Doanh nghiệp chọn ở tuyến đầu

Theo Khanh An, baodautu 03/05/2020 11:51

Với ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), doanh nhân Việt luôn là những chiến sỹ tuyến đầu, luôn chọn xông pha, chọn đương đầu.

Nhiều khi doanh nhân chọn đánh đổi sự bình yên của chính mình để có được sự “bình thường” cho người lao động, cho hoạt động của doanh nghiệp...

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

TS. Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).

Thời điểm vàng

Bước ra khỏi cuộc họp Thường trực Chính phủ về vấn đề xuất khẩu gạo chiều muộn ngày 28/4, ông Lộc rất hồ hởi.

“Thủ tướng đã quyết từ ngày 1/5/2020, xuất khẩu gạo trở lại bình thường. Thủ tướng cũng cho phép doanh nghiệp xuất khẩu khẩu trang y tế không hạn chế số lượng, không bị ràng buộc điều kiện. Đường thông sớm giờ nào, hàng chạy nhanh giờ ấy, doanh nghiệp sẽ giữ được việc làm…”, ông Lộc nói.

Trước đó, trong các cuộc họp trực tuyến giữa VCCI với các hiệp hội, doanh nghiệp đã rất lo lắng. Có doanh nghiệp đã gửi đơn đề nghị khẩn cấp tới 4 lần lên Thủ tướng, vì hàng đã ở cảng mà không có hạn ngạch.

Hai trong số hơn 70 nhóm kiến nghị VCCI tập hợp, gửi Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp, dự kiến tổ chức vào đầu tháng 5 tới, đã được giải quyết. Bản kiến nghị của VCCI gọn lại?

Chúng tôi đã thảo luận rất nhiều về các kiến nghị gửi Thủ tướng. Câu chuyện trục trặc trong điều hành xuất khẩu gạo, hải quan mở tờ khai lúc nửa đêm hay việc gần nửa tháng sau khi Thủ tướng yêu cầu nới lỏng điều kiện xuất khẩu khẩu trang y tế mà Bộ Y tế chưa trình được dự thảo sửa đổi nghị định để tháo gỡ việc này… chỉ là vài ví dụ điển hình cho bất cập trong phối hợp giữa các bộ, ngành khi thực hiện chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.

Trong bối cảnh bình thường, sự trục trặc này làm doanh nghiệp bất an, nhưng khi cả nền  kinh tế đang gánh chịu hậu quả của dịch bệnh, chi phí cơ hội từ việc thực hiện yêu cầu giãn cách xã hội để phòng dịch rất lớn, thì cách điều hành trên có thể làm nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, nghĩa là hàng ngàn lao động mất việc.

Phải nhắc rõ, chúng ta có khoảng 270 bệnh nhân “Covid y tế”, nhưng cả gần 800.000 doanh nghiệp, hàng triệu hộ kinh doanh và người dân đang gánh hậu quả của “Covid kinh tế”. Nhiều trong số đó đã phải đóng cửa, giải thể hay thu hẹp quy mô sản xuất…

Có thể hình dung, một bức tranh doanh nghiệp với vô vàn khó khăn sẽ được đưa ra?

Chính xác là những gì doanh nghiệp đang nỗ lực, đang xoay xở để vượt qua dịch bệnh trong hơn hai tháng qua và cả các kế hoạch tới là điều chúng tôi muốn gửi tới Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương.

Nhiều doanh nhân nói với tôi, họ cố gắng cầm cự, tổ chức lại công việc, tìm kiếm đơn hàng nhỏ lẻ, để người lao động  được đi làm luân phiên, để ổn định tâm lý người lao động. Theo khảo sát của VCCI, 73% doanh nghiệp có chính sách hỗ trợ người lao động trong khủng hoảng; 46% doanh nghiệp không cắt lao động nhưng giảm giờ làm; 41% doanh nghiệp tổ chức làm việc tại nhà…  Nhưng chọn giữ lại lao động, cũng có nghĩa, doanh nghiệp không đủ điều kiện hưởng hỗ trợ giãn thời gian nộp bảo hiểm xã hội…

Doanh nghiệp không muốn than phiền, mong được thấu hiểu, chia sẻ và đồng hành.

Nhưng doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu là nhỏ và vừa, dù không doanh nghiệp nào muốn dừng lại, nhưng thực không dễ trụ vững, chứ chưa nói đến vươn lên.  Vì vậy, chúng tôi cũng muốn gửi đi thông điệp, doanh nghiệp cần hỗ trợ cả hệ thống chính trị, cần thể chế, cơ sở hạ tầng, nguồn nhân lực đồng bộ, đủ năng lực làm bệ đỡ cho doanh nghiệp lớn lên. Đây sẽ là yêu cầu quan trọng nhất, mở đường cho sự phát triển của nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp.

Những động cơ không ngừng chạy

Những ngày này, Việt Nam đang giữa 2 cuộc chiến: cuộc chiến y tế với mục tiêu đẩy lùi Covid-19, bảo vệ sức khỏe của người dân và cuộc chiến kinh tế với mục tiêu đẩy lùi suy thoái, duy trì tăng trưởng, bảo đảm công ăn việc làm.

“Nếu như đội quân áo trắng – thầy thuốc của nhân dân - là chiến sỹ tuyến đầu trong cuộc chiến y tế, thì đội ngũ doanh nghiệp, những doanh nhân có trách nhiệm chính là chiến sỹ trên tuyến đầu trong cuộc chiến kinh tế. Hai cuộc chiến đều khốc liệt”, ông Lộc nói.

Nhiều người nói, không nên coi thương trường là chiến trường?

Nhưng tôi vẫn muốn gọi doanh nhân là những chiến tướng dù không đối mặt với tiếng súng, nhưng khốc liệt không kém. Họ là lực lượng chủ công giữ vai trò duy trì sản xuất, kinh doanh trong đại dịch và tái cấu trúc để phục hồi và phát triển sau đại dịch.

Ngay thời điểm này, chỉ cần ra đường, có thể thấy một phần bức tranh doanh nghiệp Việt. Cuộc sống đang trở lại cùng với sự đông đúc của các con đường, với những cửa hàng, cửa hiệu được mở lại. Nhưng, cũng nhiều cửa hàng không còn chủ cũ, nhiều nơi treo bảng cho thuê nhà…

COVID-19 chỉ là một phần của cuộc chơi, của những tình huống bất định sẽ còn xuất hiện, buộc từng người dân, doanh nghiệp và cả nền kinh tế phải học cách sống chung, chấp nhận sự sàng lọc và chấp nhận thay đổi.

Doanh nghiệp đang thay đổi rất nhanh. Chưa bao giờ tôi thấy các kế hoạch hợp tác, sử dụng sản phẩm của nhau giữa các doanh nghiệp lại sôi động, thiết thực như bây giờ.

Nhu cầu liên kết, vốn là điểm yếu của doanh nghiệp Việt, và thị trường 100 triệu dân đang là những điểm níu giữ, giúp doanh nghiệp giữ sức trước khi trở lại sân chơi của các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đang và chuẩn bị có hiệu lực. Mọi người đều bàn cách đứng dậy, đi tiếp, không ai muốn dừng lại.

Nhưng  doanh nghiệp cần sự thay đổi tương ứng, thậm chí phải nhanh hơn từ phía Nhà nước…

Có thể bạn quan tâm

  • Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5

    Thủ tướng đồng ý cho xuất khẩu gạo trở lại bình thường từ ngày 1/5

    18:45, 28/04/2020

  • Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo

    Bộ Công Thương kiến nghị bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo

    00:15, 28/04/2020

  • Tổng cục Hải quan tiếp tục hướng dẫn đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo

    Tổng cục Hải quan tiếp tục hướng dẫn đăng ký tờ khai xuất khẩu gạo

    23:42, 27/04/2020

  • [Xuất khẩu gạo]: Chính sách nào phù hợp?

    [Xuất khẩu gạo]: Chính sách nào phù hợp?

    04:50, 26/04/2020

  • Mở cửa trở lại nền kinh tế theo cách nào?

    Mở cửa trở lại nền kinh tế theo cách nào?

    11:00, 17/04/2020

Tròn 4 năm trước, tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp với chủ đề “Doanh nghiệp Việt Nam - động lực phát triển của kinh tế đất nước”. Nhiều thay đổi lớn trong môi trường kinh doanh Việt Nam sau đó…

Đó là một cuộc gặp thực sự đặc biệt. Tôi vẫn nhớ, tân Thủ tướng đã làm nức lòng giới doanh nhân khi yêu cầu cái gì khó khăn thì cơ quan nhà nước phải nhận, tạo ưu tiên, thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Lần này, doanh nghiệp mong chờ cuộc gặp với tinh thần “thần tốc, thần tốc hơn nữa” của Ngày thống nhất đất nước. Vì, chúng ta đang khống chế tốt dịch bệnh, có điều kiện sớm tái khởi động nền kinh tế. Các quyết sách nhanh, trúng, đúng lúc sẽ giúp doanh nghiệp tái khởi động.

Ngược lại, chậm dỡ bỏ các biện pháp “ngăn sông cấm chợ”, thì khác nào một tay bơm tiền giải cứu, một tay đóng cửa thị trường, “trói tay, trói chân” doanh nghiệp và hệ quả là các chính sách không đồng hướng, triệt tiêu nhau...

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp chọn ở tuyến đầu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO