Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2025 (VPSF 2025) hướng tới xây dựng tiếng nói chung của cộng đồng doanh nhân tư nhân, thúc đẩy đổi mới và giám sát thực thi chính sách.
Chia sẻ với Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp, bà Phạm Thị Bích Huệ - Phó Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam, Trưởng Ban Tổ chức VPSF 2025 cho biết, VPSF 2025 không chỉ là nơi đối thoại chính sách mà còn là nỗ lực khai phóng tiềm năng doanh nhân tư nhân, thúc đẩy năng lực đổi mới, giám sát thực thi và kiến tạo đội ngũ lãnh đạo doanh nghiệp thích ứng với bối cảnh mới.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam hiện có hơn 20.000 hội viên trên khắp cả nước, là lực lượng đại diện tiêu biểu cho cộng đồng doanh nhân tư nhân, đặc biệt là khối doanh nghiệp vừa và nhỏ – nhóm chiếm tới khoảng 90% tổng số doanh nghiệp tại Việt Nam. Với hành trình phát triển hơn 32 năm, Hội hiểu rõ tâm tư, khó khăn cũng như tiềm năng của khu vực này.
Việc Hội Doanh nhân trẻ tổ chức Diễn đàn lần này mang ý nghĩa đặc biệt: tạo ra một sự cộng hưởng trong tiếng nói, một sự thống nhất trong hành động. Chúng tôi định hướng Diễn đàn không chỉ đại diện cho Hội Doanh nhân trẻ, mà sẽ trở thành không gian chung phản ánh đầy đủ và khách quan tiếng nói của toàn bộ cộng đồng doanh nhân tư nhân trên cả nước.
Chính tinh thần xây dựng một diễn đàn không bó hẹp trong khuôn khổ của Hội Doanh nhân trẻ mà hướng tới trở thành tiếng nói chung của toàn bộ khu vực kinh tế tư nhân, đã tạo nên điểm khác biệt rõ nét so với các kỳ Diễn đàn năm 2016 và 2017.
Điều làm nên khác biệt đầu tiên của VPSF 2025 là chúng tôi xác định rất rõ vai trò và trọng trách của doanh nhân tư nhân trong giai đoạn hiện tại, khi cả Chính phủ và các cơ quan quản lý nhà nước đều đang nhìn nhận khu vực kinh tế tư nhân là một trong những động lực tăng trưởng chủ chốt của nền kinh tế.
Diễn đàn năm nay nhấn mạnh vào tinh thần chủ động đổi mới và hoàn thiện chính mình trong cộng đồng doanh nhân tư nhân. Chúng tôi nhận thức rõ rằng, để đồng hành cùng các chính sách mới và thích ứng với một kỷ nguyên tăng trưởng khác biệt, doanh nghiệp không thể đứng yên mà cần liên tục tiến hóa, đổi mới và nâng cao năng lực nội tại.
Đó là lý do Diễn đàn năm nay hướng tới việc khai phóng tiềm năng, không chỉ ở cấp độ ngành hay tổ chức mà ngay trong từng cá nhân doanh nghiệp. Chúng tôi mong muốn mỗi doanh nghiệp không chỉ vượt qua điểm nghẽn trước mắt mà còn có thể vươn tầm, đưa Việt Nam ra thế giới.
Bên cạnh vai trò đối thoại, VPSF 2025 còn là nơi khởi phát một cam kết hành động cụ thể sau Diễn đàn, điển hình là việc công bố “Bộ tứ năng lực” dành cho cộng đồng doanh nhân tư nhân, dự kiến đây sẽ là bộ khung năng lực cốt lõi giúp doanh nghiệp thích nghi và phát triển trong kỷ nguyên mới.
Một điểm mới khác là cơ chế giám sát. Lần đầu tiên, Diễn đàn có một Ban Cố vấn hoạt động độc lập, gồm các chuyên gia, giáo sư, tiến sĩ có uy tín và nhiều kinh nghiệm phản biện chính sách. Ban Cố vấn sẽ giám sát toàn bộ kiến nghị, đảm bảo tính chính tắc, tính khả thi và theo dõi được hiệu quả sau Diễn đàn.
Chúng tôi cũng thành lập thêm Ban Giám sát và Ban Nội dung, đây là những đơn vị sẽ phối hợp triển khai cơ chế đánh giá thực thi theo từng địa phương, dựa trên bộ tứ nghị quyết của Chính phủ. Giai đoạn đầu, chúng tôi dự kiến triển khai thí điểm tại 15-20 tỉnh, trước khi nhân rộng ra toàn quốc.
Sau khi Diễn đàn ban hành Tuyên bố chung, chúng tôi với sự hỗ trợ của Ban Cố vấn, Ban Tổ chức và Ban Thư ký sