Hải Phòng đang vươn mình trở thành trung tâm du lịch biển mang tầm quốc tế. Để làm được điều đó có đóng góp không nhỏ của các doanh nghiệp làm du lịch trong việc đổi mới sản phẩm, kích cầu du lịch...
>>>Doanh nghiệp du lịch chờ hiệu ứng từ “đòn bẩy” chính sách
Phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp đã có buổi trò chuyện cùng ông Ngô Anh Tuấn – Tổng Giám đốc Công ty TNHH TM & Du lịch Hòa Bình (Hòa Bình Travel), doanh nghiệp lữ hành đạt giải thưởng Sao Vàng Đất Việt 2021.
- Thưa ông, sự kiện Quần thể vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà mới được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới, điều này sẽ có hiệu quả thu hút khách du lịch đến với Hải Phòng như thế nào?
Trước khi được công nhận là di sản thiên nhiên thế giới, cả Hạ Long và Cát Bà đều đã rất nổi tiếng với cảnh quan thiên nhiên kỳ thú, giữ gìn những nét nguyên trạng đặc trưng do thiên nhiên tạo dựng mà khó nơi nào trên thế giới có được. Chính vì vậy quần thể này cũng là thế mạnh để khai thác du lịch, góp phần hết sức quan trọng trong mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 2 địa phương.
Sự kiện Quần thể vịnh Hạ Long – Quần Đảo Cát Bà được Ủy ban Di sản Thế giới UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới mở ra hướng khai thác hiệu quả hơn tiềm năng du lịch ở khu vực này. Đặc biệt, kỳ vọng khách quốc tế chú ý nhiều hơn tới du lịch Hải Phòng. Nhưng đó mới chỉ là thành công bước đầu đem lại danh hiệu. Vấn đề đặt ra là, việc khai thác di sản, song song với bảo tồn giá trị di sản sẽ được thực hiện thế nào, khi Hạ Long – Cát Bà đã không còn là di sản riêng của địa phương hay của quốc gia, mà nằm trong quỹ đạo điều chỉnh chung các di sản thế giới.
Xét trên thực tế, điều này đối với Quảng Ninh có nhiều thuận lợi thế hơn, bởi trước thời điểm có cụm di sản chung thì vịnh Hạ Long được công nhận là di sản thế giới từ năm 1994, nên địa phương này đã có kinh nghiệm khai thác, quản lý, phát triển. Nhưng Cát Bà cũng không phải là kém thế, trong khi, ngoài tư cách là khu dự trữ sinh quyển thế giới, Cát Bà còn được công nhận di tích danh lam thắng cảnh đặc biệt quốc gia, là thành viên Hiệp hội các vịnh đẹp nhất thế giới…
>>>Cần chiến dịch quảng bá điểm đến hiệu quả cho doanh nghiệp du lịch
>>>Bài toán khó với doanh nghiệp du lịch
Như vậy, cả Quảng Ninh và Hải Phòng đều đã có những bài học thực tiễn trong khai thác, phát huy giá trị di sản, hiển hiện rõ nhất trong phát triển du lịch thời gian qua. Nhưng thẳng thắn mà nhìn nhận, dù đã có sự đầu tư rất lớn và bứt phá thần tốc về hạ tầng du lịch, nhưng quá trình khai thác vận hành di sản của cả 2 địa phương vẫn tồn tại những hạn chế, nhất là sự tận dụng chưa mang nhiều dấu ấn sáng tạo, cùng những rào cản trong xây dựng thiết chế văn hóa du lịch. Thậm chí, trong quy hoạch và quản lý quy hoạch, vẫn xuất hiện những yếu tố tiêu cực trước sự can thiệp của con người vào thiên nhiên, mà vụ việc xâm phạm quy hoạch khiến hàng loạt cán bộ ở Vườn quốc gia Cát Bà bị xử lý là một điển hình.
Hạ Long – Cát Bà là mô hình di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam, vậy làm thế nào để 2 địa phương cùng khai thác, vận hành và bảo tồn giá trị, mà không theo vết cũ “mạnh ai người làm”, xuất hiện tình trạng “cát cứ” như những năm qua? Hy vọng rằng, trong thời gian tới, nỗ lực của 2 địa phương Quảng Ninh và Hải Phòng có cùng nguồn di sản sẽ kết hợp đầu tư hạ tầng cho “liên Tour du lịch Vịnh Lan Hạ - Vịnh Hạ Long”, sẽ mang lại những hiệu quả cao, tạo ra luồng gió mới làm lan tỏa giá trị trong không chung của giá trị di sản Việt Nam, điều quan trọng là để quần thể di sản thiên nhiên thế giới Hạ Long – Cát Bà không chỉ là danh hiệu, mà phải là thương hiệu.
- Năm 2023 là một năm du lịch Hải Phòng có nhiều bứt phá, bản thân doanh nghiệp mình có được những thành công nào trong năm nay, xin ông chia sẻ?
Trên thực tế, đa số doanh nghiệp lữ hành là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và siêu nhỏ, vì vậy tiềm lực kinh tế cũng rất nhỏ. Rất may, với nhiều năm kinh nghiệm, Hòa Bình Travel chúng tôi đã tích lũy được nguồn lực trong lĩnh vực lữ hành. Sau dịch đã ngay lập tức tìm hướng phát triển theo mô hình mới, thay đổi chiến lược kinh doanh phù hợp. Đã khôi phục và mở rộng thêm các văn phòng Đại diện ở các tỉnh thành phố lớn trên toàn quốc như: Hà Nội, Hạ Long, Bắc Ninh, Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Phú Quốc, Bình Dương, Đà Lạt, Nha Trang, Đà Nẵng, Huế… Mở lại Phòng kinh doanh Inbound để đón khách Quốc tế về Việt Nam. Tái cấu trúc bộ máy điều hành, quản lý.
Trong thời gian này Hòa Bình Travel đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đội ngũ cán bộ và hướng dẫn viên doanh nghiệp được cử tham gia các khóa đào tạo để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đa dạng hóa các kênh tiếp thị, bán hàng. Đặc biệt Hòa Bình Travel đã tổ chức phục vụ đa dạng hóa đối tượng khách hàng như: Tour trải nghiệm học sinh, Tour team building công nhân, Tour nghỉ dưỡng cho các bộ nhà nước, Tour outbound, Tour inbound dành cho khách quốc tế đến với dải đất hình chữ S...
Ngoài ra, Hòa Bình Travel đã và đang đã tổ chức cho hướng dẫn viên đi famtrip, khảo sát, thiết kế sản phẩm mới, xây dựng các sản phẩm du lịch phù hợp, chuẩn bị các gói sản phẩm kích cầu để sẵn sàng tung ra vào thời điểm thích hợp; đẩy mạnh liên kết với các đơn vị khách sạn, nhà hàng, vận chuyển, hàng không, khu vui chơi giải trí, đơn vị tư vấn dịch vụ để cùng chuẩn bị hoạt động kích cầu du lịch…
Do đó, hoạt động kinh doanh của Hòa Bình Travel được duy trì, lượng khách ổn định, cơ cấu nhân sự được giữ vững, chất lượng tour được nâng cao. Nhờ đó ngay đầu năm Hòa Bình Travel chúng tôi đã nhận được khá nhiều tour từ các tổ chức, doanh nghiệp. Như: Tour 25.000 công nhân Công ty LG Display; Tour 200 cán bộ “Liên đoàn lao động TP Hà Nội”; Tour 400 cán bộ công nhân “Công ty Nhiệt điện Hải Phòng”; Tour trải nghiệm 2.500 học sinh Trường THPT An Dương, Hải Phòng; Tour 200 cán bộ Thành ủy TP Hồ Chí Minh; Tour của 200 giảng viên Trường Đại học Luật TP Hồ Chí Minh; Tour 400 cán bộ y bác sỹ Bệnh viện da liễu TP Hồ Chí Minh, Tour 100 cán bộ UBND tỉnh Bình Dương…
- Với quan điểm Hải Phòng làm du lịch 1 mùa (mùa hè), có nghĩa từ giờ đến cuối năm ngành du lịch Hải Phòng sẽ chững lại, ông có đánh giá như thế nào về quan điểm trên. Từ giờ đến cuối năm doanh nghiệp có khai thác sản phẩm du lịch mới nào hay không, thưa ông?
Các địa phương miền Bắc khó phát triển du lịch bốn mùa vì mùa đông lạnh. Đặc biệt, nhiều năm qua Hải Phòng vẫn được nhắc tới với kiểu làm du lịch 1 mùa. Đơn cử như du lịch Đồ Sơn, từ đầu năm đến nay, mặc dù vượt quá kỳ vọng khi đón gần 2 triệu lượt du khách, nhưng du lịch Đồ Sơn vẫn chưa thoát khỏi tính mùa vụ để trở lại vị thế trước đây. Tuy nhiên, nhận định này có thể thay đổi.
