Định giá hấp dẫn, cổ phiếu VCB hút dòng vốn ngoại

DƯƠNG THUỲ 20/01/2024 05:20

Trong các phiên giao dịch đầu năm 2024, dòng tiền nhà đầu tư ngoại tiếp tục đổ vào cổ phiếu VCB - Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam.

>>>Động lực tăng giá cổ phiếu ngân hàng đến từ đâu?

Cổ phiếu VCB sắp áp sát đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch ngày19/1/2023

Cổ phiếu VCB sắp áp sát đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch ngày19/1/2023

Phiên giao dịch ngày 19/1/2024, cổ phiếu VCB cán mốc 92.600 đồng/cp, tiếp tục áp sát đỉnh lịch sử với khối lượng thanh khoản lên tới hàng triệu đơn vị. Đặc biệt cổ phiếu VCB tiếp tục được khối ngoại gom vào trong nhiều phiên giao dịch gần đây.

Trong khoảng 10 ngày từ 9/1-19/1, nhà đầu tư ngoại tiếp tục gom hơn 10 triệu cổ phiếu VCB với tổng giá trị giao dịch lên tới 10 nghìn tỷ đồng, cả khối lượng và thanh khoản ngày càng tăng. Cổ phiếu này có gì làm khối ngoại chú ý đến vậy?

VCB có lợi nhuận trước thuế năm 2023 hoàn thành 100,3% kế hoạch được giao, tăng 10,2% so với năm 2022. Dù không công bố con số cụ thể, nhưng tính theo kết quả kinh doanh năm 2022 của ngân hàng này là 37.368 tỷ đồng, ước tính lợi nhuận hợp nhất trước thuế của VCB năm 2023 đạt khoảng 41.200 tỷ đồng.

Trong đó, thu nhập từ lãi năm 2023 của VCB tăng 0,4% so với cùng kỳ, còn thu nhập ngoài lãi giảm 4,6%. Thu nợ ngoại bảng trong năm đạt 2.088 tỷ đồng. Chỉ số ROAA và ROAE duy trì ở mức cao, tương ứng là 1,78% và 21,68%. Năm 2023, huy động vốn thị trường 1 của VCB đạt 1,41 triệu tỷ đồng, tăng 12,1% so với năm 2022, tương đương 103% kế hoạch. Tỷ trọng huy động vốn không kỳ hạn bình quân đạt 29,8%, quy mô vốn không kỳ hạn bình quân giảm 3,6% so với cuối năm 2022. Huy động vốn bán buôn tăng trưởng 9,4%, vốn bán lẻ tăng 14,5%.

Doanh thu và lợi nhuận của VCB qua các năm

Doanh thu và lợi nhuận của VCB qua các năm

Dư nợ tín dụng của VCB vào cuối năm 2023 là 1,27 triệu tỷ đồng, tăng 10,6% trong năm. Trong đó, tín dụng ngắn hạn tăng trưởng 21,4% trong khi tín dụng trung dài hạn giảm 3,5%. Trước đó vào cuối quý 3/2023, tăng trưởng tín dụng của VCB mới chỉ ở mức 3,78%. Về cơ cấu, tín dụng bán lẻ tăng 17,7%, lên mức 610.000 tỷ đồng, VCB cũng tập trung vào cho vay FDI, khách hàng bán buôn.

Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ nhóm 2 ở mức 0,42% còn nợ xấu ở mức 0,97%. Tỷ lệ dự phòng bao nợ xấu đạt 185%.

Về kế hoạch kinh doanh năm 2024, VCB đặt mục tiêu tăng trưởng năm 2024 ở mức thận trọng với tổng tài sản tăng ít nhất 8%, tín dụng tăng ít nhất 12% và trong hạn mức Ngân hàng Nhà nước giao, nợ xấu dưới 1,5%, lợi nhuận trước thuế tăng ít nhất 10%.

Đánh giá về VCB, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam cho rằng, việc giảm trích lập dự phòng và tăng thu nhập phí là hai yếu tố chính đóng góp vào lợi nhuận của VCB trong quý IV/2023. VCB trước đó ghi nhận một phần phí trả trước từ thỏa thuận độc quyền bancassurance.

Chất lượng tài sản VCB vẫn vững chắc, thể hiện qua tỷ lệ nợ xấu dưới 1%. Mặc dù tỷ lệ LLR giảm liên tục nhưng vẫn ở mức cao là 185%. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng và lợi nhuận trước thuế năm 2024 của VCB, Yuanta Việt Nam dự báo có vẻ thận trọng. Theo đó, tăng trưởng tín dụng của VCB sẽ tăng khoảng 15% trong năm 2024, vượt xa mục tiêu 12% của ngân hàng đề ra.

Yuanta Việt Nam kết hợp 2 phương pháp định giá là P/B và Chiết khấu lợi nhuận thặng dư để tìm ra mức giá hợp lý cho cổ phiếu VCB. Với phương pháp định giá P/B, hiện giá cổ phiếu VCB đang được giao dịch ở mức P/B 3.2x.

Với triển vọng tăng trưởng tín dụng trong năm 2024, Yuanta kỳ vọng P/B mục tiêu năm 2024 của VCB là 3.4x, tương đương trung bình P/B giai đoạn 2018 đến hiện tại. Bên cạnh đó, kết hợp sử dụng thêm phương pháp chiết khấu lợi nhuận thặng dư để phản ánh rủi ro hệ thống và kỳ vọng dài hạn. Kết hợp hai phương pháp định giá trên với tỉ lệ 50-50 Yuanta Việt Nam điều chỉnh giá mục tiêu cho năm 2024 của cổ phiếu VCB là 109.600 đồng/cổ phiếu, cao hơn 28,6% so với giá đóng cửa ngày 07/12/2023.

Không dừng lại đó, thông tin VCB chuẩn bị bán 6,5% vốn cho đối tác ngoại đã được các chuyên gia dự báo. Hiện cổ đông của VCB là Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản). Theo hợp đồng ký kết giữa 2 bên, Mizuho sẽ đăng ký mua 347,6 triệu cổ phiếu phổ thông của VCB với giá 34.000 đồng/cp. Giá trị khoản đầu tư tương ứng hơn 11.800 tỷ đồng (gần 567 triệu USD).

Sau thương vụ, Mizuho trở thành đối tác chiến lược đầu tiên của VCB cùng với một ghế trong HĐQT của ngân hàng. Ngoài vốn, cổ đông Nhật Bản còn cung cấp cho VCB các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật trên nhiều hoạt động, bao gồm việc cử các chuyên gia và cung cấp các dịch vụ đào tạo cho Vietcombank cũng như đem lại các cơ hội hợp tác bán chéo sản phẩm giữa các bên.

Năm 2019, VCB tiếp tục chào bán riêng lẻ hơn 111 triệu cổ phiếu với giá 55.800 đồng/cp cho hai nhà đầu tư là Quỹ đầu tư quốc gia của Singapore (GIC) và Mizuho, thu về khoảng 6.200 tỷ đồng (~270 triệu USD). Trong đó, GIC mua 94,4 triệu cổ phần (tỷ lệ 2,55%), còn Mizuho mua thêm 16,7 triệu cổ phần mới để duy trì tỷ lệ sở hữu 15% cổ phần.

Từ sau khi Mizuho rót vốn đầu tư, lợi nhuận của VCB đã tăng bền bỉ và chạm ngưỡng 1 tỷ USD vào năm 2019, trở thành ngân hàng đầu tiên của Việt Nam đạt được cột mốc này. Sau một năm 2020 chững lại do đại dịch Covid, lợi nhuận ngân hàng này đã nhanh chóng lấy lại đà tăng trưởng.

Với kế hoạch ráo riết bán vốn cho đối tác ngoại trong năm 2024, hy vọng lợi nhuận của VCB tiếp tục cán đỉnh mới và cổ phiếu ngân hàng này sẽ là cổ phiếu có thị giá cao nhất trong hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Có thể bạn quan tâm

  • Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank hưởng lợi từ Thông tư 22

    Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank hưởng lợi từ Thông tư 22

    13:02, 11/01/2024

  • Năm 2023 của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank: Tăng vốn điều lệ, lợi nhuận tích cực

    Năm 2023 của Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank: Tăng vốn điều lệ, lợi nhuận tích cực

    10:20, 07/01/2024

  • Vietcombank tiếp tục ủng hộ 2 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam

    Vietcombank tiếp tục ủng hộ 2 tỷ đồng cho Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam

    22:08, 20/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Định giá hấp dẫn, cổ phiếu VCB hút dòng vốn ngoại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO