Doanh nghiệp

Doanh nghiệp đồ uống xác định phát triển sản xuất thông minh là "kim chỉ nam"

Thy Hằng 27/04/2025 10:33

Theo đó, phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, lấy sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường làm “kim chỉ nam”, từ đó xây dựng vị thế vững chắc trong tương lai.

Tại “Hội thảo phát triển công nghiệp đồ uống 2025: Sản xuất thông minh – Vị ngon lành mạnh; Tiết kiệm năng lượng – Bảo vệ môi trường”, TS Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) cho biết, sau giai đoạn suy giảm vì dịch Covid-19 và tác động của Nghị định 100, ngành bia đã ghi nhận mức tăng trưởng dương năm thứ hai liên tiếp, với sản lượng năm 2024 tăng 2% so với năm trước.

ys-265.jpg
Hội thảo phát triển công nghiệp đồ uống 2025: Sản xuất thông minh – Vị ngon lành mạnh; Tiết kiệm năng lượng – Bảo vệ môi trường do Hiệp hội Bia-Rượu-Nước giải khát Việt Nam (VBA) tổ chức.

Theo Chủ tịch VBA, ngành đồ uống đã có sự chuyển mình mạnh mẽ trong điều kiện “bình thường mới” trước những đòi hỏi khắt khe hơn từ người tiêu dùng, từ nhu cầu thị trường và từ các yêu cầu về bảo vệ môi trường hướng tới phát triển bền vững.

“Để đáp ứng được các yêu cầu mới, các doanh nghiệp ngành đồ uống đã phải tìm kiếm, trao đổi, chia sẻ thông tin về đổi mới công nghệ, tối ưu hóa quy trình sản xuất, cải tiến bao bì theo hướng thân thiện với môi trường. Đó không chỉ là xu thế mà còn là yêu cầu tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh”, ông Việt nhấn mạnh.

Đồng thời cho biết, để có thể trụ vững trên thị trường, tối ưu hóa các chi phí để hướng tới việc cải cách mạnh mẽ quy trình sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các hệ thống mới, tiên tiến, hiện đại với quy trình giám sát chặt chẽ để cuối cùng, hướng tới những công nghệ sản xuất tiết kiệm nhiên liệu, bảo vệ môi trường.

Đặc biệt, Chủ tịch VBA cũng cho rằng, cùng với việc chấp hành nghiêm túc các quy định như nghĩa vụ tái chế EPR, Luật Bảo vệ môi trường, ngành đồ uống cần mạnh dạn đầu tư vào sản xuất tiết kiệm năng lượng, tận dụng năng lượng tái tạo và đẩy mạnh tái chế phụ phẩm để vừa giảm chi phí, vừa tạo dựng niềm tin với người tiêu dùng.

Theo lãnh đạo VBA, việc mạnh dạn đầu tư vào các công nghệ sản xuất tiết kiệm năng lượng, tái chế phụ phẩm, các ngyên liệu thay thế, sử dụng năng lượng tái tạo sẽ giúp ngành đồ uống Việt Nam không chỉ hội nhập nhanh hơn với xu thế quốc tế mà còn đảm bảo phát triển dài hạn trên nền tảng bền vững.

Đồng quan điểm, ông Jason Peng, Cố vấn cấp cao và chuyên gia ngành thực phẩm - đồ uống nhận định, xu hướng người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến các sản phẩm tốt cho sức khỏe và giàu dinh dưỡng. Do đó, bên cạnh đầu tư R&D, sự đổi mới sẽ là động lực then chốt cho ngành đồ uống, bao gồm đổi mới về sản phẩm, bao bì và chiến lược tiếp thị.

“Đặc biệt, phát triển bền vững sẽ là động lực chung của toàn ngành. Việc giảm rác thải bao bì, sử dụng vật liệu thân thiện với môi trường là mục tiêu và trách nhiệm quan trọng của mỗi doanh nghiệp”, ông Jason Peng nhấn mạnh.

Theo ông Jason Peng, năm 2024 tổng doanh thu thị trường đồ uống Nhật Bản đạt 4,45 ngàn tỷ Yên. Mức tiêu thụ đồ uống bình quân đầu người của Nhật Bản ước đạt 187,1 lít/người/năm.

Nhóm sản phẩm đồ uống tăng trưởng nổi bật gồm cà phê với mức tăng trưởng 12,2%, nước khoáng tăng trưởng 13,4% do người dân ngày càng chú trọng đến các loại nước uống tốt cho sức khỏe.

Trong khi đó, doanh thu ngành đồ uống Trung Quốc đạt 534,8 tỷ nhân dân tệ. Mức tiêu thụ tiêu thụ bình quân đầu người Trung Quốc là 151,3 lít/người/năm. Nhóm sản phẩm tăng trưởng nổi bật tại Trung Quốc gồm đồ uống từ trà và các loại đồ uống chức năng, chuyên biệt.

ys-252.jpg
Doanh nghiệp xác định phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, lấy sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường làm “kim chỉ nam”, từ đó xây dựng vị thế vững chắc trong tương lai.

Chia sẻ từ góc độ doanh nghiệp, đại diện Công ty Thiết bị thông minh Hàng Châu (Trung Quốc) nhìn nhận, ngành đồ uống của Trung Quốc và Việt Nam có tính bổ trợ lẫn nhau. Đáng chú ý, thị trường đồ uống Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nên công ty rất quan tâm đến việc đầu tư tại đây.

Quả thực là như vậy, theo bà Chu Thị Vân Anh, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký VBA, thị trường đồ uống tại Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng vượt trội trong 5 năm tới. Ngành Đồ uống đóng góp gần 2% vào GDP, chiếm 5,6-6% tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp, đóng góp trên 60 nghìn tỷ đồng (gần 3%) vào tổng thu ngân sách nhà nước, thu hút đầu tư FDI và tạo hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trong chuỗi cung ứng.

Ngành đồ uống có được nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra nhiều thách thức về xu hướng tiêu dùng mới. Người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho đồ uống không thiết yếu, hướng tới xu hướng tiêu dùng các sản phẩm có lợi cho sức khỏe, có nguồn gốc tự nhiên, ít calo, ít đường... Các doanh nghiệp tập trung vào phát triển bền vững, công nghệ sản xuất xanh và bao bì thân thiện với môi trường, sử dụng các nguyên liệu tự nhiên.

Ngành Đồ uống Việt Nam đang còn nhiều tiềm năng để phát triển với chuỗi cung và kênh phân phối đa dạng; nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường năng động, có độ mở và hội nhập lớn… Tuy nhiên, ngành Đồ uống đã và đang có những hạn chế từ những chính sách liên quan như Luật Thuế TTĐB; Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia, Luật Quảng cáo, Luật Bảo vệ môi trường…. Do đó, tại Hội thảo, đại diện Công ty Youngsun giới thiệu về quy trình công nghệ sản xuất vô trùng Aseptic thông minh, ACERETECH giới thiệu công nghệ tái chế chai PET đạt chuẩn thực phẩm.

Các ý kiến tại Hội thảo đã thống nhất hướng đi chiến lược, phát triển ngành đồ uống theo mô hình sản xuất thông minh, lấy sức khỏe cộng đồng và bảo vệ môi trường làm “kim chỉ nam”, từ đó xây dựng vị thế vững chắc trong tương lai.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp đồ uống xác định phát triển sản xuất thông minh là "kim chỉ nam"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO