Đại biểu Phạm Văn Thịnh cảnh báo các chủ đầu tư nhà xã hội sẽ vỡ nợ vì "không khách hàng nào đủ điều kiện mua" khi nhiều quy định đang làm khó công nhân.
>>> Mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội
Theo Đề án phát triển nhà ở xã hội được Thủ tướng phê duyệt, đến năm 2030 cả nước có một triệu căn nhà ở xã hội (trong đó đến năm 2025 hoàn thành 428.000 căn). Tổng vốn dự kiến là 849.000 tỷ đồng, chủ yếu bằng vốn xã hội hóa. Đề án này được kỳ vọng giúp giá nhà phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình thu nhập trung bình, thấp khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp.
Tuy nhiên, ông Phạm Văn Thịnh, Trưởng ban Dân vận tỉnh Bắc Giang băn khoăn về tính khả thi của đề án này khi thảo luận về kinh tế xã hội tại Quốc hội ngày 31/5.
Ông dẫn chứng, tại Bắc Giang công nhân muốn mua nhưng lại không đáp ứng điều kiện "không có nhà ở, đất ở nào khác". Cụ thể, dự án nhà ở xã hội thị trấn Nếnh (huyện Việt Yên, Bắc Giang), giai đoạn 1 có 4.000 căn hộ, giá bán 12,3 triệu đồng một m2. Chủ đầu tư đang hoàn thiện để đưa vào sử dụng, nhưng từ khi công bố nhận hồ sơ đã hơn một năm mới có trên 200 công nhân đủ điều kiện mua nhà.
Bà Vũ Thế Vân, Chủ tịch công đoàn các khu công nghiệp - chế xuất TP HCM cho biết khi nghe thông tin ngân hàng nhà nước triển khai gói vay 120.000 tỷ đồng hỗ trợ người lao động, công nhân mua nhà ở xã hội, cán bộ công đoàn rất vui. Tuy nhiên, công nhân rất khó tiếp cận. Hỏi thì ngân hàng đề nghị công nhân ra tận nơi để tìm hiểu.
Theo bà Vân, gói vay không phù hợp với đại đa số công nhân. 75% công nhân làm việc trong khu chế xuất là người ngoài tỉnh. Một căn hộ nhà ở xã hội giá 1-1,6 tỷ đồng, công nhân phải trả trước 50%. Nếu áp quy định chỉ người thu nhập thấp, dưới mức chịu thuế mới được xét mua nhà xã hội thì những người này lấy nguồn ở đâu tích lũy tiền để trả trước. Chưa kể, 50% số tiền còn lại được vay lãi suất 8,2% mỗi năm là quá cao.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM cho rằng, hiện có nhiều điểm nghẽn trong câu chuyện về nhà ở xã hội, trong đó điểm nghẽn về xác định đối tượng nhà ở xã hội… Ví dụ như việc chỉ cần đóng thuế thu nhập cá nhân là không thuộc đối tượng được mua nhà ở xã hội. Thực tế, có rất nhiều người lao động đóng thuế thu nhập cá nhân không đồng nghĩa với việc họ có thu nhập cao, có khả năng mua nhà ở thương mại.
Trong khi đó, chuyên gia bất động sản Nguyễn Hoàng nhìn nhận, về đối tượng mua nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2014 và Nghị định 100 của Chính phủ đã có quy định về đối tượng và điều kiện được mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, đa số người có nhu cầu ở thực mua nhà ở xã hội khó đáp ứng đúng đối tượng và điều kiện. Thậm chí, có tình trạng lách luật, người đã có nhà ở nhưng vẫn tham gia đăng ký mua nhà ở xã hội rồi sau đó không sử dụng đúng mục đích như chuyển nhượng dưới hình thức uỷ quyền, cho thuê…
>>> Doanh nghiệp, người dân gặp khó khi tiếp cận nhà ở xã hội
Dự báo nhu cầu nhà ở xã hội trên toàn quốc giai đoạn 2011-2030 là khoảng 440.000 căn hộ, nhưng đến nay mới chỉ thực hiện được trên 30% kế hoạch. Còn tại TP.HCM, giai đoạn 2015-2020, thành phố thực hiện được 15.000 căn hộ nhà ở xã hội nhưng vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở rất lớn của công nhân lao động và người nhập cư. Con số này chỉ bằng số lượng căn hộ thương mại hạng C trong 1 năm được đưa ra thị trường giai đoạn 2016-2018.
Bộ Xây dựng đã có văn bản đôn đốc các địa phương triển khai các nhiệm vụ đã giao tại Đề án đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng có thu nhập thấp và công nhân ở các khu công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Bộ cũng đã tổ chức Hội nghị triển khai Đề án này.
Qua báo cáo của các địa phương, đến nay có khoảng 100 dự án thuộc đối tượng của gói 120.000 tỷ đồng và các địa phương đã công bố các nhu cầu vay vốn như Bình Định 1.832 tỷ đồng, Phú Thọ 441 tỷ đồng, Đà Nẵng 545 tỷ đồng, Trà Vinh 420 tỷ đồng, Bắc Giang 4.527 tỷ đồng và Hải Phòng 3.842 tỷ đồng…
Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng và Ngân hàng Nhà nước sẽ cùng các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ cơ chế như sửa quy định tại Luật Nhà ở và các pháp luật khác để triển khai hiệu quả nhất gói tín dụng 120.000 tỷ đồng.
"Trong quá trình sửa đổi Luật Nhà ở và các chính pháp luật có liên quan, Bộ Xây dựng cơ bản khắc phục các khó khăn, vướng mắc như ý kiến của các đại biểu đề cập" - Bộ trưởng Nguyễn Thanh Nghị khẳng định.
Có thể bạn quan tâm
Bài toán nào để hoàn thành mục tiêu xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội?
12:55, 31/05/2023
Doanh nghiệp, người dân gặp khó khi tiếp cận nhà ở xã hội
11:33, 31/05/2023
"Khơi thông" gói ưu đãi nhà ở xã hội – Cần gỡ vướng mắc về pháp lý
05:10, 31/05/2023
Không nhất thiết dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội
17:00, 30/05/2023