Điều kiện tiếp cận tín dụng nhìn từ Thông tư 06/2023

PHẠM XUÂN HÒE - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN) 15/08/2023 05:30

Về lý thuyết, có thể những khách hàng tốt sẽ được các ngân hàng “ưu ái” hơn về lãi suất, về phí, nhưng về mặt điều kiện thì pháp luật đã quy định chung và không thể giảm điều kiện cho vay.

>>Thông tư 06/2023/TT-NHNN tác động đến thị trường tín dụng ra sao?

Không hạ chuẩn tín dụng

Thông tư 06/2023/TT-NHNN sửa đổi bổ sung một số điều của Thông tư 39/2016/TT-NHNN quy định về hoạt động cho vay, với nhiều quy định tiếp cận vốn sẽ có hiệu lực từ ngày mùng 1/9.

Tất cả các điều kiện tín dụng vẫn theo quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là không hạ chuẩn tín dụng

Tất cả các điều kiện tín dụng vẫn theo quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là không hạ chuẩn tín dụng

Trong đó, có một số điều mới có lợi cho khách hàng như sau: Thứ nhất, về nhu cầu vay mua nhà ở hoặc phương tiện xe cơ giới, người đi vay hoàn toàn có thể vay từ ngân hàng này để trả ngân hàng khác. Ở điểm này trong Thông tư 39, chỉ có vốn phục vụ cho các dự án kinh doanh mới được mua bán nợ giữa các ngân hàng.

Tuy nhiên, cũng có hai điểm quan trọng để giải quyết được câu chuyện vay ngân hàng này trả nợ ngân hàng kia. Trước hết, khoản vay đó phải đáp ứng các điều kiện như về thời hạn vay, chỉ được vay ở thời hạn còn lại của khoản vay trước; và khoản nợ đó phải là nợ tốt, không bị cơ cấu lại. Điểm này chỉ có lợi nếu có thể giảm được lãi suất vay khi chuyển từ ngân hàng lãi suất cao sang ngân hàng lãi suất thấp hơn.

Riêng với những người mua nhà, mua xe,... được vay ngân hàng này trả nợ cho ngân hàng khác, điểm lợi là khách hàng có thể đàm phán với ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn thì chuyển khoản vay để tiết giảm lãi suất tiền vay. Song, đây chỉ là có thể, vì mặt bằng lãi suất chênh lệch giữa các ngân hàng hiện nay không quá cao, đồng thời có thể có quy định về việc khách hàng trả trước hạn sẽ phải nộp một khoản phí phạt. Vì vậy, chưa hẳn khách hàng đã được hưởng lợi trong câu chuyện này.

Thực tế, nếu các ngân hàng sử dụng kỹ thuật đẩy lãi suất phạt lên từ 4 - 5% thì chắc chắn người vay không có lợi, thậm chí chi phí còn cao hơn so với khoản chênh lệch lãi suất kỳ vọng giữa ngân hàng A với ngân hàng B. Đây là một trong những cách để ngân hàng đang cho vay giữ chân khách hàng tốt, vì ngân hàng nào cũng muốn chất lượng tín dụng cao.

Có thể nói, đây là những điều kiện, rào cản về mặt kỹ thuật khiến mong muốn giảm lãi suất tiền vay của người vay mua nhà, mua xe, các phương tiện vận tải,... chưa hẳn đã khả thi. Điều này được pháp luật cho phép trong Thông tư 39 về các lãi suất phạt trả trước hạn, hoặc các phí về hạn mức tín dụng dự phòng.

Thứ hai, trong Thông tư 06 có một nhóm điều khoản quy định về câu chuyện cho vay bằng phương thức điện tử, nhưng tôi cho rằng điều này phải là cho vay thông qua phương thức điện tử. Việc thông qua phương thức điện tử thì thì câu chuyện tiếp cận, gửi thủ tục phê duyệt cho vay được tự động hóa cũng sẽ nhanh hơn, dễ dàng hơn cho khách hàng tại các ngân hàng số, các ngân hàng đã số hóa.

Ngoài ra, Thông tư 06 cũng bổ sung thêm 3 hạn chế của việc cho vay bao gồm: Một, cho vay để gửi tiền. Mục đích là Ngân hàng Nhà nước muốn chặn việc gửi ngoại tệ 0% lãi suất ở ngân hàng này, nhưng đi cầm cố vay để gửi VND và hưởng chênh lệch lãi suất ở ngân hàng khác. Hai là, những nhu cầu vay để mua lại vốn ở các công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty liên doanh hoặc nhu cầu vay mua cổ phần, nắm giữ cổ phần của các công ty cổ phần chưa được niêm yết trên sàn chứng khoán, chưa được giao dịch trên sàn UPCoM. Ba là, không được cho vay vào những nhu cầu góp vốn hoặc các dự án không đủ điều kiện kinh doanh theo quy định pháp luật.

