Hiệp định tự do thương mại Việt Nam – EU (EVFTA) được thực thi sẽ góp phần đẩy mạnh dòng vốn đầu tư nước ngoài (FDI) từ EU vào Việt Nam với dòng vốn chất lượng cao, các nhà đầu tư lớn và đặc biệt là hiện thực hoá các tiêu chuẩn thể chế kinh tế hiện đại của thế giới.
Đó là nhận định được đưa ra tại phiên thảo luận về kỳ vọng của EVFTA trong khuôn khổ Lễ công bố Sách Trắng của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam mới đây.
Luật đầu tư nước ngoài tạo được hiệu ứng tốt
Bà Nguyễn Thị Thu Trang – Giám đốc Trung tâm WTO thuộc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết: “Có hai yếu tố ảnh hưởng đến sự thành công của việc thực thi chính sách đầu tư của Việt Nam đó là nhìn ở góc độ kinh tế, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, tăng trưởng GDP cao, thu hút FDI vượt bậc, Việt Nam tham gia vào sân chơi WTO và tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã ký 10 FTA.
Ngoài ra, xét ở góc độ thể chế, năm 2005 Việt Nam đã có Luật đầu tư, trong đó không phân biệt nhà đầu tư nước ngoài hay nhà đầu tư trong nước. Trong quá trình hội nhập thực sự vào nền kinh tế thế giới, chính sách thu hút đầu tư của Việt Nam đã được điều chỉnh theo hướng mở với doanh nghiệp FDI, tương thích với xu hướng thương mại mở cửa của thế giới.
Ông Nicolas Audier, Đồng Chủ tịch EuroCham cho rằng, sự thay đổi lớn nhất của Việt Nam sau 30 năm thu hút đầu tư đó là đối thoại và mở cửa chính sách. Nếu nhìn trong một khoảng thời gian ngắn, thì không thể nhận thấy được sự thay đổi, nhưng khi nhìn rộng ra, đã có những thay đổi rõ rệt. Cụ thể, thời điểm những năm 1998 – 1999, EuroCham đã thực hiện các chương trình đối thoại với Chính phủ Việt Nam, đối thoại với UBND Thành phố Hồ Chí Minh, Thành phố Hà Nội và chỉ ra những bất cập khi đó. Đây là minh chứng cho sự thay đổi hướng tới nền kinh tế thị trường của Việt Nam. Vì thế, số doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam đã tăng lên hàng nghìn doanh nghiệp, cho thấy sức hút mạnh mẽ dòng vốn FDI đổ vào Việt Nam. Bên cạnh Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) thì Hiệp định EVFTA cho thấy sự hội nhập mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ mới.
Doanh nghiệp Việt Nam – EU chuẩn bị như thế nào?
Mối quan hệ giữa doanh nghiệp Việt Nam – EU đó chính là cộng hưởng, song hành và bổ trợ lẫn nhau, vì vậy theo các chuyên gia dòng vốn FDI từ EU vào Việt Nam sẽ là dòng vốn có chất lượng cao, cùng với các sản phẩm, dịch vụ chất lượng. Bên cạnh đó, các loại thuế quan sẽ được giảm, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và mối quan hệ thương mại giữa cộng đồng doanh nghiệp hai bên sẽ được thúc đẩy mạnh mẽ. Tuy nhiên, song hành với cơ hội thì đó là thách thức.
Được biết, ngay từ khi EVFTA kết thúc đàm phán năm 2016, VCCI đã xây dựng kế hoạch bao gồm 2 phần. Một là làm thế nào để các doanh nghiệp Việt Nam đều hiểu được các cam kết EVFTA, các cam kết này ảnh hưởng như thế nào tới cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và từ đó chuẩn bị tốt nhất, và đối mặt với những khó khăn có thể có khi Hiệp định này được thực thi. Hai là, đối với các cơ quan Chính phủ, VCCI đã cùng các Bộ, ngành rà soát hệ thống và thể chế pháp luật của Việt Nam, từ đó tiến tới thực thi các cam kết của Hiệp định EVFTA, đặc biệt là những cam kết ở góc độ thể chế.
Ngoài ra, theo bà Trang, nhân cơ hội này, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam cũng mong muốn làm được những cam kết trong khuôn khổ của EVFTA về thực hiện cải cách thể chế bởi điều này xuất phát từ nhu cầu của chính doanh nghiệp Việt Nam chứ không phải vì sức ép từ việc thực thi hiệp định này.
“Trong 2 năm qua, những cam kết trong khuôn khổ Hiệp định này đã được VCCI hiện thực hoá bằng hành động, đó là tóm tắt từng chương của EVFTA có liên quan đến doanh nghiệp để doanh nghiệp Việt Nam hiểu rõ hơn để tận dụng được lợi thế của Hiệp định, biến những cơ hội từ Hiệp định thành hiện thực”, bà Trang cho biết thêm.
Sự phối hợp giữa cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam – EuroCham trong việc chuẩn bị sẵn sàng tận dụng các cơ hội từ EVFTA là hết sức quan trọng. Bởi khi doanh nghiệp đã sẵn sàng, Chính phủ sẽ nhanh chóng đi tới ký kết.