Chuyên gia và các TCTD cũng đồng thời kỳ vọng lạm phát sẽ hạ thấp hơn dưới 4% vào 2 năm tới.

Dù vậy, một chuyên gia lưu ý là trong ngắn hạn, các biến số bất ngờ như tác động của bão Yagi vừa qua, với mức độ thiệt hại trên diện rộng, có thể gây ảnh hưởng lên giá cả của một số mặt hàng thiết yếu như gạo, thịt lợn… Đây là bài toán về quản lý giá rất cần được lưu tâm để tránh tác động lên CPI trong thời gian tới, cũng như làm chậm mức độ phục hồi đời sống, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp; và khiến xu hướng nới lỏng tiền tệ phải thận trọng cân đối với mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát trong chặng đường tín dụng rất cần chạy đua nước rút bung vốn mạnh những tháng cuối năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện “kép” đẩy tiền ra thị trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO