Các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) đình đám gần đây trong ngành dược từ khối ngoại, các tập đoàn đa quốc gia cho thấy sức hút của thị trường dược Việt Nam.
Tiềm năng lớn của thị trường dược là một trong những lý do quyết định khiến các doanh nghiệp FDI tìm cách “thâu tóm” doanh nghiệp dược trong nước. Theo thống kê chưa đầy đủ, 60% tổng chi phí khám chữa bệnh của người bệnh là dành cho dược phẩm, vì vậy dư địa của ngành dược Việt Nam được dự báo sẽ tăng từ mức 5,2 tỷ USD năm 2017 lên 7,2 tỷ USD vào năm 2020.
Sự áp đảo của doanh nghiệp dược phẩm ngoại
Mới đây nhất, ngành dược Việt Nam ghi nhận thương vụ giữa tập đoàn dược phẩm lớn thứ hai Ba Lan là Adamed Group đã thâu tóm 70% cổ phần của Công ty dược Đạt Vi Phú (Davipharm) với tổng giá trị thương vụ lên tới 50 triệu USD.
Theo báo cáo của Tập đoàn Adamed Group, Việt Nam là thị trường mang lại doanh thu lớn thứ 5 trong số các thị trường nước ngoài của tập đoàn này với thị phần chiếm khoảng 6,4%. Trước khi thực hiện thương vụ thâu tóm Davipharm, nhiều sản phẩm của Tập đoàn Adamed như Bisptol, Metazydyna, Pamlonor, Zolafrent, Copedina… đã được phân phối tại thị trường Việt Nam.
Bà Małgorzata Adamkiewicz, Tổng Giám đốc Adamed Group từng cho biết: “Adamed coi khoản đầu tư này như một chiến lược mở rộng hơn nữa thị phần của tập đoàn tại thị trường khu vực châu Á – Thái Bình Dương”.
Trước đó, hai nhà đầu tư ngoại là Magbi Fund Limited và Super Delta Pte đã chi ra khoảng 104 triệu USD để nhận chuyển nhượng hơn 40% cổ phần của Traphaco (TRA) từ các cổ đông cũ là Mekong Capital và Vietnam Holding Limited. Còn nhớ, năm 2008, Mekong Capital đã đầu tư vào Traphaco, khi ấy giá cổ phiếu của TRA mới chỉ ở quanh mức 12.000 VND/cổ phiếu. Tính đến thời điểm hiện tại, khoản đầu tư của Mekong Capital đã tăng gấp 10 lần, thu về 65 triệu USD. Đây là minh chứng cho thấy sự hấp dẫn của các khoản đầu tư trong ngành dược nói chung và cổ phiếu ngành dược nói riêng.
“Tăng lực” nào cho doanh nghiệp nội
Tuy nhiên, nhìn vào thực tế khách quan và chủ quan khiến doanh nghiệp nội khó có thể cạnh tranh trong thị trường dược ngay trên sân nhà ngoài những yếu tố chủ quan còn là do nhiều yếu tố khách quan. Theo nguồn thông tin từ Bộ Công Thương, 90% nguyên liệu dược phụ thuộc vào nhập khẩu do công nghiệp hoá chất cơ bản và công nghiệp hoá dầu Việt Nam chưa phát triển.
Một doanh nghiệp chuyên phân phối sản phẩm dược trên địa bàn Hà Nội cho biết: “Ngành dược phải gọi đầy đủ là một ngành tổng hợp của 5 trong 1 đó là khoa học, kĩ thuật, công nghiệp, kinh tế và y học. Trong 5 yếu tố này, khoa học, y tế, kỹ thuật, doanh nghiệp có thể làm chủ, còn lại các yếu tố kinh tế và công nghiệp phụ trợ, doanh nghiệp Việt đang thiếu”.
Đại diện doanh nghiệp này cũng mạnh dạn đề xuất, các doanh nghiệp dược nếu được một quỹ hỗ trợ vay vốn với lãi suất 0% như các ngành nông nghiệp và bất động sản, số lượng thuốc nhập khẩu của Việt Nam trong 10 năm sẽ có sự cải thiện rõ rệt”.