Đại dịch COVID-19 đặt ra vấn đề thực thi pháp luật trên không gian mạng, điều này không còn xảy ra tại EU hay Trung Quốc, mà doanh nghiệp Việt Nam sẽ phải quan tâm.
Ông Đoàn Tử Tích Phước, đại diện Ví MoMo chia sẻ tại Tọa đàm Đối thoại Chính sách “Hoàn thiện khung pháp luật về kinh tế và nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư”, do trường Đại học KTQD tổ chức ngày 29/9.
Về mặt pháp lý, ông Phước hy vọng Việt Nam sẽ có biện pháp thực hiện ngay mà không chỉ đặt vấn đề nghiên cứu. Vì về phía doanh nghiệp, ông Phước nhận thấy đây là câu chuyện rất thực tế và gắn với doanh nghiệp công nghệ trong nước.
Điều ông Phước băn khoăn là việc thực thi pháp luật trên không gian mạng rất rộng, và đang nổi lên một số vấn đề. Thứ nhất, liên quan đến khung pháp lý. Thứ hai, khi có khung pháp lý thì thực thi như thế nào cho đúng pháp luật trên không gian mạng. Thứ ba, nếu làm sai trên không gian mạng doanh nghiệp sẽ bị chế tài như thế nào.
Về nguyên tắc chung, ông Phước nhận thấy có một số điều cần được lý giải kỹ hơn. Đơn cử, đối với không gian mạng, doanh nghiệp đồng tình với quy định ở đời thực như thế nào thì trên mạng cũng cần được áp dụng như vậy.
Nhưng trong trường hợp giao dịch cụ thể như mua một gói bim bim giá 5.000 đồng thì có cần hợp đồng không? Hoặc có những giao dịch giữa những người không biết chữ mà chỉ có thể điểm chỉ hay giấy viết tay nhưng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ thì như thế nào?
Như vậy, đối với không gian mạng cũng cần đặt ra những quy định, phân nhóm khác nhau cho các chế tài khác nhau. Nếu không phân loại được thì về mặt kỹ thuật cũng sẽ không khả thi. Bởi khi có đến hàng triệu giao dịch xảy ra trong cùng một thời điểm thì rất khó phân loại giao dịch nào là quan trọng, giao dịch nào là trọng yếu để có biện pháp điều chỉnh, mà chúng ta đòi hỏi hàng triệu giao dịch đó phải có chữ ký số hay đảm bảo các tiêu chuẩn khác thì tất yếu sẽ dẫn đến nghẽn mạng.
Ngoài ra, ở góc độ việc làm, người sử dụng internet thường có mong muốn mạng chạy “trôi chảy”. Tuy nhiên, không phải lúc nào mạng cũng hoạt động như mong muốn, vì đây là hệ thống gồm nhiều chủ thể khác nhau, như doanh nghiệp, cơ quan nhà nước... được liên kết thống nhất.
Nhưng khả năng lỗi, chậm sẽ có khả năng xảy ra thường xuyên. Do đó, ông Phước hy vọng khi thực hiện luật giao dịch điện tử mới, tức là đáp ứng những điều kiện nhất định được pháp luật công nhận thì được biết thế nào là các điều kiện mà pháp luật đặt ra.
“Khi luật thiết kế được những nhóm điều kiện khác nhau, như các giao dịch 10.000 đồng, 20.000 đồng, 100.000 đồng... thì lúc này chữ ký số có còn cần thiết nữa hay không”, ông Phước băn khoăn.
Bản thân doanh nghiệp đã va vấp với vấn đề này, đó là nếu doanh nghiệp cần lập chữ ký số thì sẽ phải gửi lập trích xuất sang đơn vị cung cấp chữ ký số thứ ba, sau đó lại trả về cho doanh nghiệp. Quy trình này thường bị lỗi từ 10-15%, thậm chí nhiều hơn nếu lượng giao dịch tăng lên. “Đây là vấn đề doanh nghiêp mong muốn những nhà làm luật cần phải nghĩ đến”, ông Phước bày tỏ.
Vẫn theo ông Phước, để khắc phục những hạn chế này thì nhà nước cũng cần đầu tư vào hạ tầng, con người, thiết bị công nghệ. Vì lập một trang web hay app cho 1.000 người dùng sẽ rất khác khi phục vụ hàng chục triệu người.
Ví dụ, app covid thời gian qua thường xuyên bị lỗi là do thiếu nguồn lực và mức đầu tư. Cho nên, để thực thi hiệu qủa pháp luật online thì nhà nước cần đầu tư lớn hơn về hạ tầng và con người với thời gian dài hơn.
