Doanh nghiệp “bán mình” giá nào?

NGỌC DIỄM thực hiện 28/05/2023 13:14

Trong giai đoạn khó khăn, việc mua bán sáp nhập (M&A) phải có thẩm định báo cáo các khoản tài chính, kế hoạch kinh doanh và định giá.

>>Thương vụ bán vốn của VPBank và những cuộc đua mới

LTS: Các chuyên gia cho rằng M&A đã khởi động và sẽ vào mùa nhộn nhịp từ quý 2/2023 trở đi khi nhu cầu vốn trở nên cấp thiết, nợ đáo hạn của các doanh nghiệp đang đến gần.

Chia sẻ với DĐDN, ông Phan Lê Thành Long – Chuyên gia tài chính lưu ý, với thẩm định thì hay có vấn đề là tình hình tài chính và kết quả kinh doanh kém, dễ dẫn đến không minh bạch.

- Ông đánh giá thế nào về thực trạng một số doanh nghiệp lớn hoạt động đa ngành, lĩnh vực phải bán tài sản với giá trị thấp, bị mua lại hoặc sáp nhập để giảm bớt khó khăn về dòng tiền và duy trì sản xuất, kinh doanh?

Với tình hình kinh tế như hiện nay, trước hết chúng ta sẽ phân ra làm ba nhóm gồm bất động sản (BĐS); tài chính, ngân hàng; và sản xuất, thương mại, dịch vụ.

Thứ nhất, với nhóm BĐS không chỉ khó khăn về dòng tiền mà còn câu chuyện trái phiếu đến hạn rất lớn. Vì vậy, trong bối cảnh phát hành trái phiếu doanh nghiệp mới không được, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán khó khăn, thì họ phải tìm kiếm các nguồn vốn mới mà chủ yếu là tập trung vào dòng vốn ngoại.

Tuy nhiên, phải là các doanh nghiệp BĐS có dự án tốt, pháp lý ổn, có thương hiệu và vận hành được mới đủ sức hấp dẫn vốn nước ngoài. Do đó, sắp tới có những thương vụ mua lại sẽ là của những doanh nghiệp lớn.

Thứ hai, với tài chính ngân hàng giai đoạn hiện nay, rủi ro về nợ xấu, về hiệu quả đầu tư rất cao, nên họ cần một bộ đệm là nguồn vốn. Đây cũng là lý do thúc đẩy việc tìm kiếm nguồn vốn từ nước ngoài, đơn cử như thương vụ ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation (SMBC) của Nhật Bản đã đặt cọc cam kết mua vốn của VPBank.

Có thể trong thời gian tới sẽ có những thương vụ tương tự, nhất là việc Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng lớn hỗ trợ, nhận các ngân hàng thuộc diện kiểm soát đặc biệt. Vừa qua, cũng đã có một số ngân hàng trong diện này có sự dịch chuyển lớn về chủ sở hữu vốn.

>>Chuyển động chuyển giao bắt buộc ngân hàng yếu kém

Thứ ba, với khối phi ngân hàng, phi chứng khoán và phi BĐS thì câu chuyện đặt ra là, hiện có quá nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ đang bị kẹt đầu ra hoàn toàn.

Một số chủ doanh nghiệp chia sẻ, họ càng sản xuất lại càng đi vào bế tắc do làm xong không có tiền, mà phải đi vay thì không thể cầm cự thêm được. Hay các doanh nghiệp sản xuất ở những lĩnh vực khó khăn như dệt may, nông nghiệp, doanh nghiệp phụ thuộc vào xuất khẩu nhiều... trong lúc nhu cầu thế giới đang co hẹp bởi suy giảm kinh tế toàn cầu, lãi suất tăng, họ khó có khả năng trụ vững.

 Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp. Nguồn: KPMG, Vietnam+

Các ngành, lĩnh vực chính thu hút nhiều khoản đầu tư gồm tiêu dùng, bất động sản, công nghiệp. Nguồn: KPMG, Vietnam+

- Theo ông, vấn đề cần lưu ý trong hoạt động M&A của các doanh nghiệp thời điểm này là gì?

Trong giai đoạn này mọi thứ đều khó khăn, việc mua bán sáp nhập phải có thẩm định báo cáo các khoản tài chính cũng như kế hoạch kinh doanh và định giá. Đặc biệt định giá sẽ không cao, còn với thẩm định thì hay có vấn đề là tình hình tài chính và kết quả kinh doanh kém, dẫn đến đôi khi không minh bạch.

Một yếu tố đáng chú ý nữa, liên quan đến các cam kết và pháp lý. Để hoàn tất được một thương vụ thì các vấn đề về pháp lý và các cam kết trong hợp đồng góp vốn rất quan trọng, sẽ phải ràng buộc về hiệu quả kinh doanh ở đó.

Cụ thể, nếu người bán định giá cao, sẽ phải cam kết tạo ra được doanh thu cao. Cho nên trong lúc này định giá cũng rất khó, các điều kiện cam kết càng khó hơn, dẫn đến để hoàn tất các thương vụ bị kéo dài hơn.

- Việc nhiều doanh nghiệp bất đắc dĩ phải “bán mình” như vậy, liệu có tạo ra một chu kỳ kinh doanh mới trên thị trường, thưa ông?

Có thể thấy, Việt Nam là một nền kinh tế mở phụ thuộc rất nhiều vào sự tăng trưởng kinh tế của kinh tế của thế giới, đặc biệt những đối tác thương mại lớn như Trung Quốc và Mỹ. Đến nay Trung Quốc đã mở cửa nhưng không có sự tăng trưởng như kỳ vọng của giới đầu tư, còn Mỹ thì đang gặp khó khăn.

Đối với làn sóng mua bán sáp nhập mới sẽ là một quá trình trung hạn, chứ không phải ngắn hạn. Bởi vì thời gian để hoàn tất các thương vụ khá dài, từ 6 - 8 tháng thậm chí hơn một năm từ lúc tiếp cận, đến lúc tiền được chuyển vào mua lại.

Ngoài ra, những nhà đầu tư mua lại họ cũng phải lên các kế hoạch để hợp lực và tạo ra giá trị cộng hưởng, như vậy cũng mất thêm một khoảng thời gian tương đương. Vì thế sẽ nhắm đến xu hướng là mua thì dễ nhưng để đón đầu sự phục hồi lại không dễ.

Tôi cho rằng, trong giai đoạn ngắn hạn, chúng ta sẽ không thấy sự thay đổi quá lớn trong tăng trưởng kinh tế từ những hoạt động M&A như vậy.

- Xin cảm ơn ông!

Có thể bạn quan tâm

  • Ngân hàng đẩy mạnh mua lại

    Ngân hàng đẩy mạnh mua lại "bank-bond"

    04:25, 14/05/2023

  • Startup Indonesia mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam

    Startup Indonesia mua lại nền tảng học tập trực tuyến Mclass của Việt Nam

    10:54, 12/05/2023

  • HoREA: Kiến nghị ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu

    HoREA: Kiến nghị ngân hàng thương mại được mua lại trái phiếu

    05:00, 18/04/2023

  • KIDO toan tính gì khi lại bán vốn?

    KIDO toan tính gì khi lại bán vốn?

    02:00, 03/02/2023

  • SCIC “rộng đường” bán vốn cuối năm?

    SCIC “rộng đường” bán vốn cuối năm?

    00:00, 22/08/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp “bán mình” giá nào?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO