Sản xuất khẩu trang, kinh doanh nông sản, thực phẩm,... là cách "xoay trục" của các công ty du lịch nhằm mong trụ lại trước đợt tấn công lần thứ hai của đại dịch COVID-19.
Tình trạng hủy dịch vụ dây chuyền, từ tour, vé máy bay, dịch vụ nhà hàng, phòng khách sạn, hội nghị... diễn ra dồn dập khiến nhiều doanh nghiệp đang đến ngưỡng không thể chống chọi.
"Tất bật vì hoãn - hủy"
Hai tuần vừa qua là thời gian các doanh nghiệp ngành du lịch tất bật với bao nhiêu việc nhưng không phải vì nhiều tour, tuyến, khách hàng mà là để giải quyết vấn đề hủy, hoãn tour khi dịch Covid-19 lại bùng phát. Theo thống kê sơ bộ của Sở Du lịch TP.HCM, từ khi dịch Covid-19 lần hai bắt đầu, đến nay đã có hơn 35.000 chương trình du lịch gồm tour trọn gói, tour tự chọn, các dịch vụ khách sạn, vé máy bay, điểm tham quan... của các doanh nghiệp bị hủy, hoãn.
Đến nay, khi dịch bệnh lan rộng hơn, không những tour đến khu vực có dịch, tour cho mùa Hè mà hàng loạt sự kiện hội họp, ẩm thực cũng bị hủy trên diện rộng. Hiện đã có hàng nghìn chương trình du lịch chương trình đi Phú Quốc, Nha Trang, Hà Nội, Đà Lạt... cũng bị hủy. Không chỉ các doanh nghiệp tại TP.HCM, doanh nghiệp du lịch của nhiều địa phương cũng trong tình trạng tương tự. Theo đại diện của bookingthongminh.com, chỉ trong 5 ngày (từ 27-31/7/2020), công ty đã xử lý việc hủy, dời chuyến cho 1.000 vé đi Phú Quốc, Hà Nội, Chu Lai... của 4 hãng hàng không. Ông Nguyễn Như Nam - Tổng giám đốc Công ty CP Du lịch Việt Nam (TravelMart) cho biết, trong tháng 8 này công ty có khoảng 10.000 khách từ Đà Nẵng du lịch đến các địa phương khác như Hạ Long, Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn, Phú Yên... nhưng cũng rục rịch hủy tour.
Doanh thu ngành du lịch TP.HCM bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Tính đến tháng 7/2020, khách du lịch đến TP.HCM chỉ đạt 9,4 triệu lượt, giảm 54,7% so với cùng kỳ năm 2019, doanh thu đạt hơn 34.000 tỳ đồng, giảm 49,6% so với cùng kỳ năm trước. Khách du lịch quốc tế đến thành phố chỉ đạt 1,3 triệu lượt, giảm 70% so với năm trước. Tương tự, doanh thu du lịch lữ hành 7 tháng đầu năm của Đà Nẵng đã giảm đến 58,6% so với cùng kỳ năm 2019. Sự bùng phát bất ngờ của dịch Covid-19 tại thành phố này, vốn đang trong mùa cao điểm du lịch một lần nữa khiến các hoạt động bị tê liệt, các kế hoạch kích cầu, lễ hội trong thời gian tới đều bị tạm hoãn hoặc hủy bỏ.
Theo các chuyên gia, đợt dịch bệnh này sẽ khiến các doanh nghiệp khó khăn gấp bội, thậm chí sẽ có làn sóng DN rời thị trường nhiều hơn. Trước khi có đợt bùng phát dịch lần này, doanh nghiệp ngành du lịch đã cực kỳ khó khăn. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, 7 tháng qua, doanh thu dịch vụ lữ hành ước tính đạt 11,1 nghìn tỷ đồng, giảm 55,4% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu mảng dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt gần 281 nghìn tỷ đồng, giảm 16,6% so với cùng kỳ năm ngoái. Vận tải hàng không chỉ đạt 20,8 triệu lượt khách, giảm 35,8% so với cùng kỳ. Một số địa phương có thế mạnh về du lịch như Khánh Hòa, TP.HCM, Vũng Tàu, Cần Thơ, Quảng Ninh sụt giảm từ 50-70%.
Nhiều DN cho biết không thể chống chịu trước tình trạng suy giảm lượng khách, sụt giảm doanh thu quá mạnh và lâu dài.
Xoay trục nhanh chóng
Ông Trần Văn Long, Tổng giám đốc Công ty Du Lịch Việt cho biết ngay khi dịch COVID-19 xuất hiện, chúng tôi đóng cửa gần như toàn bộ hoạt động du lịch. Hàng trăm nhân sự dồn lực để làm khẩu trang, từ sắp xếp, đóng hộp sản phẩm đến trực tiếp bán hàng, tư vấn cho khách hàng. Công ty hy vọng có thể ký hợp đồng nhiều hơn và duy trì công ăn việc làm cho nhân viên đến hết năm.
Một mình làm khẩu trang thì sẽ khó khăn, ông Long tận dụng mối quan hệ trong ngành du lịch trước đây để nhập khẩu máy móc và bắt tay với Công ty Cổ phần Đầu tư Ecom Net để phân phối độc quyền các sản phẩm khẩu trang y tế, trang phục chống dịch, trang phục y tế và các sản phẩm y tế dùng một lần.
Đầu tháng 8 vừa qua, 10.000 chiếc khẩu trang y tế của Ecom Net đã vinh dự được Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ lựa chọn để trao tặng cho bang Maryland nhằm giúp hỗ trợ kiểm soát dịch bệnh. Đồng thời, trong nước, 10.000 khẩu trang y tế cũng đã được Ecom Net chuyển đến Bệnh Viện ở Quảng Nam.
TransViet Group, doanh nghiệp có tiếng trong ngành du lịch gần đây cũng đẩy mạnh kinh doanh các mặt hàng nông sản, bột dinh dưỡng, cỏ lúa mì ...
Ông Hoàng Đức Huy, CEO TransViet Travel chia sẻ với báo chí, công ty vốn kinh doanh nhiều lĩnh vực, trong đó có nông sản sạch từ trang trại tại Đà Lạt. Doanh thu từ kinh doanh nông sản ổn định nhất ngay cả trong bối cảnh dịch bệnh từ cuối năm ngoái đến nay. Khi du lịch gặp khó khăn, doanh nghiệp càng muốn tập trung đẩy mạnh mảng nông sản.
Ông Trần Trọng Kiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Du lịch Thiên Minh, đã chia sẻ 3 cách mà ông áp dụng để trong Thiên Minh.
Theo ông Trần Trọng Kiên, trong hoàn cảnh như trên, cơ hội duy nhất cho doanh nghiệp là phục vụ nhu cầu nội địa dù nhu cầu này cũng đã giảm rất nhiều.
Thiên Minh đã tiến hành cắt giảm 5 dự án, trong đó có dự án đầu tư liên doanh khách sạn. Dự án này có từ 3 năm trước, định triển khai trong năm 2020 nhưng phải dừng lại. Dự án hãng hàng không Cánh Diều cũng sẽ chậm trong vòng 2 năm.
Chi phí tiếp theo bị cắt giảm là lương. Hội đồng quản trị không nhận lương hoặc lương chỉ còn 10 đến 20% cho đến năm 2021. Bên cạnh đó, Thiên Minh cũng tìm cách "gộp" các nhóm tài sản với nhau để giảm bớt nhân sự quản lý.
Tiếp theo là thay đổi mô hình kinh doanh phù hợp. Thiên Minh đã biến tài sản của mình thành nơi kinh doanh phục vụ người dân địa phương. Nhà hàng, quán cà phê, phòng tập, bể bơi… đều trở thành những địa điểm phục vụ người dân địa phương.
Tháng 4, Thiên Minh chuyển hướng bán thực phẩm tươi sống cho người dân. Khi người dân ở nhà, không muốn ra ngoài, tập đoàn đã kết hợp với các đơn vị giao hàng để tiếp cận với khách hàng. Bên cạnh đó, Thiên Minh còn kết hợp với ngân hàng, để khách hàng mua lương thực trong vòng 6 tháng mà không cần trả tiền trước….
Theo ông Kiên, với những công ty nhỏ ở những nơi quy mô kinh tế nhỏ, việc tạo ra các sản phẩm đặc thù, giá cả phải chăng để phục vụ khách nội địa là một cách làm rất ý nghĩa. Khách nội địa không phải là những người có mức chi trả thấp. Họ chỉ chưa biết hết các sản phẩm độc đáo, khác biệt - vốn là "đặc sản" của các khách sạn hạng sang để phục vụ du khách.
Trước tình cảnh quá khó khăn của DN, các hiệp hội, hội ngành nghề đang đề xuất các phương án “giải cứu “ ngành du lịch và cũng đã gửi kiến nghị đến các cơ quan quản lý nhằm hỗ trợ DN vượt qua đại dịch. Theo bà Nguyễn Thị Khánh - Phó chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch TP.HCM (Hiệp hội), Hiệp hội đã có văn bản gửi các cơ quan quản lý về du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước để kêu gọi liên kết hỗ trợ DN lữ hành trong việc đàm phán hủy, hoãn tour trong giai đoạn Covid-19. Theo chia sẻ của bà Nguyễn Thị Khánh, khi hủy tour, khách yêu cầu công ty lữ hành hoàn tiền 100%, chỉ có một số người đồng ý hoãn chuyến vào thời gian thích hợp. Điều này khiến các DN lữ hành chịu áp lực rất lớn khi thực hiện việc hoàn tiền cho khách nhưng không được trả lại các khoản ứng trước, đặt cọc hoặc các khoản đã thanh toán dịch vụ cho nhà cung cấp vận chuyển, lưu trú, nhà hàng, hàng không... Do đó, Hiệp hội đề nghị các cơ quan quản lý du lịch, hiệp hội du lịch các địa phương trên cả nước vận động đơn vị cung ứng dịch vụ chia sẻ tổn thất và thiệt hại, không phạt hủy, hoãn tour, đồng thời hoàn tiền cho DN lữ hành để tạo điều kiện cho DN thanh toán với khách hàng. |
Có thể bạn quan tâm