Chính trị - Xã hội

Định vị tiềm lực địa phương

Trương Khắc Trà 05/07/2025 03:05

Cả nước đã bước vào chặng đường lịch sử mới sau khi “sắp xếp lại giang sơn” từ 63 tỉnh thành còn lại 34 tỉnh thành.

Giờ là lúc các địa phương định vị và khai phóng tiềm lực, đáp ứng nhu cầu phát triển chung của đất nước.

van-hanh-1.jpg
Thực hiện thủ tục hành chính theo mô hình chính quyền hai cấp tại Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh Quảng Trị.

Một bài toán đặt ra ngay trước mắt là “định vị lại nguồn lực, tiềm năng, thế mạnh; xác định mũi nhọn ưu tiên đầu tư chiến lược” tại các tỉnh thành. Khi không gian được mở rộng, khi dân số đông hơn, doanh nghiệp nhiều hơn, tích tụ tài nguyên dồi dào hơn - đòi hỏi tư duy quản lý cao hơn, làm sao để chuyển hóa tiềm năng thành vị thế chứ không chỉ đơn thuần là phép cộng thuần túy.

TS Nguyễn Tiến Dĩnh, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng: “Chúng ta thực hiện sáp nhập không chỉ là câu chuyện về tinh gọn bộ máy, mà quan trọng hơn đó là cơ hội để tối ưu hóa nguồn lực, nâng cao chất lượng quản lý, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội”.
Đơn cử, tỉnh Quảng Trị cũ chỉ có 3.400 doanh nghiệp, nhưng sau sáp nhập với tỉnh Quảng Bình nâng tổng số lên 12.400 doanh nghiệp, thậm chí có những tập đoàn kinh tế thuộc top đầu cả nước. Quy mô GRDP 113.687.549 triệu đồng. Như vậy, tiềm lực, vị thế, diện mạo thương hiệu địa phương khác hẳn.

Tỉnh Quảng Trị mới sở hữu 3 cửa khẩu quốc tế trên cạn, hai cảng biển nước sâu, hai sân bay, hai di sản thiên nhiên thế giới; hàng trăm km đường bờ biển, hàng chục khu công nghiệp, khu kinh tế, cụm công nghiệp; đang hội tụ tất cả trục giao thông huyết mạch quốc gia.

Thực tế Quảng Trị có nhiều tiềm năng nhưng chưa chuyển hóa thành vị thế rõ rệt. Ví dụ: logictics mới ở cấp độ phát triển sơ khai, phân tán, chưa hình thành trung tâm lớn tầm cỡ khu vực, chưa tích hợp đồng bộ giữa các loại hình vận tải, thiếu vắng hệ thống doanh nghiệp phụ trợ.

Báo cáo nghiên cứu Chỉ số vị thế kinh tế cấp tỉnh (PEPI) 2025 do Vietstats thực hiện cho thấy Quảng Trị thuộc nhóm cuối, rơi vào “vùng lõm” phát triển. PEPI khuyến cáo: “Những địa phương này, nếu không được thiết kế các cơ chế chính sách đặc thù và hỗ trợ có trọng tâm, sẽ tiếp tục tụt lại phía sau trong quá trình tái cấu trúc phát triển vùng”.

Chính vì thế, trong chuyến làm việc tại Đồng Hới ngày 25/6, Tổng Bí thư Tô Lâm gợi ý tỉnh Quảng Trị mới cần phát triển mạnh kinh tế cửa khẩu, logistics. Để làm được điều này, Tổng Bí thư cho rằng địa phương cần thống nhất chính sách, minh bạch, tạo hành lang pháp lý ổn định, hấp dẫn cho nhà đầu tư và phù hợp với định hướng thể chế phát triển vùng.

Trong bối cảnh vốn tự có và công nghệ tại chỗ hạn chế, cổ nhân có triết lý khuyên dạy rằng “khéo ăn thì no, khéo nằm co thì ấm”. Tức là biết chọn lựa một số lĩnh vực biến chúng thành mũi nhọn động lực, không cạnh tranh triệt tiêu với địa phương khác.

Các nhà lãnh đạo quốc gia đã chuẩn bị kỹ càng nền móng cho đại cuộc khi ban hành Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân - với tư duy quản lý hiện đại sẽ giải phóng động lực rất lớn, hứa hẹn làn sóng đầu tư và phát triển thuần Việt trong thời gian tới.

Nhiệm vụ của các nhà lãnh đạo, quản lý ở địa phương là biết “liệu cơm gắp mắm”. Liên kết nguồn lực, sử dụng chính sách đặc thù để hấp dẫn nhà đầu tư. Tư duy dám nghĩ, dám làm, dám vượt lên, dám chịu trách nhiệm, dám hy sinh vì đại cục.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Định vị tiềm lực địa phương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO