Thanh khoản của nhiều doanh nghiệp vẫn đang phụ thuộc những chuyển động tích cực của thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN).
>>Thị trường bất động sản và trái phiếu tiếp tục chi phối triển vọng ngân hàng năm 2023
Việc điều tiết thị trường TPDN trở lại sôi động, hoạt động minh bạch lành mạnh và hướng đến phát triển bền vững là yêu cầu cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Khó khăn của thị trường TPDN đã được thể hiện trong suốt năm 2022. Tình cảnh của thị trường TPDN đã được Thủ tướng Chính phủ đánh giá là “bệnh”, cần chữa, nhưng cần có thời gian do phải xử lý nhiều vấn đề cùng lúc.
Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đã có thông điệp rất rõ ràng với thị trường vào cuối năm 2022 rằng: “Chúng ta tôn trọng quy luật thị trường nhưng khi cần thiết, Nhà nước phải can thiệp, xây dựng cơ chế, chính sách để giải quyết; các cơ quan chức năng phải phản ứng chính sách kịp thời hơn, hiệu quả hơn; doanh nghiệp cũng phải điều chỉnh lại...”
Một trong những nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ đã giao cho ngành Ngân hàng ngay đầu năm nay là “Rà soát, điều chỉnh chính sách phù hợp, tháo gỡ khó khăn về tín dụng, nợ xấu, TPDN…”
>>Cảnh báo nợ xấu ngân hàng có xu hướng gia tăng
Rõ ràng, sự “ra tay” của ngành ngân hàng vào lúc này là vô cùng cần thiết để tháo nút thắt thanh khoản cho thị trường TPDN. Điều này cùng việc sửa đổi Nghị định 65/2022 sẽ có hiệu lực “song kiếm hợp bích”.
Tại Diễn đàn Dự báo kinh tế-Vượt “cơn gió ngược” do DĐDN tổ chức vào cuối 2022, ông Nguyễn Quang Thuân, Chủ tịch FiinGroup nhấn mạnh thị trường TPDN vẫn có triển vọng khi các doanh nghiệp đáp ứng chuẩn tín dụng do phía mua chủ yếu vẫn là ngân hàng. Điều này đồng nghĩa phải có quy định sớm, cụ thể, rõ ràng hơn nữa về thực thi chuẩn tín dụng.
Góp ý về việc sửa đổi Nghị định 65/2022, VCCI đã đề nghị có quy định về việc các NHTM khi môi giới bán trái phiếu thì cần tư vấn đầy đủ về rủi ro cho các nhà đầu tư cá nhân.
Bên cạnh đó, VCCI cho rằng vấn đề xếp hạng tín nhiệm còn bất cập. Thay vì áp dụng ngay quy định xếp hạng tín nhiệm bắt buộc từ 1/1/2023 hoặc lùi thời hạn đến 2024, VCCI đề nghị cân nhắc phương án khoanh định riêng một số doanh nghiệp phát hành buộc phải có xếp hạng tín nhiệm trong năm 2023, sau đó đến năm 2024 mới áp dụng đại trà. Đối với các doanh nghiệp buộc phải áp dụng trước thì nên lựa chọn một số ngành, lĩnh vực có thông tin tài chính tương đối lành mạnh.
“Giải pháp lựa chọn quy định xếp hạng tín nhiệm “mồi”, đặt trong bối cảnh hiện nay, vô cùng cần thiết, để tạo hiệu ứng lan tỏa niềm tin, điều mà thị trường trái phiếu rất cần ở năm 2023. Điều đó góp phần tháo gỡ dần những nút thắt thanh khoản, giảm áp lực điều tiết bằng tài chính”, ông Nguyễn Lê Ngọc Hoàn, chuyên gia Tài chính, nhận định.
Tuy nhiên, cập nhật theo Hội nghị ngành ngân hàng về tín dụng đối với bất động sản trong tuần vừa qua, chưa có thông tin cụ thể cho thấy ngân hàng sẽ có động thái "ra tay" tháo gỡ nút thắt trên thị trường TPDN. Các doanh nghiệp theo đó, đang rất ngóng chờ Nghị định sửa Nghị định 65 sẽ trình Chính phủ sớm.
Có thể bạn quan tâm
“Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Kỳ vọng từ Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi
04:00, 08/02/2023
“Gỡ khó” trái phiếu doanh nghiệp - Cần có chương trình “hoãn nợ” quốc gia
04:00, 05/02/2023
Trình Chính phủ sửa NĐ 65 để "cứu" thị trường trái phiếu
01:01, 03/02/2023
Điều tiết thị trường trái phiếu
15:22, 01/02/2023