Ưu tiên khuyến khích đầu tư là rất cần thiết, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh, tuy nhiên cần chọn trúng, đúng đối tượng, công bằng và minh bạch.
>>>Dự thảo chính sách về Quỹ Hỗ trợ đầu tư chưa hỗ trợ doanh nghiệp
Bộ KH&ĐT đang đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ Hỗ trợ đầu tư.
Theo dự thảo, dự kiến có 6 nhóm đối tượng được xem xét hỗ trợ đầu tư bao gồm: doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao; doanh nghiệp công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao; doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển; doanh nghiệp có dự án xanh/tăng trưởng xanh trọng điểm và doanh nghiệp Việt Nam dẫn dắt, tiên phong.
Các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ đầu tư phải đáp ứng các tiêu chí về vốn đầu tư hoặc doanh thu như: doanh nghiệp có dự án đầu tư trong lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao với doanh thu của dự án từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc quy mô vốn đầu tư của dự án từ 12.000 tỷ đồng.
Doanh nghiệp công nghệ cao đạt doanh thu từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc có dự án đầu tư với quy mô vốn đầu tư từ 12.000 tỷ đồng. Doanh nghiệp có dự án ứng dụng công nghệ cao với doanh thu của dự án từ 20.000 tỷ đồng/năm hoặc quy mô vốn đầu tư của dự án từ 12.000 tỷ đồng và doanh nghiệp có dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển với quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng.
Các doanh nghiệp được hưởng hỗ trợ do đáp ứng tiêu chí vốn đầu tư thì còn phải đồng thời thỏa mãn điều kiện về giải ngân như sau: Đối với dự án đầu tư được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hay giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương từ ngày Nghị định này có hiệu lực phải hoàn thành giải ngân tối thiểu 12.000 tỷ đồng trong thời hạn 05 năm hoặc 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp lần đầu.
Đối với các dự án đầu tư đã đăng ký vốn đầu tư tối thiểu 12.000 tỷ đồng theo Giấy chứng nhận đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc các giấy tờ khác có giá trị pháp lý tương đương được cấp lần đầu hoặc điều chỉnh trước ngày Nghị định này có hiệu lực thì thời hạn hoàn thành giải ngân thực hiện theo các văn bản đã được cấp.
Dự án đầu tư trung tâm nghiên cứu và phát triển cũng cần hoàn thành giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 03 năm kể từ ngày được cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc giấy tờ pháp lý có giá trị tương đương.
Dự thảo nêu rõ, hình thức hỗ trợ một phần cho các chi phí đã thực tế phát sinh của doanh nghiệp bao gồm: hỗ trợ chi phí đào tạo, phát triển nguồn nhân lực; hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển; hỗ trợ chi phí đầu tư tạo tài sản cố định; hỗ trợ chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao và hỗ trợ chi phí đầu tư hệ thống công trình hạ tầng xã hội. Phương thức hỗ trợ là chi hỗ trợ trực tiếp bằng tiền cho doanh nghiệp được hỗ trợ...
Theo dự thảo, Quỹ Hỗ trợ đầu tư là quỹ tài chính nhà nước, mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và hoạt động theo quy định tại Nghị định này. Theo đó, Quỹ hoạt động theo các quy định đặc thù tại Nghị định và các quy định khác có liên quan.
Nguyên tắc hoạt động không vì mục đích lợi nhuận; chịu trách nhiệm trong phạm vi hỗ trợ của mình; hỗ trợ đúng đối tượng đáp ứng điều kiện theo quy định.
Nhiệm vụ của Quỹ gồm: tiếp nhận, quản lý và sử dụng các nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ, thực hiện chi hỗ trợ đầu tư đúng cho các đối tượng đáp ứng điều kiện và được hưởng hỗ trợ; Hỗ trợ Hội đồng xét duyệt lựa chọn tư vấn thẩm tra; và lập dự toán ngân sách, đề nghị bổ sung ngân sách (nếu cần), báo cáo quyết toán ngân sách.
>>>Quỹ Hỗ trợ đầu tư: “Nới” điều kiện với doanh nghiệp công nghệ cao
Trước đó, đóng góp ý kiến cho dự thảo, ông Seck Yee Chung, đại diện Nhóm Công tác Thuế và Hải quan của Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) cho rằng, quy định đối tượng ưu đãi của Dự thảo Nghị định về thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư còn quá hẹp. Cụ thể, điều kiện về quy mô vốn hoặc doanh thu rất cao, dẫn đến chỉ có số lượng rất ít doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ cao có thể đạt được. Mặt khác, đối tượng của chính sách chưa bao gồm đầy đủ nhóm các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao hay các nhà đầu tư chiến lược.
Vì vậy, Nhóm công tác Thuế và Hải quan kiến nghị bổ sung đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong các khu công nghệ cao (tập đoàn lớn có quy mô đầu tư ở Việt Nam từ 20.000 tỷ đồng hoặc từ 1 tỷ USD trở lên) và các doanh nghiệp/dự án trong các lĩnh vực sản xuất khác có tổng vốn đầu tư như trên.
Ông Seck Yee Chung cũng lưu ý rằng, trong khi chính sách luôn được quan tâm gỡ khó thì vấn đề lại nằm ở việc áp dụng các quy định, chính sách.
Theo đó, việc áp dụng các quy định, chính sách vẫn còn tồn tại một số bất cập, chưa thực sự tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Một số quy định trong các văn bản vẫn còn mâu thuẫn nhau, gây khó khăn trong quá trình áp dụng, cản trở quá trình đầu tư thông suốt của doanh nghiệp.
Trong khi đó, ông Phạm Minh Cao, Phó giám đốc Đối ngoại của Hyosung băn khoăn về quy định dự án phải được giải ngân trong vòng 3 năm. Theo ông Cao, những công ty như Hyosung phải cần thời gian nhiều mới có thể đạt yêu cầu giải ngân, “Chúng tôi đầu tư trong lĩnh vực công nghệ sinh học thì có thể không thể giải ngân trong vòng 3 năm được, mà có khi phải 5-10 năm mới giải ngân hết nguồn lực 12.000 tỷ đồng, vì phải vừa đầu tư vừa nghiên cứu”, ông Cao nói.
Từ đó, ông Cao cũng đưa ra đề xuất việc hỗ trợ đầu tư trên tổng thể quy mô toàn tập đoàn. Vì nếu tính riêng từng dự án thì có thể không đáp ứng được tiêu chí 12.000 tỷ đồng, nên sẽ không nhận được hỗ trợ từ Quỹ Hỗ trợ đầu tư theo dự thảo.
Chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú lưu ý, để khuyến khích, thu hút các nhà đầu tư chiến lược, các tập đoàn đa quốc gia và hỗ trợ các doanh nghiệp trong nước đối với một số lĩnh vực cần khuyến khích đầu tư là rất cần thiết, đặc biệt đối với lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ xanh là hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên cần chọn trúng và đúng đối tượng để đầu tư, cần công bằng, rõ ràng, minh bạch và có quản lý, giám sát chặt chẽ.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 30/03/2024
03:00, 21/03/2024
03:30, 08/03/2024