Đây là ba điểm mới, còn lại các điều kiện về cho vay vẫn như Điều 7 của Thông tư 39 và duy nhất có Khoản 5 Điều 7 Thông tư 39 vốn được quy định chi tiết hơn thì trong Thông tư 06 sẽ bị bãi bỏ. Tất cả các điều kiện tín dụng vẫn theo quan điểm nhất quán của Ngân hàng Nhà nước là không hạ chuẩn tín dụng.

>>Ngân hàng Nhà nước nói gì về Thông tư 06/2023?

Ngân hàng "mỏi mắt"tìm khách hàng tốt

Nền kinh tế của Việt Nam hiện nay đang trong giai đoạn phát triển, doanh nghiệp hay người dân đều cần vốn. Hay nói cách khác, cầu về vốn luôn lớn hơn cung, các ngân hàng luôn quan tâm đến chất lượng tín dụng nên phải “mỏi mắt” đi tìm khách hàng tốt.

Điều kiện quan trọng nhất là nguồn vốn phải dôi dư, trong khi sức ép cạnh tranh để hạ lãi suất của các ngân hàng rất khó

Điều kiện quan trọng nhất hiện nay là nguồn vốn cho vay phải dôi dư, trong khi sức ép cạnh tranh để hạ lãi suất của các ngân hàng rất khó

Về lý thuyết, có thể những khách hàng tốt sẽ được các ngân hàng “ưu ái” hơn về lãi suất, về phí, nhưng về mặt điều kiện thì pháp luật đã quy định chung và không thể giảm điều kiện cho vay. Trong Thông tư 06 mới này, người vay phải đáp ứng được tình hình tài chính minh bạch, có khả năng trả nợ, trong khi tất cả những điều kiện này không thay đổi thì không thể nói rằng điều kiện tiếp cận tín dụng dễ dàng hơn.

Hiện nay, khi tổng cầu nền kinh tế suy giảm, xuất khẩu suy giảm, người dân thắt chặt hầu bao,... điều kiện sản xuất kinh doanh cũng sẽ gặp khó khăn hơn, chỉ những chủ doanh nghiệp hoặc những khách hàng tốt thì ngân hàng mới sẵn sàng chào mời. Nhưng điều kiện quan trọng nhất là nguồn vốn phải dôi dư, trong khi sức ép cạnh tranh để hạ lãi suất của các ngân hàng rất khó mà chỉ có hạ lãi suất để thu hút những khách hàng tốt. Vì vậy, đầu tiên khách hàng phải trở thành khách hàng nhóm 1, luôn luôn có điểm xếp hạng tín dụng AAA thì mới có quyền để chọn ngân hàng.

Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam phần lớn dựa vào hệ thống ngân hàng, tính tổng tài sản tài chính khu vực ngân hàng nắm giữ và cung ứng cho nền kinh tế là trên 70%, thì hệ thống ngân hàng lúc nào cũng chịu áp lực lớn. Theo tôi, chúng ta hãy bình tĩnh, đừng gây áp lực quá lớn lên chính sách tiền tệ mà điều quan trọng nhất là sử dụng chính sách tài khóa nghịch chu kỳ.

Chúng ta vẫn có gần 1 triệu tỷ đồng nằm trong Ngân hàng Nhà nước, đó không phải là tiền của nền kinh tế mà giống như tiền nằm trong kho phát hành. Khi nền kinh tế đang rất thiếu tiền, các doanh nghiệp nợ lòng vòng lẫn nhau, không có dòng tiền để quay vòng. Khi tiền cứ thiếu, người này nợ người kia và kéo dài, cuối cùng sẽ dẫn đến nợ xấu của ngân hàng tăng cao và tiếp tục gây áp lực lên hệ thống ngân hàng.

Quan điểm của tôi lúc này là cần phải bật nhanh câu chuyện đẩy chi tiêu công, đưa dòng tiền ra nền kinh tế, khi đó tất cả các doanh nghiệp cùng được hưởng lợi và tiền mới quay trở về hệ thống ngân hàng, tiền gửi sẽ tăng lên. Đồng thời các ngân hàng dồi dào nguồn vốn cho vay và đáp ứng chuẩn quy định của Ngân hàng Nhà nước là 80% huy động từ thị trường 1.

Có thể bạn quan tâm

  • Thông tư 06/2023 có siết vốn vào bất động sản?

    00:30, 13/08/2023

  • Thông tư 06/2023/TT-NHNN tác động đến thị trường tín dụng ra sao?

    16:00, 11/08/2023

  • Ngân hàng Nhà nước nói gì về Thông tư 06/2023?

    13:20, 18/07/2023

  • Thông tư 06/2023/TT-NHNN có tác động đến bất động sản và ngân hàng?

    12:05, 07/07/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Điều kiện tiếp cận tín dụng nhìn từ Thông tư 06/2023
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO