Đây là thời điểm VBCSD cần chuyển mình, đồng hành hiệu quả hơn cùng Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên “hải trình vượt cơn gió ngược” tới tương lai xanh, bền vững và bao trùm.
Theo ông Nguyễn Quang Vinh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chủ tịch Hội đồng Doanh nghiệp vì sự Phát triển Bền vững Việt Nam (VBCSD): Những thách thức ngày càng gia tăng do bất ổn địa chính trị leo thang, xu hướng thế giới đa cực, phòng hộ thương mại, biến đổi khí hậu, rủi ro khủng hoảng an ninh năng lượng, an ninh lương thực… Những “cơn gió ngược” này cũng tạo ra những tác động nhất định đến những nỗ lực hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) của tất cả các quốc gia.
Cùng với những biến động khó lường thì cũng có không ít cơ hội tiềm năng. Trước hết, đó là cơ hội từ đà tăng trưởng ổn định của kinh tế toàn cầu. Theo báo cáo mới nhất của OECD, tăng trưởng GDP toàn cầu được dự báo đạt 3,3% vào năm 2025, tăng nhẹ từ mức 3,2% trong năm 2024 và duy trì ổn định ở mức 3,3% vào năm 2026. Cùng với đó, cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) đầu năm nay được nhận xét “đã rời xa các cuộc thảo luận về “đa khủng hoảng” từng nổi bật tại cuộc họp năm 2023, để hướng đến các biện pháp thiết thực nhằm giải quyết chúng”, đồng thời thể hiện tinh thần lạc quan mang tính xây dựng, thúc đẩy sự hợp tác và các giải pháp cụ thể.
Tiếp đó, những cơ hội kinh tế mới, đặc biệt trong các lĩnh vực chuyển đổi công nghệ, năng lượng tái tạo và ứng phó với biến đổi khí hậu. Khi mà biến đổi khí hậu vẫn là “bài toán chung” của toàn nhân loại, khi mà các cam kết Net Zero của các chính phủ vẫn còn hiệu lực thì không gì có thể ngăn cản sự chuyển đổi sang “năng lượng xanh”, “sản xuất xanh”, “kinh tế tuần hoàn”, “kinh tế vị tự nhiên” ở phạm vi toàn cầu. Các nguồn năng lượng sạch như gió, mặt trời và hydro sẽ tiếp tục nhận được đầu tư mạnh mẽ. Doanh nghiệp (DN) phát triển giải pháp các-bon thấp, tái chế và giảm thiểu rác thải sẽ được hưởng lợi từ chính sách và hỗ trợ tài chính của chính phủ. Và đặc biệt, chúng ta đang ở trong thời đại mà kỷ nguyên trí tuệ đang thay đổi mọi thứ đồng thời, trong lịch sử loài người, chưa bao giờ chúng ta chứng kiến mức độ thay đổi như vậy, nhờ có sự bùng nổ của công nghệ, của trí tuệ nhân tạo (AI). Khi chuyển đổi số hỗ trợ chuyển đổi xanh, cơ hội sẽ đẩy lùi thách thức, và các DN nắm bắt, tận dụng được những xu thế này sẽ vươn lên dẫn đầu và định hình lại “cuộc chơi” toàn cầu.
Tôi vừa có chuyến công tác ngắn ngày tham dự Cuộc họp thường niên của WBCSD (LD Meeting) tại Montreux, Thụy Sĩ vào những ngày đầu tháng 4. Đây là một trong hai sự kiện nổi bật mà WBCSD đã tổ chức liên tục trong nhiều năm, thế nhưng LD Meeting năm nay, cũng là sự kiện kỷ niệm 30 năm hoạt động của WBCSD, đã thu hút số lượng kỉ lục người tham dự, tới hơn 700 đại diện từ hơn 40 quốc gia, phần lớn đến từ gần 240 DN thành viên trên toàn cầu của WBCSD.
Điều này cũng phần nào thể hiện sự quan tâm ngày càng lớn đến phát triển bền vững (PTBV), đặc biệt từ cộng đồng DN. Khi thế giới càng đối diện với nhiều thách thức khó lường thì PTBV càng là sự lựa chọn tối ưu nhất để đảm bảo một tương lai bền vững mà tất cả chúng ta mong muốn. Tại LD Meeting, ông Peter Bakker, Chủ tịch WBCSD đã chỉ ra một số nội hàm tác động đến xu hướng PTBV trong năm 2025 bao gồm: những thay đổi địa chính trị, dư chấn của chiến tranh thương mại, xung đột văn hóa, “chân trời” AI (viễn cảnh hoặc tương lai đang mở ra của AI).
Theo WBCSD, xu thế thực hành kinh doanh bền vững toàn cầu hiện nay và trong tương lai gần cũng được định hình theo những “trụ cột” chính sau đây:
Thứ nhất, đó là “các xu hướng vật lý gia tăng” – có nghĩa là những ảnh hưởng hữu hình, thực tế như biến đổi khí hậu, thiên tai, khan hiếm tài nguyên, vấn đề khí thải, và ô nhiễm môi trường đang ngày càng rõ rệt và không thể phớt lờ. Các DN và chính phủ phải đối mặt trực tiếp với những tác động vật lý của khủng hoảng khí hậu và môi trường.
Thứ hai, đó là “tính thực tế được đưa vào lập kế hoạch chuyển đổi” - chuyển đổi xanh giờ không chỉ là “ước mơ đẹp” mà phải thực sự khả thi và bền vững, bởi các bên liên quan bắt đầu thực tế hơn: họ cân nhắc đến chi phí, rủi ro, năng lực thực thi, tiến độ thực tế, và những yếu tố xã hội đi kèm.
Thứ ba, đó là “chuyển đổi lấy con người làm trung tâm”, đơn cử như khi áp dụng công nghệ xanh, DN cần đào tạo lại nhân sự, hỗ trợ công bằng cho người bị ảnh hưởng, và đảm bảo quyền lợi của cộng đồng địa phương.
Thứ tư, là “chủ động nắm bắt các quy định pháp lý”, trong bối cảnh các quy định về môi trường, khí hậu và báo cáo phát triển bền vững đang ngày càng phức tạp và chặt chẽ hơn thì các tổ chức/ DN phải chủ động thích ứng, theo dõi và điều hướng trong một môi trường pháp lý thay đổi nhanh chóng, tránh rủi ro pháp lý và tận dụng được các cơ hội chính sách. Đây cũng chính là những điều mà cộng đồng DN Việt Nam cần lưu tâm khi theo đuổi chiến lược kinh doanh bền vững trong hiện tại và tương lai.
Năm 2025 là năm đánh dấu mốc kỷ niệm 15 năm hoạt động của VBCSD, hành trình đầy tự hào khi VBCSD đã luôn bền bỉ, tiên phong đồng hành cùng doanh nghiệp nước nhà trong thúc đẩy phát triển bền vững DN. Bên cạnh những hoạt động thường niên như CSI, Diễn đàn VCSF, chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh các sáng kiến mới như: sáng kiến thúc đẩy khu công nghiệp bền vững; thành lập Trung tâm tư vấn, hỗ trợ DN chuyển đổi xanh; khởi động và triển khai các nhóm làm việc hướng tới thúc đẩy tài chính xanh, chuyển đổi xanh, thực hành ESG trong cộng đồng DN…