"Điều luật lịch sử" thay đổi thói quen xấu về rượu, bia

Diendandoanhnghiep.vn Chỉ còn một tuần nữa, người uống rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông.

Trong năm 2019 với 2 kỳ họp diễn ra, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Luật gồm 7 chương, 36 điều và có hiệu lực thi hành từ 1/1/2020.

Dự luật được thông qua trong bối cảnh trước đó liên tiếp xảy ra các vụ tai nạn giao thông gây chết người do tài xế sử dụng rượu, bia.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Trước đó, Luật Giao thông đường bộ hiện hành quy định người điều khiển xe môtô, xe gắn máy chỉ được uống ở mức pháp luật cho phép (nồng độ cồn trong máu không vượt quá 50 miligam/100 mililít máu hoặc 0,25 miligam/1 lít khí thở).

Nhưng với việc Quốc hội thông qua Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, chỉ còn một tuần nữa, người uống rượu, bia sẽ không được điều khiển phương tiện giao thông.

Quy định này cũng mở rộng đối tượng không được uống rượu, bia khi tham gia giao thông và tạo chế tài nghiêm khắc để xử lý nghiêm minh người vi phạm, thể hiện quyết tâm của Quốc hội, của Chính phủ trong việc ngăn chặn các vụ tai nạn giao thông.

Luật cũng quy định nhiều nhóm hành vi bị nghiêm cấm khác, như: Xúi giục, kích động, lôi kéo, ép buộc người khác uống rượu, bia; Người chưa đủ 18 tuổi uống rượu, bia và bán, cung cấp, khuyến mại rượu, bia cho người chưa đủ 18 tuổi.

Thay đổi một thói quen có khó?

Luật đã định, thời điểm áp dụng cũng đã cận kề, xong vấn đề là bao giờ người Việt sẽ nghiêm túc thực hiện việc không lái xe sau khi có hơi men. 

Có người nêu lý do, rất nhiều công việc, hội hè, tiệc tùng khi tham gia không uống nhiều thì cũng phải uống ít cho "phải phép", cho "lịch sự". Có thể là không uống nhiều đến mức say, nhưng chỉ cần uống một chút thôi là trong người đã có hơi men rồi. Chả nhẽ đi hội hè, tiệc tùng lại không uống một chút?

Lý do thì có muôn vàn, nhưng chắc chắn khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được áp dụng từ 1/1/2020, chắn hẳn sẽ nhiều người dè dặt hơn với việc uống rượu bia vì... sợ bị phạt. Nhưng dè dặt không có nghĩa là họ sẽ từ bỏ uống rượu bia, sau đó lái xe ra đường.

Còn nhớ hơn chục năm trước, chúng ta cũng đã có quy định áp dụng bắt buộc đội mũ bảo hiểm đối với người điều khiển xe gắn máy tham gia giao thông.

Ban đầu, đã có rất nhiều người phản ứng, khó chịu với việc phải đội chiếc mũ bảo hiểm trên đầu mỗi khi ra đường.

Nhưng rồi không lâu sau đó, họ nhận ra rằng, mũ bảo hiểm có rất nhiều tác dụng. Không chỉ che nắng, che mưa, mũ bảo hiểm còn có “nhiệm vụ” đặc biệt đó là bảo vệ tính mạng con người khi chẳng may bị tai nạn giao thông liên quan đến chấn thương vùng đầu.

Và khi đã “ngộ” ra sự cần thiết của mũ bảo hiểm, người ta đã sử dụng thường xuyên như một thói quen.

Mặc dù cho đến thời điểm này, vẫn còn một số người không chấp hành đội mũ bảo hiểm, coi thường tính mạng của chính bản thân, nhưng xét về tổng thể, đa số người tham gia giao thông đã có ý thức đội mũ bảo hiểm khi di chuyển trên đường.

Khi một bộ luật được ban hành, điều quan trọng là phải làm sao để thay đổi ý thức, hành vi của con người chứ không phải áp dụng luật để phạt. 

Nói lại câu chuyện mũ bảo hiểm để thấy rằng, việc thay đổi một thói quen không thể thực hiện ngay một sớm, một chiều, cần phải có thời gian, phải tuyên truyền để người dân nhận thức rõ được lợi ích của việc thực thi điều luật.

Đối với việc thay đổi nhận thức của người tham gia giao thông về rượu bia cũng vậy, không thể nhanh chóng bắt mọi người dân thực hiện ngay được. Trước mắt, sẽ có nhiều đối tượng tìm cách lách luật, né phạt…

Cấm tuyệt đối là rất đúng

Thực tế ngay từ khi Luật được thông qua, đã có không ít ý kiến phản đối cho rằng cấm tuyệt đối là không hợp lý, bởi vì có khi lễ lạt, đám giỗ, đám cưới, đàn ông nói chung ai cũng có chút men, mà cấm lái xe thì bất tiện.

Chả nhẽ phải ngồi đợi vài tiếng cho "hả men", hoặc phải bắt xe ôm, taxi về nhà rồi hôm sau lại quay trở lại để... lấy xe.

Thế nhưng, nếu nhìn nhận tình hình thực tế về tai nạn giao thông ở Việt Nam, có thể khẳng định, quy định này không phải là không hợp lý là còn rất cần thiết, phù hợp với thực tế.

Cứ nhìn số liệu mới nhất vừa được Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia công bố sẽ thấy, chỉ trong trong tháng 11/2019, toàn quốc xảy ra 1.634 vụ tai nạn giao thông, làm chết 657 người và làm bị thương 1.271 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 1.617 vụ tai nạn giao thông, làm chết 646 người, bị thương 1.269 người. 

Tính ra, trong 11 tháng của năm 2019 ( từ ngày 15/12/2018 đến 14/11/2019), toàn quốc đã xảy ra 15.885 vụ tai nạn giao thông, làm chết 6.975 người, bị thương 12.144 người. Trong đó, đường bộ xảy ra 15.676 vụ, làm chết 6.821 người, bị thương 12.093 người.

Trong số các vụ tai nạn giao thông kể trên, khoảng 60-70% vụ tai nạn có nguyên nhân từ tài xế say xỉn. Đã có quá nhiều mất mát, đau thương của nhiều gia đình bị đánh đổi vì… chén rượu, ly bia.

Thiết nghĩ, việc cần làm ngay lúc này, đó là công dân Việt Nam cần phải thay đổi hành vi, nhận thức. Theo đó, hãy tuyệt đối chấp hành không uống rượu, bia khi tham gia giao thông.

Xin đừng nghĩ rằng, chỉ lái ô tô mới bị cảnh sát xử phạt vì lái xe có hơi men đi ô tô nguy hiểm hơn, còn đi xe máy thì… an toàn hơn. Đừng bao giờ nghĩ như vậy bởi khi đã có hơi men thì dù lái lái ô tô, xe máy hay thậm chí là xe đạp thì cũng rất rủi ro cho chính bản thân mình và những người tham gia giao thông khác.

Bởi không ai tông vào mình thì mình cũng có thể va quệt, hay tông xe vào người khác hoặc thậm chí là tự ngã vì không làm chủ được bản thân khi trong người có rượu, bia.

Luật đã ban hành rồi, cân đo đong đếm lợi ích khi thực thi luật cũng đã được chỉ ra rất rõ. Có điều, chúng ta phải làm sao để thực thi quyết liệt.

Phải tuyên truyền làm sao để người dân từ bỏ rượu bia khi tham gia giao thông, giống như hơn chục năm trước, chúng ta đã tuyên truyền cho người dân đội mũ bảo hiểm khi ra đường.

Để làm được điều này, ngoài việc quyết tâm thực thi pháp luật, cần phải có sự tự giác chấp hành của người dân.

Biết là rất khó, nhưng cần phải quyết liệt, dứt khoát không để xảy ra tình trạng luật cấm nhưng người dân vẫn cứ lái xe khi có rượu bia. 

Còn hơn đúng một tuần nữa, luật  cấm rượu bia khi lái xe sẽ chính thức có hiệu lực. Hy vọng, tới đây, con số 60-70% vụ tai nạn giao thông có liên quan đến rượu bia sẽ được giảm dần, giảm nhanh.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết "Điều luật lịch sử" thay đổi thói quen xấu về rượu, bia tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714191638 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714191638 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10