Đó là khẳng định của Phó chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Võ Tân Thành tại Hội thảo “Chuyển đổi số trong công tác quản trị doanh nghiệp sản xuất”, diễn ra chiều ngày 14/10.
>>>Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
Phát biểu tại Hội thảo, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành cho rằng, trước tác động của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và những thách thức chưa từng có do Đại dịch COVID-19 mang lại, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội lẫn không ít những khó khăn. Trong bối cảnh đó, chuyển đổi số đang nổi lên như một giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp thích ứng với hoàn cảnh mới. Đây vừa là nhu cầu, vừa là xu hướng tất yếu, khách quan giúp doanh nghiệp tiếp tục trụ vững và phát triển.
Theo Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành, chuyển đổi số mang lại nhiều lợi ích đối với doanh nghiệp. Ông cho rằng, khi ứng dụng chuyển đổi số, sự liên kết thông tin giữa các bộ phận trong doanh nghiệp được kết nối trên nền tảng một hệ thống công nghệ đồng nhất, giúp cho các vấn đề phát sinh trong doanh nghiệp được giải quyết ngay khi xảy ra và sự vận hành không bị tắc nghẽn, gây tác động xấu đến hoạt động của doanh nghiệp, như: phục vụ khách hàng bị chậm trễ, lượng hàng bán được giảm sút,…
“Quá trình chuyển đổi số đang diễn ra với tốc độ nhanh chóng trên phạm vi toàn cầu và Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng đó. Đối với doanh nghiệp, chuyển đổi số đang mang lại nhiều lợi ích trong bối cảnh hiện nay, giúp doanh nghiệp đạt được 5 mục tiêu cơ bản, gồm: tăng cường năng lực cạnh tranh trên thị trường; tăng năng suất lao động; tăng tốc độ tiếp cận thị trường; thúc đẩy tăng trưởng doanh thu; mở rộng khả năng thu hút và giữ chân khách hàng, đối tác”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Cũng theo Phó chủ tịch VCCI, tốc độ chuyển đổi số tại các khu vực và quốc gia là khác nhau, tùy thuộc vào mức độ phát triển công nghệ và tốc độ chuyển đổi mô hình doanh nghiệp. Trong đó khu vực châu Âu được đánh giá là khu vực có tốc độ chuyển đổi số nhanh nhất, tiếp đến là Mỹ và một số quốc gia tại châu Á. Theo nghiên cứu của Microsoft, tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, tác động của chuyển đổi số đối với GDP năm 2019 là 25% và năm 2021 là 60%.
Ông cũng cho biết, Việt Nam đang từng bước xây dựng và áp dụng các chính sách phù hợp với xu hướng chuyển đổi số hiện nay, trong đó khuyến khích các ngành nghề, doanh nghiệp áp dụng chuyển đổi số. Năm 2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.
“Mới đây, vào ngày 22/4/2022, Thủ tướng đã quyết định lấy ngày 10 tháng 10 hằng năm làm ngày chuyển đổi số quốc gia. Như vậy, Việt Nam đang đẩy mạnh thực thi chiến lược chuyển đổi số quốc gia nhằm định hướng cho sự phát triển trong nhiều lĩnh vực kinh doanh khác nhau, tiêu biểu là các ngành: tài chính, giao thông, du lịch, thương mại điện tử, sản xuất công nghiệp,... và tạo ra nhiều hứng khởi cho các start-up non trẻ trong nước”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành nhấn mạnh.
Đánh giá về nhu cầu chuyển đổi số của các doanh nghiệp hiện nay, ông Võ Tân Thành dẫn chứng kết quả khảo sát “Thực trạng chuyển đổi số trong doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19” với sự tham gia của trên 400 doanh nghiệp, do VCCI thực hiện năm 2020.
Theo đó, kết quả khảo sát cho thấy kỳ vọng lớn của đại bộ phận doanh nghiệp Việt Nam đối với quá trình chuyển đổi số. Có tới 98% số doanh nghiệp kỳ vọng có sự thay đổi trong hoạt động sản xuất, kinh doanh khi thực hiện chuyển đổi số, trong đó lớn nhất là khả năng giúp giảm chi phí (chiếm tỷ lệ hơn 71%), giúp doanh nghiệp hạn chế giấy tờ (61,4%) đưa thêm giá trị gia tăng vào trong sản phẩm, nâng cao chất lượng sản phẩm và dịch vụ (45,3%).
Tuy nhiên, ông Thành cho rằng, thực tế cho thấy có một sự khác biệt rõ ràng giữa các doanh nghiệp có quy mô lớn so với các doanh nghiệp nhỏ và vừa (SMEs). Trong đó, các doanh nghiệp quy mô lớn chuyển đổi nhanh hơn và tin tưởng vào kết quả tích cực của chuyển đổi số hơn.
>>>Chuyển đổi số là yếu tố ‘sống còn’ của doanh nghiệp trong bất định
“Theo kết quả khảo sát của VCCI, tuy khối SMEs chiếm tới gần 98% số lượng doanh nghiệp của Việt Nam, song trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp, có đến 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp Việt Nam là nhập khẩu, gần 80% là những công nghệ cũ từ thập niên 1980-1990”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành đánh giá.
Từ những đánh giá trên, ông Võ Tân Thành cho rằng, chuyển đổi số là quá trình tất yếu cho sự phát triển của doanh nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và đã phát huy tác dụng trong đại dịch COVID-19. Do đó, dù đứng trước nhiều trở ngại, Chính phủ vẫn quyết tâm đồng hành cùng doanh nghiệp thực hiện thành công quá trình chuyển đổi số với những mục tiêu cụ thể như: đến năm 2030, Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử; kinh tế số đóng góp 30% GDP cả nước; tỷ trọng kinh tế số trong từng ngành, lĩnh vực đạt ít nhất 20%; năng suất lao động hằng năm tăng ít nhất 8%...
