Hai doanh nghiệp thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics phục vụ xuất nhập khẩu nông sản nhằm nâng cao giá trị nông sản Việt.
>>>Giảm chi phí logistics cho nông sản: Mô hình liên kết hãng tàu và doanh nghiệp
Mới đây, Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương (tỉnh Lạng Sơn) và Công ty CP Logistics U&I (tỉnh Bình Dương) vừa ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược nhằm khai thác tối đa thế mạnh hiện có và sử dụng hiệu quả nguồn lực của 2 doanh nghiệp.
Từ đó, hỗ trợ cùng nhau thực hiện cung cấp các dịch vụ logistics tại địa bàn tỉnh Lạng Sơn và Bình Dương nói riêng, cũng như một số địa bàn khác trên toàn quốc.
Theo đó, hai doanh nghiệp đã thỏa thuận hợp tác cung cấp dịch vụ logistics, đặc biệt là logistics phục vụ xuất nhập khẩu nông sản với mục tiêu nâng cao giá trị nông sản của Việt Nam.
Đồng thời, đầu tư mở rộng cơ sở hạ tầng logistics tại một số địa điểm. Đầu tư và vận hành khai thác đường sắt liên vận quốc tế, hợp tác sâu rộng trong mảng khai thác các dịch vụ logistics khác.
Ông Nguyễn Hồng Cương, Tổng Giám đốc Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương bày tỏ, hướng đến mục tiêu phát triển dịch vụ logistics toàn diện và đồng bộ, công ty mong muốn đẩy mạnh hoạt động hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp hoạt động trong cùng lĩnh vực để đưa logistics thành ngành dịch vụ đem lại giá trị gia tăng cho tất cả các khách hàng khi tham gia hoạt động thương mại biên giới tại Lạng Sơn, cũng như trên toàn quốc và quốc tế.
Công ty CP Hữu Nghị Xuân Cương đang là doanh nghiệp hàng đầu về đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics tại Lạng Sơn, doanh thu hằng năm đạt trên 400 tỷ đồng.
Trong khi đó, Công ty CP Logistics U&I là doanh nghiệp TOP 10 doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam về đầu tư, khai thác và kinh doanh dịch vụ bến bãi, hậu cần logistics, doanh thu hằng năm đạt trên 2.000 tỷ đồng.
>>>Logistics cho nông sản ĐBSCL: Liên kết phát triển logistics liên vùng
Trên thực tế, mặc dù có nhiều trung tâm logistics phục vụ cho mặt hàng nông sản trải khắp cả nước với chuỗi cung ứng tương đối hoàn thiện, tuy nhiên, hệ thống kho bãi còn manh mún, nhỏ lẻ, phương tiện vận chuyển chuyên dùng, xếp dỡ còn thiếu và yếu cho nên thời gian giao hàng chưa kịp thời, chuỗi kho mát, kho lạnh phục vụ bảo quản nông sản cũng còn thiếu dẫn đến tỷ lệ hao hụt sản phẩm còn cao.
Bên cạnh đó, phần lớn nhân lực phục vụ trong lĩnh vực logistics còn thiếu năng lực, kinh nghiệm về đặc tính riêng của hàng hóa nông sản, nhiều doanh nghiệp đầu tư tốn kém cho hoạt động logistics mà vẫn chưa mang lại hiệu quả khiến các chuỗi cung ứng nông sản thường bị gián đoạn, phân tán.
Trong khi khối lượng xuất, nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam luôn tăng cao trong những năm gần đây thì các hãng tàu, hãng hàng không chuyên chở hàng tại Việt Nam hầu hết đều thuộc nước ngoài dẫn đến tình trạng bị phụ thuộc về giá cước, thời gian quá cảnh hàng hóa, lịch vận chuyển…
Do đó, cái “bắt tay” của những ông lớn như Xuân Cương và U&I được kỳ vọng hoàn thiện hơn chuỗi cung ứng dịch vụ logistics cho nông sản. Đồng thời góp phần phát triển hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp với đầy đủ các dịch vụ hỗ trợ tốt cho sản xuất và các vệ tinh kết nối theo các cấp từ vùng nguyên liệu đến các trung tâm lớn hơn (tỉnh, vùng) và xuất khẩu.
Việc hợp tác đầu tư và vận hành khai thác đường sắt liên vận quốc tế của hai doanh nghiệp cũng có thể góp phần hoàn thiện hệ thống logistics phục vụ thương mại biên giới phát triển tương xứng với tiềm năng và nhu cầu để kết nối với các vùng sản xuất, kết nối giữa thị trường trong nước với quốc tế.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 28/06/2022
06:51, 30/05/2022
20:33, 26/05/2022
12:46, 26/05/2022
12:08, 26/05/2022
11:22, 26/05/2022
11:00, 26/05/2022