Tình trạng thiếu hụt xăng dầu nghiêm trọng ở Việt Nam đang đặt ra vấn đề cần sớm thay đổi cơ chế điều tiết nhằm ổn định thị trường này.
Nhiều quốc gia coi xăng dầu là một trong các yếu tố chính cấu thành CPI, nên nhiệm vụ điều hành thị trường này rất quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng năng lượng hiện nay.
Để giữ cân bằng giữa yếu tố khách quan và chủ quan, các chính phủ sẵn sàng dùng “bàn tay hữu hình” can thiệp thị trường xăng dầu. Ví dụ năm 1906, Quốc hội Mỹ thiết kế đạo luật Sherman chia nhỏ Standard Oil của Rockefeller thành 34 công ty nhỏ để phá thế độc quyền.
Để đảm bảo an ninh năng lượng, người Mỹ xây dựng kho dự trữ chiến lược hơn 700 triệu tấn. Đến thời điểm này, Washington đã giải phóng 180 triệu thùng giúp giá dầu giảm vài chục cent/thùng để đối phó OPEC+ cắt giảm sản lượng và EU cấm vận Nga.
Trong đợt khủng hoảng giá xăng vừa qua tại Mỹ, Nhà trắng đề xuất tạm ngừng đánh thuế liên bang đối với sản phẩm xăng dầu bán ra cho người dân.
Tại Mỹ, tài nguyên dầu mỏ do tư nhân quản lý thông qua đấu thầu thăm dò và khai thác, nhà nước chỉ quản lý dựa trên luật pháp tiểu bang và liên bang. Do vậy, giá cả được quyết định bởi các tập đoàn hàng đầu như Exxon Mobil, Chevron…
Giữa các tập đoàn này tồn tại cơ chế cạnh tranh kịch liệt giúp giảm giá thành, nên giá xăng dầu ở Mỹ không có mức giá thống nhất như ở Việt Nam, có nghĩa giá xăng đầu ở Mỹ hoàn toàn do thị trường quyết định.
Trong khi đó, Trung Quốc - từ một quốc gia có thể tự chủ xăng dầu, đã bắt đầu phải nhập khẩu ròng dầu mỏ và sản phẩm tinh chế từ dầu mỏ kể từ đầu thập niên 90. Do đó, Chính phủ Trung Quốc nhận thấy rằng chế độ định giá cứng nhắc thực hiện trong nền kinh tế chỉ huy phải thay đổi, cắt bớt quyền hành của hai tập đoàn khổng lồ CNPC và Sinopec.
Quyền ấn định giá xăng dầu định kỳ đang mâu thuẫn với quyền định giá của thị trường, dẫn tới việc tăng tính độc quyền cho khối doanh nghiệp Nhà nước.
Bắc Kinh bắt đầu loại bỏ chính sách ấn định giá dầu mỏ từ cuối thập niên 90, trao một phần quyền hành cho thị trường tư nhân. Theo đó, giá bán lẻ xăng dầu ở Trung Quốc được kiểm soát trong trong biên độ 5 - 8% so với giá nhà nước. Từ năm 2000 trở đi, Trung Quốc tham chiếu giá bình quân 3 thị trường Singapore, Rottecdam và New York để định giá xăng dầu cho thị trường trong nước.
Tại Đông Nam Á, Chính phủ Malaysia chỉ lo khoảng 30% nguồn cung, thị phần còn lại chia cho tư nhân trong và ngoài nước. Còn Indonesia cho liên thông giá xăng dầu nội địa với các nước có nền kinh tế, mức thu nhập tương đương. Sau đó, tùy tình hình thực tế, quốc gia này tăng hay giảm giá kết hợp với biện pháp trợ giá.
>> Có nên tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng dầu?
Trên thực tế, Việt Nam sở hữu một số điều kiện rất cơ bản, như có trữ lượng dầu thô cho xuất khẩu; hai nhà máy lọc dầu Dung Quất và Nghi Sơn đảm đương 70% nhu cầu nội địa; kênh nhập khẩu qua thị trường Singapore thuận lợi về chi phí logictics; dự trữ ngoại hối đã cải thiện hơn nhiều so với trước đây... Tuy nhiên, Việt Nam cần tham chiếu kinh nghiệm quốc tế để thay đổi cơ chế điều hành thị trường xăng dầu nhằm tránh tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn cung, gây bức xúc trong dư luật như hiện nay.
Thứ nhất, không một quốc gia nào có thể toàn quyền tự quyết được giá dầu, ngay cả OPEC+ hoặc Mỹ. Do vậy trong tương lai, tự chủ là con đường tối ưu nhất đảm bảo an ninh năng lượng. Công nghiệp lọc hóa dầu đi trước một bước, tính toán lại khối lượng xuất khẩu dầu thô.
Thứ hai, nhất thiết đa dạng hóa thị trường xăng dầu. Vai trò của Petrolimex, PV Oil vẫn rất quan trọng, vừa gánh vác kinh tế vừa thực hiện sứ mệnh chính trị “định hướng nền kinh tế”. Tuy nhiên, cần san sẻ thị phần xăng dầu có hạn mức cho khối tư nhân trong và ngoài nước trong phân khúc bán lẻ. Bởi vì, khối kinh tế tư nhân đại diện cho yếu tố “thị trường khách quan”, có chi phí đầu vào cao, khiến giá bán tăng lên và ngược lại. Đừng lo độc quyền tư nhân bởi trạng thái cạnh tranh công bằng được điều khiển bởi luật pháp minh bạch luôn luôn dẫn đến thị trường lành mạnh. Hình ảnh “cây xăng cóc” ở Hà Nội cho thấy yếu tố tư nhân bén nhạy đến mức nào!
Thứ ba, lịch sử chứng minh rằng, thị trường xăng dầu không bao giờ yên bình do gắn chặt với biến động địa chính trị, địa kinh tế thế giới. Mọi cuộc khủng hoảng đều có bóng dáng của dầu mỏ.
Để đối phó với thực trạng này, cần trích lập và sử dụng quỹ bình ổn đúng mục đích, đúng nơi, đúng chỗ; Cần xem quỹ bình ổn giống như các kho dầu dự trữ chiến lược, tất cả nhằm mục đích giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, ngăn ngừa lạm phát, suy thoái kinh tế.
Thứ tư, cơ chế điều hành giá, chiết khấu được cho là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến thiếu xăng dầu ở Việt Nam như hiện nay, do doanh nghiệp càng bán càng lỗ. Liên Bộ Công thương - Tài chính “duyệt giá” bán ra nhưng không quản lý tốt hợp đồng giữa các doanh nghiệp trung gian.
Vấn đề rút ra ở đây là phương thức điều hành. Quyền “duyệt giá” định kỳ đang mâu thuẫn với “quyền định giá của thị trường”, dẫn đến tăng tính độc quyền cho khối nhà nước. Lẽ ra xăng dầu nên được định giá bằng cung - cầu, Nhà nước chỉ nên vạch ra giới hạn để chống độc quyền hoặc phá giá.
Có thể bạn quan tâm
Cần công cụ đặc biệt xử lý tình huống đặc biệt trên thị trường xăng dầu
05:30, 22/11/2022
Cần có quy định mức chiết khấu tối thiểu cho doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu
03:30, 21/11/2022
Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp
03:30, 20/11/2022
Sửa Nghị định về kinh doanh xăng dầu: Cần đổi mới chu kỳ điều hành giá
04:00, 16/11/2022
Xây dựng cơ chế chính sách tránh rủi ro cho thị trường xăng dầu
05:04, 14/11/2022
Bất ổn thị trường xăng dầu: “Nút thắt” từ… nguồn cung
04:00, 13/11/2022