Về khung pháp luật, ông Phước đánh giá cao khi được tạo điều kiện trong giao dịch online. Tuy nhiên, phía doanh nghiệp cũng đề xuất với Bộ Tư pháp cần nghiên cứu sâu hơn về hệ thống văn bản dưới luật. Vì càng xuống dưới thì “đụng” càng nhiều.
Đơn cử, việc xử lý kỷ luật người lao động có thể làm bằng hình thức online được hay không? Nếu làm bằng hình thức online kỷ luật hay sa thải người lao động nhưng sau đó họ kiện doanh nghiệp ra tòa thì doanh nghiệp có chịu nổi không?
“Đây là điều doanh nghiệp chưa trả lời được vì Bộ Lao động và Thương binh Xã hội chưa có cơ chế rõ ràng để doanh nghiệp làm việc đó”, ông Phước nói.
Hay tổ chức đại hội cổ đông bằng hình thức online, các giấy mời hay biểu quyết của cổ đông có thể bằng hình thức online được không? Tất cả những thắc mắc này sau 10 năm lần sửa đổi gần nhất của Luật Doanh nghiệp cũng chưa có câu trả lời cụ thể.
Như vậy, tất cả những vấn đề trên sẽ đưa đến rủi ro từ tài chính, uy tín đến pháp lý mà doanh nghiệp không thể phán đoán trước được. Trong giai đoạn COVID-19 này, những câu hỏi như vậy đặt ra ngày càng nhiều hơn và cần sớm có lời giải cho doanh nghiệp.
Do đó, ông Phước hy vọng những thắc mắc trên cần được nhanh chóng tháo gỡ để các doanh nghiệp có thể thích ứng với đại dịch mà chưa biết bao giờ mới kết thúc, cũng như thúc đẩy chuyển đổi kinh tế số, chuyển đổi số theo chủ trương chung của Chính phủ.
PGS.TS Trần Văn Nam, Trưởng khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân đánh giá, để phát triển kinh tế số thời gian tới, nhà nước cần xây dựng chiến lược chuyển đổi số phù hợp. Đó là Nhà nước cần sớm ban hành chiến lược và quy hoạch quốc gia về chuyển đổi số, kinh tế số với mục tiêu làm chủ hạ tầng số, làm chủ các nền tảng số, làm chủ không gian mạng quốc gia, hướng tới mục tiêu hình thành các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam có năng lực phát triển toàn cầu.
Tiếp tục hoàn thiện hệ thống luật pháp theo yêu cầu hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế số, tuân thủ các chuẩn mực quốc tế, trong đó ban hành Luật bảo vệ thông tin cá nhân cần được xem là một ưu tiên trong thời gian tới.
Có quy định và cơ chế phù hợp để điều chỉnh hoạt động của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tương thích với nền kinh tế số, như xây dựng luật văn bản điện tử, chữ ký số, cấp giấy phép từ cơ quan quản lý.
Nhà nước cần mạnh dạn chấp nhận các mô hình kinh doanh mới và các công nghệ mới bằng cách tiếp cận mới trong quản lý mà nhiều nước áp dụng, cách tiếp cận Sandbox, cho cái mới tự phát triển, sau đó mới hình thành quy định để quản lý.
Nhà nước cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp số hoạt động có hiệu quả. “Đồng thời bản thân các doanh nghiệp thuộc các ngành kinh tế cũng nên xây dựng và thực hiện mục tiêu chiến lược chuyển đổi số phù hợp, dễ tiếp cận, nhằm đáp ứng với các điều kiện thị trường liên tục thay đổi để tạo ra lợi thế cạnh tranh, nâng cao giá trị và sự hài lòng của khách hàng”, ông Nam nói.
Còn theo TS. Lưu Hương Ly, Vụ Pháp luật dân sự ‐ kinh tế Bộ Tư pháp, ở thời điểm hiện tại, với mức độ phát triển hiện tại của công nghệ chuỗi khối và hợp đồng thông minh, có thể tạm thời kết luận khung pháp luật hiện hành của Việt Nam về hợp đồng và giao dịch điện tử đã khá đầy đủ để điều chỉnh các hợp đồng thông minh mà không cần có sự sửa đổi, bổ sung hay xáo trộn lớn, trừ việc sửa đổi, bổ sung một số quy định tại Luật Giao dịch điện tử năm 2005.
