Nhu cầu vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế vẫn còn chậm, phản ánh vào tăng trưởng tín dụng âm 2 tháng đầu năm và chỉ nhúc nhích dương trong tháng 3/2024.
>>> Thay đổi phương thức điều hành để tăng cung ứng vốn
Tuy nhiên, so với mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống 0,26% tại 25/3 - số liệu theo Ngân hàng Nhà nước công bố, một số tổ chức tín dụng (TCTD) đã đẩy nhanh vốn ra nền kinh tế và đạt mức tăng trưởng dư nợ cao trong quý I.
Ông Trần Hoài Nam - Phó Tổng giám đốc Ngân hàng TMCP Phát triển TP.HCM (HDBank) - cho biết trong tháng 1/2024, tăng trưởng tín dụng của HDBank chậm, thậm chí âm bởi tâm lý trước Tết người dân, doanh nghiệp thường muốn trả nợ.
Tuy nhiên, từ tháng 2, tăng trưởng tín dụng của ngân hàng này đã đi lên, kéo cả quý I/2024 tăng trưởng tín dụng lên 6%, nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ 2023 khi giai đoạn này năm ngoái tăng 9%.
Theo ông Nam, tổng giá trị tín dụng tăng trưởng của ngân hàng này đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã đáp ứng nhu cầu cho nhiều doanh nghiệp trong nền kinh tế, trong đó có 3 lĩnh vực quan trọng đó là nông nghiệp, doanh nghiệp sản xuất (bao gồm xây dựng, các kênh phân phối), tín dụng xanh…
Bên cạnh khách hàng doanh nghiệp với mức tăng dư nợ tích cực, ông Nam cho biết hiện khách hàng cá nhân có tăng trưởng tốt, phía HDBank cũng có công ty tài chính và đã xây dựng gói tín dụng cho công nhân khu công nghiệp, nhóm khách hàng này có sự tăng trưởng.
>>>GRDP TP.HCM tăng cao nhất 5 năm, tín dụng tăng tích cực
Phó TGĐ HDBank cũng nhìn nhận, năm 2023 đã giải ngân tín dụng khá lớn nên giai đoạn đầu năm tăng trưởng tín dụng chậm lại, giải ngân đầu năm giảm đi cộng với nhu cầu của doanh nghiệp cũng giảm.
"Hiện nay, khi mặt bằng lãi suất thấp, không vướng room tín dụng, doanh nghiệp cũng đỡ áp lực về chi phí vốn nên dự báo nhu cầu tín dụng tiếp tục tăng với mức độ tăng trưởng dự báo sẽ đạt 13,5-14%, là mục tiêu khả thi và phù hợp với mục tiêu tăng trưởng GDP", ông Nam nhận định.
Tại Techcombank, Bà Nguyễn Thị Lộc - Giám đốc điều hành Techcombank miền Nam - cho biết, ngân hàng sẽ dùng hết hạn mức tăng trưởng tín dụng Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã cấp để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng mạnh mẽ hơn trong năm nay
Sau 2 tháng đầu năm, mức tăng trưởng tín dụng của Techcombank đạt khoảng 3-4%, riêng mảng khách hàng doanh nghiệp đã phục hồi mạnh mẽ gần 7% nhờ sự khởi sắc của xuất khẩu.
Ngân hàng cũng đang triển khai hàng loạt gói cho vay ưu đãi cho từng đối tượng khách hàng. Trong đó, với khách hàng doanh nghiệp lớn, Techcombank triển khai gói ưu đãi lãi suất dành cho khách hàng vay mới với mức lãi suất chỉ từ 5,5%/năm.
Với khách hàng hiện hữu, ngân hàng vẫn đang duy trì biểu lãi suất ưu đãi cho các khách hàng có lịch sử tín dụng tốt cũng như chọn Techcombank là ngân hàng giao dịch chính, sử dụng đa dạng các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp do ngân hàng cung cấp với mức lãi suất dao động từ 4,5 - 6,5%/năm.
Doanh nghiệp vừa và nhỏ sẽ được phê duyệt trước với hạn mức tín dụng tới 20 tỷ đồng, tín chấp tới 10 tỷ đồng. Khách hàng cá nhân được hỗ trợ vay chuyển nhượng bất động sản đang thế chấp với lãi suất từ 5,5%/năm, miễn trả nợ gốc lên đến 24 tháng...
Bà Đinh Thị Thu Thảo - Giám đốc Khách hàng cá nhân của ACB - cũng cho biết, tổng dư nợ cho vay của ACB trong quý I/2024 đạt 3,7% tương ứng gần 18.000 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng tín dụng khách hàng cá nhân là 3,8%, doanh nghiệp là 3,5%. Xét về tỷ trọng dư nợ cá nhân nói riêng, cho vay hộ sản xuất kinh doanh chiếm 50%; cho vay mua nhà chiếm 30% và tiêu dùng 20%.
Theo bà Thảo, chính sách cho vay lãi suất thấp là một trong những điều kiện để ACB thúc đẩy tín dụng ra thị trường, trong đó năm 2024, ngân hàng tập trung hướng đến doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp vừa và doanh nghiệp lớn bên cạnh việc giữ vững vị thế phân khúc KHCN và SME. ACB tập trung cho vay các nhóm ngành Dệt may, Nông sản, Xuất Nhập khẩu, các doanh nghiệp có dòng tiền, có doanh thu..., qua đó thu phí từ các dịch vụ đối với các doanh nghiệp mà ngân hàng định vị.
"ACB ngay từ đặt khẩu vị tín dụng chặt chẽ, kiểm soát nợ quá hạn tốt. Chúng tôi tự tin với tín dụng năm nay đến cuối quý II có thể tăng trưởng lũy kế đạt 9%", bà Thảo chia sẻ.
Dưới góc độ đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, chia sẻ tại hội thảo "Khơi thông nguồn vốn ra thị trường" do báo Tuổi trẻ tổ chức, ông Nguyễn Đình Tuệ - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa TP.HCM - cho rằng, thực tế nhu cầu vốn của doanh nghiệp hiện nay còn chậm, vì doanh nghiệp vẫn khó về đầu ra và trong điều kiện tiếp cận vốn. Do đó, ông Tuệ đề xuất cần có sự hợp sức của Nhà nước - Ngân hàng - Doanh nghiệp để thúc đẩy tín dụng.
Cụ thể, Nhà nước cần tăng cường các giải pháp kích cầu tiêu dùng, kích cầu đầu tư, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công. Còn phía ngân hàng - trong vai người cho vay nên hạ lãi suất đối với các khoản vay cũ, đồng thời tiếp tục đơn giản thủ tục cho vay, tăng cho vay tín chấp…
Đối với người đi vay, doanh nghiệp cần chủ động ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, tiết kiệm chi phí, giảm giá thành… qua đó, đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm.
Nhận định về lãi suất trên thị trường, PGS-TS Phạm Thị Thanh Xuân, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu phát triển Công nghệ Ngân hàng - Trường Đại học Kinh tế Luật, đánh giá lãi suất hiện đã thấp nhưng cần duy trì trong thời gian đủ dài để có thể thẩm thấu vào nền kinh tế. Đặc biệt là lãi suất hiệu dụng phải hạ để đi vào thực tế chứ không chỉ hạ ở lãi suất danh nghĩa.
Lãi suất thấp sẽ phát huy được khi nền kinh tế ở pha phục hồi. Cộng với hiệu ứng từ việc các ngân hàng vừa công bố công khai biểu lãi suất cho vay sẽ giúp cho thị trường công khai và minh bạch hơn. Kỳ vọng từ việc công khai lãi suất cho vay này sẽ khiến dòng vốn điều hướng về phía những ngân hàng có mức lãi suất thấp hơn và các ngân hàng sẽ phải cạnh tranh với nhau về dịch vụ.
Nhìn lại lịch sử của nhiều năm, theo bà Xuân, lãi suất cho vay đang thấp ở mức tương đối, tuy nhiên vẫn có sự cách biệt giữa các kỳ hạn cũng như đối tượng vay vốn. Các ngân hàng đang theo chiến lược thu hút vốn ngắn, xoay vòng ngắn, lãi suất huy động đang có dấu hiệu nhích lên.
Nhấn mạnh chủ trương thúc đẩy tín dụng ra nền kinh tế, Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cũng cho biết, về nguồn vốn, ngân hàng không thiếu, "huy động đến đâu cho vay hết đến đó, chưa kể các nguồn vốn có khác trong tổng vốn của ngân hàng".
Theo ông Tú, hiện toàn hệ thống triển khai rất nhiều các chương trình ưu tiên ưu đãi, bản thân NHNN và các ngân hàng thương mại cũng đã ra các gói tín dụng ưu đãi vừa để khuyến khích, vừa tạo động lực cũng như tập trung các lĩnh vực ưu tiên. Đơn cử gói 120.000 tỷ cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, gói 30.000 cho thủy hải sản, lâm nghiệp…
Bên cạnh đó, ngành ngân hàng cũng ứng dụng các công nghệ để có thể hỗ trợ hoạt động tín dụng, đặc biệt là quy trình thủ tục cho vay. Rất nhiều ngân hàng ứng dụng công nghệ cho vay thời gian chỉ vài ngày qua chương trình trực tuyến giảm thời gian, thủ tục cho doanh nghiệp khi tiếp cận vốn.
Chính sách tín dụng cho vay tiêu dùng được đặt ra để thúc đẩy vay tiêu dùng - lĩnh vực rất chính yếu cho nền kinh tế. Cùng với đó, một lĩnh vực rất quan trọng, NHNN cũng đang tập trung tháo gỡ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa và hợp tác xã.
Có thể bạn quan tâm
GRDP TP.HCM tăng cao nhất 5 năm, tín dụng tăng tích cực
14:00, 04/04/2024
Sớm ban hành Danh mục phân loại để thúc đẩy phát triển tín dụng xanh
03:00, 04/04/2024
Cần hoàn thiện pháp lý cho phát triển tín dụng xanh
16:00, 03/04/2024
Agribank triển khai 8.000 tỷ đồng tín dụng ưu đãi cho ngành lâm, thủy sản
15:57, 01/04/2024
Bất cập “siết” hồ sơ tín dụng
03:18, 30/03/2024
Cần chính sách ưu tiên tín dụng để phát triển vận tải đường thủy
04:00, 29/03/2024