Đơn hàng xuất khẩu gỗ ở một số thị trường trọng điểm như Mỹ, Châu Âu đã tăng, các doanh nghiệp cũng đã có khách hàng trở lại. Tuy nhiên, đơn hàng chủ yếu trong thời gian ngắn, quy mô nhỏ hơn.
>>>Chặn đà lao dốc của xuất khẩu gỗ
Theo Bộ NN&PTNT trong nửa đầu năm 2023, trị giá xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ chỉ đạt 6 tỷ USD, giảm 28,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Trong tháng 7/2023, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt gần 1,1 tỷ USD, đưa kim ngạch 7 tháng lên 7,1 tỷ USD, vẫn giảm tới 25% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy vậy, con số kim ngạch của tháng 7/2023 đã gần ngang bằng với kim ngạch của tháng 7/2022 – cho thấy tín hiệu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã phục hồi.
Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu gỗ giảm mạnh, khiến nhiều doanh nghiệp thiếu đơn hàng từ 20 - 50%. Nhưng đến thời điểm này, các doanh nghiệp đã bắt đầu nhận được những đơn hàng mới.
Theo ông Trần Lam Sơn, Phó Tổng Giám đốc Công ty Gỗ Thiên Minh, khách hàng của nước ngoài về Việt Nam tìm nguồn hàng rất nhiều, thị trường Mỹ bắt đầu ấm dần, hàng tồn đã được tiêu thụ và xu hướng tiêu dùng của người dân đã tăng trở lại. Do đó, những tín hiệu cho thấy thị trường đang sáng trở lại.
Theo ông Huỳnh Quang Thanh, Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long, trong quý 3/2023, tình hình sẽ bình thường trở lại, nhưng để đơn hàng nhiều như năm 2022 sẽ khó. Những doanh nghiệp nào có thị trường rộng, và nhất là đi vào thị trường ngách sẽ tồn tại vững hơn.
Ông Lý Vĩnh Hùng, Giám đốc Công ty Gỗ nội thất Lyprodan, nhận định rằng thị trường đã bắt đáy và theo quy luật khi chạm đáy rồi sẽ từ từ lên. Do đó, dự báo năm 2024 xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ sẽ phục hồi, vấn đề là nhanh hay chậm. Hiện, Công ty đã nhận được một số đơn hàng cho vụ mới, cũng đã có khách hỏi báo giá, mẫu đã có.
“Chúng tôi đang tiếp xúc với một số khách và tình hình đơn hàng 2024 khá khả thi, đó là cái mừng cho ngành gỗ. Có thể đến năm 2024 xuất khẩu gỗ sẽ phục hồi trở lại”, ông Lý Vĩnh Hùng nói.
Với những tín hiệu tốt trong tháng 7, ngành gỗ đang kỳ vọng 5 tháng cuối năm sẽ phục hồi tăng trưởng để kim ngạch xuất khẩu cả năm vẫn bằng với năm ngoái.
>>Bộ Tài chính: Không coi ngành gỗ là ngành rủi ro trong hoàn thuế VAT
Tuy nhiên, những khó khăn vẫn chưa hẳn đã qua. Bởi đơn hàng chủ yếu trong thời gian ngắn, quy mô cũng nhỏ hơn và cơ cấu mặt hàng đa dạng hơn khiến doanh nghiệp khó tính toán dài hơi và phải có sự thích ứng nhanh chóng.
Nói như ông Nguyễn Văn sang, Giám đốc điều hành nội ngoại thất Furnist: “Không thể tính kế hoạch dài được, chúng tôi chỉ có thể có kế hoạch 3 tháng, nhưng đã có những đơn hàng là cơ hội rất tốt. Hi vọng cuối năm hoặc tháng 1 năm 2024 tăng trưởng sẽ hồi phục”.
Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng cho rằng, doanh nghiệp phải gia tăng các sản phẩm có thiết kế và giá cả cạnh tranh. “Các nhà mua hàng họ tìm kiếm các đơn hàng có thiết kế chủ động của doanh nghiệp. Việc này doanh nghiệp Việt đã xây dựng nhiều năm nhưng cũng là thách thức doanh nghiệp phải đáp ứng. Nếu doanh nghiệp sẽ có lợi thế trong việc giao hàng và về giá”, ông Nguyễn Chánh Phương, Phó Chủ tịch Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP HCM nhấn mạnh.
Trên thực tế, gỗ là ngành xuất khẩu chủ lực, đóng góp lớn cho kim ngạch thương mại của Việt Nam, với kim ngạch mỗi năm trên dưới 15 tỷ USD. Trong bối cảnh thị trường Mỹ luôn chiếm 60-65% trong tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành gỗ, thì bất kỳ một động thái nào từ thị trường này cũng ảnh hưởng rất lớn đến ngành gỗ Việt Nam.
Ngày 17/7/2023, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành Phán quyết cuối cùng vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mặt hàng gỗ dán cứng nhập khẩu từ Việt Nam.
Theo đó, DOC đã xem xét lại 3 kịch bản trong số 5 kịch bản sản xuất lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp. Hai kịch bản sản xuất bị DOC cho là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp bao gồm: Tấm mặt trước, sau và các tấm lõi riêng biệt được sản xuất ở Trung Quốc và được lắp ráp thành gỗ dán cứng tại Việt Nam; những tấm lõi riêng lẻ được sản xuất tại Trung Quốc và chế biến thành một tấm lõi ở Việt Nam và được kết hợp với một tấm mặt trước và/hoặc sau được sản xuất ở Việt Nam và quốc gia thứ ba khác.
DOC sẽ áp mức thuế dựa vào thông tin bất lợi sẵn có cho 37 doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ từ Việt Nam. Mức đặt cọc nêu trong phán quyết sơ bộ là 183,36% cho thuế chống bán phá giá (AD) và 22,98% cho thuế chống trợ cấp (CVD). Các doanh nghiệp này đồng thời không được hưởng cơ chế tự xác nhận.
DOC đã đưa 2 doanh nghiệp ra khỏi danh sách 22 doanh nghiệp thất bại trong trả lời bảng hỏi đó là Công ty CP An An Plywood và Công ty CP Greatwood Hưng Yên. Cùng với đó, 4 doanh nghiệp được xác định là hợp tác trong phán quyết sơ bộ.
Có thể bạn quan tâm
04:00, 16/04/2023
03:00, 16/04/2023
03:45, 14/04/2023
15:00, 13/04/2023