“Các doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt cơ hội chuyển đổi số thành công để không tụt hậu, lệ thuộc nhằm hướng đến nền sản xuất thông minh và từng bước tiến tới nền kinh tế số. Trong cuộc cạnh tranh để giữ và mở rộng thị trường, doanh nghiệp nào chuyển đổi số nhanh sẽ chiếm lợi thế và gặt hái được nhiều thành công so với sản xuất, kinh doanh truyền thống”, Phó chủ tịch VCCI Võ Tân Thành chia sẻ thêm.
Chia sẻ về lợi ích của chuyển đổi số trong việc quản lý nhân sự trong doanh nghiệp, ông Lý Xuân Nam – CEO Tinh Hoa Solutions cho rằng, việc chuyển đổi số trong quản trị nhân sự sẽ giúp các doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn lực của mình thông qua nhiều lợi ích đem lại như: giúp doanh nghiệp theo dõi những việc hay bị lãng phí như thất thoát giờ làm thêm.
Lợi ích thứ hai là giúp các doanh nghiệp nhận ra được các điểm nghẽn, những phòng ban nào đang làm việc không hiệu quả, và đang được trả lương quá cao. Lợi ích thứ ba là sẽ đem đến những dự báo giúp cho các doanh nghiệp có thể lường trước được những sự cố trong tương lai, chẳng hạn như việc nhân viên nghỉ việc không báo trước hay nhiều nhân sự nghỉ việc cùng lúc.
Bên cạnh đó, ông Nam cũng chỉ ra những khó khăn mà các doanh nghiệp đang gặp phải trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ nhất, sự khác biệt về nhận thức trong đội ngũ của các doanh nghiệp sản xuất đối với các giải pháp về công nghệ khác nhau, dẫn đến những khó khăn cho các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ hai, nhân sự của doanh nghiệp không theo kịp sự thay đổi về công nghệ, dẫn đấn e ngại và không ứng dụng được công nghệ trong quá trình chuyển đổi số.
Thứ ba, về chi phí. Để thực hiện chuyển đổi số, các doanh nghiệp cần phải chuẩn bị các chi phí mềm như triển khai công cụ, đào tạo cho nhân viên. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần để ý đến những chi phí tiềm ẩn như việc nhân sự giảm về mặt tinh thần khi họ chưa quen với công cụ hay sự thay đổi đội ngũ.
“Hiện nay các doanh nghiệp cung cấp giải pháp dịch vụ quản lý ứng dụng phần mềm để giúp khách hàng của mình cắt giảm chi phí cũng như gỡ bỏ các rào cản về chi phí trong quá trình triển khai hệ thống công nghệ thông tin. Nắm bắt xu hướng này, Tinh Hoa cũng đã cung cấp các giải pháp dịch vụ quản lý ứng dụng phần mềm và công nghệ quản trị nhân sự nhằm giúp các doanh nghiệp có thể làm quen với những giải pháp mới, đồng thời giảm bớt những rào cản về chi phí khi tiếp cận với công nghệ mới”, ông Nam chia sẻ.
Ông Bùi Cao Học – TGĐ, nhà sáng lập Công ty OnlineCRM cũng chi ra một số rào cản ảnh hưởng đến quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp như: Sự quyết tâm và kiên trì của lãnh đạo doanh nghiệp. Ông đánh giá, đây là yếu tố rất quan trọng bởi nếu lãnh đạo không có đủ quyết tâm thì việc chuyển đổi số sẽ gặt rất nhiều khó khăn ảnh hưởng đến việc chuyển đổi số của doanh nghiệm. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cũng có thể gặp những rào cản khác như thiếu đội ngũ nhân sự có kỹ năng số, thiếu nguồn lực và thời gian.
Nhằm giúp các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi số hiệu quả, đặc biệt là đối với các doanh nghiệp sản xuất, ông Học cho biết, vừa qua, OnlineCRM phối hợp với Cục xúc tiến thương mại đã tổ chức chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho 10.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ tại Việt Nam.
“Mục tiêu của chương trình là nhằm hỗ trợ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số cho các doanh nghiệp SMEs. Bởi trên thực tế hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp muốn chuyển đổi số nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu. Do đó, chương trình này mong muốn mang lại bước khởi đầu cho các doanh nghiệp SMEs ở góc độ tư vấn, triển khai cũng như hỗ trợ về ngân sách cho các doanh nghiệp, bao gồm các giải pháp về tiếp thị bán hàng, chăm sóc khách hàng, tổ chức vận hành và quản lý công việc”, ông Học chia sẻ.
Có thể bạn quan tâm
22/10: Chung kết Cuộc thi Ý tưởng Khởi nghiệp CiC 2022 “Chuyển đổi số - Thách đố sáng tạo”
11:22, 13/10/2022
Đẩy mạnh chuyển đổi số, HDBank đạt giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam 2022
16:20, 12/10/2022
BIDV nhận giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam năm 2022
04:00, 12/10/2022
Sửa Luật Giao dịch điện tử: Hoàn thiện pháp lý, thúc đẩy chuyển đổi số
04:00, 11/10/2022
Chuyển đổi số là yếu tố ‘sống còn’ của doanh nghiệp trong bất định
18:46, 10/10/2022
Quảng Nam tìm giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số
14:54, 10/10/2022
Doanh nghiệp vừa và nhỏ linh hoạt và thích ứng trong tiến trình chuyển đổi số
04:00, 10/10/2022