Theo tôi được biết, để tìm lời giải cho “bài toán” du lịch mùa vụ, không riêng gì chính quyền quận Đồ Sơn, các khu du lịch khác cũng đang nghiên cứu, xem xét, đề xuất TP Hải Phòng cho phép phát triển các sản phẩm du lịch mới, như: thể thao mặt nước, đua xe công thức 1, du lịch biển, bảo tàng biển, xây dựng các trung tâm biểu diễn, phục vụ hội nghị, hội thảo trong nước và quốc tế...
Dự án khu du lịch quốc tế Đồi Rồng (Đồ Sơn) gồm nhiều hạng mục công trình như trung tâm hội nghị, khu nhà nghỉ dưỡng, khách sạn 5 sao, bể bơi nước ngọt, công viên nước, sân golf... là điểm sáng của du lịch Hải Phòng.
Cáp treo 3 dây Cát Hải - Phù Long khi hoàn thành dự kiến dài 22km. Tại các điểm dừng chân của du khách có khu vui chơi, khách sạn 5 sao, sân golf... để phục vụ khách du lịch. Du lịch golf, du lịch ẩm thực (food tour) cùng nhiều hoạt động du lịch hỗn hợp… Và đặc biệt Vịnh Lan Hạ được UNESCO chính thức công nhận là Di sản thiên nhiên thế giới được kỳ vọng xoá bỏ nhận định "du lịch một mùa" ở Hải Phòng.
- Hải Phòng được biết đến là một địa phương đang rất tập trung trong việc quảng bá và phát triển du lịch địa phương, ở góc độ doanh nghiệp du lịch, ông có “hiến kế” giúp các cơ quan quản lý du lịch trên địa phương?
Tôi thấy rằng chúng ta đang làm rất tốt việc đẩy mạnh xây dựng cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao cũng như tổ chức các hoạt động xúc tiến du lịch trong thời gian qua. Một đôi điều “hiến kế” cũng là những đề nghị đó là: Cơ quan quản lý nhà nước, Hiệp hội và các Hội chuyên ngành cần tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp kết nối vùng, liên kết trong hoạt động kinh doanh. Đẩy mạnh hơn nữa công tác quảng bá xúc tiến điểm đến thông qua các lễ hội, sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch hướng tới du khách. Hoạt động trải đều vào các thời điểm trong năm, chú trọng vào mùa thấp điểm, có kế hoạch sớm để hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chương trình du lịch.
Những gói sản phẩm du lịch Hải Phòng trong thời gian tới theo tôi sẽ là du lịch nghỉ dưỡng, tham quan biển đảo, du thuyền cao cấp, du lịch golf, hội nghị hội thảo, lễ hội; bên cạnh đó là chương trình trải nghiệm du lịch đô thị mới phát triển và thưởng thức ẩm thực địa phương (foodtours).
Đương nhiên, chúng ta có thể bổ sung thêm gói sản phẩm du lịch thể thao, sự kiện - với điều kiện là thành phố đẩy mạnh hơn nữa hoạt động tổ chức sự kiện lễ hội, văn hóa, thể thao ở quy mô lớn, xứng tầm với một thành phố lớn đang trên đà phát triển mạnh mẽ trở thành thành phố Quốc tế, tỏa sáng vùng cửa biển.
Còn chiến lược truyền thông ngoài những hoạt động xúc tiến điểm đến của ngành đang thực hiện thì bản thân các hoạt động tổ chức sự kiện ở quy mô lớn là những chiến dịch truyền thông rất tốt. Bên cạnh đó, truyền thông số, ứng dụng công tác chuyển đổi số vào các hoạt động truyền thông cung cần được đẩy mạnh. Kết hợp xúc tiến điểm đến Hải Phòng thông qua các sự kiện quốc tế, tham gia vào các hoạt động của các tổ chức quốc tế cũng đóng vai trò tuyệt vời trong quảng bá Hải Phòng.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm
Doanh nghiệp du lịch Việt gặp khó khi phải dừng phục vụ tour Israel
01:00, 13/10/2023
Gia tăng kết nối, hợp tác giữa doanh nghiệp du lịch Hải Phòng và các tỉnh Tây Nguyên
01:00, 10/10/2023
Doanh nghiệp du lịch lo ngại khi giá vé máy bay tăng cao
01:00, 07/10/2023
Cần mở rộng chính sách visa, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp du lịch
07:39, 30/08/2023
Doanh nghiệp du lịch chờ hiệu ứng từ “đòn bẩy” chính sách
03:00, 26/08/2023