Cụ thể, bảo đảm giá trị pháp lý của các giao dịch điện tử tự động nói chung và hợp đồng thông minh nói riêng. Trong quá trình sửa đổi Luật Giao dịch điện tử năm 2005, cần nghiên cứu bổ sung thêm quy định về sử dụng hệ thống thông tin tự động trong giao dịch điện tử theo hướng hợp đồng được giao kết hoặc thực hiện từ sự tương tác giữa một hệ thống thông tin tự động với một người.
Hoặc giữa các hệ thống thông tin tự động với nhau không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì không có sự kiểm tra hay can thiệp của con người vào từng hành động cụ thể do các hệ thống thông tin tự động thực hiện, hay hợp đồng được giao kết và bên sử dụng hệ thống thông tin tự động phải chịu trách nhiệm về các hành vi do hệ thống thông tin tự động thực hiện.
Cân nhắc bổ sung quy định về suy đoán về năng lực chủ thể của các bên tham gia giao dịch điện tử trong Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), để giảm nhẹ trách nhiệm chứng minh của các bên về hiệu lực của giao dịch khi phát sinh tranh chấp. Bên nào yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu do không đáp ứng yêu cầu về năng lực chủ thể thì bên đó có trách nhiệm chứng minh.
Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần đưa ra định nghĩa rõ ràng, phân biệt các khái niệm “chữ ký điện tử”, “chữ ký điện tử an toàn”, “chữ ký số”, trong đó cần quy định rõ chữ ký số cũng chỉ là một loại chữ ký điện tử an toàn.
Đồng thời, Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi) cần quy định rõ các điều kiện, tiêu chuẩn để chữ ký điện tử được coi là chữ ký điện tử an toàn. Cụ thể, cần quy định rõ chữ ký điện tử an toàn là chữ ký số (đáp ứng các điều kiện nhất định). Hoặc chữ ký do các bên thoả thuận và đáp ứng các điều kiện nhất định.
Về điều kiện để một chữ ký điện tử được coi là an toàn và tin cậy, có thể tham khảo quy định tại Luật mẫu của UNCITRAL về Chữ ký điện tử được UNCITRAL thông qua ngày 5/7/2001, trong đó đề cao nguyên tắc trung lập về công nghệ, công nhận giá trị của chữ ký điện tử không phụ thuộc vào loại công nghệ được sử dụng trong giao dịch.
Luật mẫu về Chữ ký điện tử tiếp cận trên cơ sở sử dụng công nghệ mã hóa mật mã công cộng (có tổ chức công cộng chứng nhận và thực hiện việc mã hóa), hay còn gọi là chữ ký số (digital signature). Mặc dù vậy, Luật mẫu cũng đề cập đến việc sử dụng các công nghệ mới như sinh trắc học (biometrics) - dùng các dấu hiệu của các bộ phận trong cơ thể con người như dấu vân tay, ảnh mặt, ảnh mắt... để nhận ra một cá thể. Mã số xác nhận cá nhân - số PIN (Personal Identification Number) và các công nghệ tương tự.
Vẫn theo bà Ly, Luật Giao dịch điện tử cũng cần đảm bảo giá trị pháp lý của chữ ký điện tử an toàn theo hướng, chữ ký điện tử an toàn có giá trị chứng cứ (các bên không phải chứng minh tính xác thực và tính toàn vẹn của chữ ký điện tử an toàn), trừ trường hợp có chứng cứ chứng minh ngược lại.
Ngoài ra, trong quá trình giải quyết tranh chấp vẫn có thể có cách hiểu hay giải thích pháp luật khác nhau, khi đó Tòa án nhân dân tối cao cần ban hành Nghị quyết hay án lệ để giải thích và hướng dẫn áp dụng pháp luật một cách thống nhất.
Chẳng hạn, hướng dẫn về việc giải thích hợp đồng khi có sự mâu thuẫn giữa điều khoản trong hợp đồng thông minh và điều khoản trong hợp đồng văn bản do các bên ký kết. Hướng dẫn cách hiểu về pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng thông minh..
“Tuy nhiên, cần ghi nhớ rằng công nghệ hiện nay đang thay đổi với tốc độ rất nhanh, Blockchain và hợp đồng thông minh cũng không phải là ngoại lệ. Vì vậy, vấn đề này vẫn cần tiếp tục được theo dõi, nghiên cứu để điều chỉnh pháp luật nếu cần thiết”, bà Ly cho biết.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 29/09/2021
09:57, 27/09/2021
04:00, 07/09/2021
11:00, 06/09/2021
05:00, 06/09/2021