Theo Bộ Xây dựng, việc chủ đầu tư chậm trễ bàn giao sổ hồng cho khách hàng là do chủ đầu tư chưa thực hiện đầy đủ các thủ tục để cấp quyền sử dụng đất và sở hữu nhà ở hoặc cố tình “chây ỳ”.
>>> TP HCM: 81.000 căn hộ "mòn mỏi" chờ sổ hồng
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, trong tổng số 108 dự án có tranh chấp trên địa bàn Hà Nội, có 11 dự án (chiếm khoảng 10%) liên quan tới việc chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp sổ hồng cho cư dân.
Chung cư Golden West (lô 2.5HH đường Lê Văn Thiêm, phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân) do Công ty CP Phát triển thương mại Việt Nam (Vietradico) làm chủ đầu tư, chưa đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận (hay gọi là sổ đỏ hoặc sổ hồng) cho các căn hộ. Nguyên nhân được UBND TP.Hà Nội chỉ ra là do chủ đầu tư chưa hoàn thiện hồ sơ pháp lý dự án gửi về Sở Tài nguyên và Môi trường để kiểm tra phục vụ công tác đăng ký, cấp giấy chứng nhận tại dự án.
Cũng tại dự án này, trước đó Thanh tra Bộ Xây dựng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm như: UBND TP Hà Nội 1 lần điều chỉnh quy hoạch, Sở Quy hoạch Kiến trúc 3 lần điều chỉnh sai quy định pháp luật khi điều chỉnh tầng cao từ trung bình 6,5 tầng thành 25 tầng, mật độ từ 38% thành 47%, số căn hộ tăng từ 352 căn thành 740 căn, số cư dân tăng từ 2.112 người thành 2.652 người.
Tương tự, tại dự án chung cư G4 tại khu đô thị Yên Hoà (Cầu Giấy) do CTCP Xây dựng Dân dụng Hà Nội (HCCI) làm chủ đầu tư, đã được bàn giao cho cư dân từ năm 2008, chủ đầu tư đã tự ý nâng tầng cao từ 9 lên 12 tầng với 2 đơn nguyên, tổng cộng 132 căn hộ. Việc điều chỉnh này dẫn đến thay đổi thiết kế so với phê duyệt ban đầu nhưng chưa được UBND TP Hà Nội phê duyệt điều chỉnh. Điều đó đã khiến nhiều cư dân suốt 15 năm không được cấp sổ hồng dù không phải lỗi của họ.
Tình trạng chủ đầu tư chậm làm thủ tục cấp “sổ hồng" cho cư dân không chỉ gây bức xúc trong dư luận mà còn kéo theo nhiều hệ lụy cho cư dân. Bà Phạm Khánh Chi (cư dân chung cư Golden West) chia sẻ: “Gia đình tôi đã nhận bàn giao căn hộ từ 5 năm trước, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. Không có sổ, tôi không thể thế chấp vay vốn ngân hàng để đầu tư làm ăn, thậm chí chưa thể nhập hộ khẩu tại đây.”
Trước thực trạng trên, nhiều chuyên gia cho rằng, khách hàng mua nhà là bên vô can, lẽ ra phải được cấp sổ hồng trước, còn nghĩa vụ tài chính phát sinh là quan hệ giữa chủ đầu tư dự án với Nhà nước. Chính vì vậy, các cơ quan chức năng cần tách bạch hai vấn đề này, sớm cấp sổ hồng cho khách hàng mua nhà.
Luật Nhà ở sửa đổi vừa được Quốc hội thông qua và có hiệu lực thi hành vào ngày 1/1/2025, đã chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi người mua hoặc thuê căn hộ và tạo điều kiện thuận lợi trong quá trình sở hữu nhà.
Cụ thể, trong thời hạn 50 ngày kể từ ngày bàn giao nhà, chủ đầu tư phải nộp hồ sơ đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp sổ hồng cho người mua. Cơ quan Nhà nước phải làm rõ các hành vi vi phạm của chủ đầu tư và trách nhiệm của ban ngành có liên quan trong quá trình chủ đầu tư thực hiện từ thời điểm đề xuất dự án đến khi bán nhà cho khách hàng; đồng thời, chỉ đạo cơ quan chức năng phải đề xuất cụ thể nhằm giải quyết triệt để các vi phạm.
Chủ đầu tư phải có trách nhiệm khắc phục các vi phạm làm ảnh hưởng đến công trình đã xây dựng để đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua. Trường hợp không đảm bảo việc cấp giấy chứng nhận cho người mua thì phải hoàn trả và bồi thường cho người mua.
Chia sẻ với DĐDN, Luật sư Nguyễn Văn Tuấn - Giám đốc Công ty Luật TNHH TGS, Đoàn luật sư TP Hà Nội cho rằng: Việc người dân mua căn hộ chung cư và chuyển vào ở nhiều năm mà vẫn chưa được bàn giao sổ hồng thì rõ ràng đây là hành vi vi phạm pháp luật của chủ đầu tư. Chủ đầu tư nào chậm bàn giao sổ hồng cho người mua nhà từ sau 50 ngày đến 6 tháng sẽ bị phạt tiền từ 10 -100 triệu đồng; chậm từ 6-9 tháng sẽ bị phạt từ 30-300 triệu đồng; chậm từ 9-12 tháng sẽ bị phạt từ 50-500 triệu đồng; chậm từ một năm trở lên sẽ bị phạt từ 100 triệu đến 1 tỷ đồng.
“Nếu chủ đầu tư đang có hành động chây ỳ, chậm làm sổ hồng chung cư gây ảnh hưởng đến quyền lợi của mình, người mua nhà có thể yêu cầu chủ đầu tư nhanh chóng thực hiện thủ tục hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý hành vi vi phạm nói trên” – LS. Tuấn nói.
“Trong trường hợp chủ đầu tư tiếp tục vi phạm nghĩa vụ, người mua chung cư có thể làm đơn kiến nghị với Thanh tra xây dựng hoặc UBND cấp có thẩm quyền để can thiệp. Nếu trong hợp đồng có điều khoản phạt vi phạm khi chậm thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận hoặc người mua có thiệt hại do hành vi chậm thực hiện thì yêu cầu chủ đầu tư thực hiện theo điều khoản đã thỏa thuận hoặc khởi kiện ra TAND cấp có thẩm quyền” – LS. Tuấn cho biết thêm.
Chủ đầu tư phải khắc phục vi phạm làm ảnh hưởng tới cấp sổ hồng cho người mua. Trường hợp không đảm được việc này, thì chủ đầu tư phải hoàn trả và bồi thường cho người mua. |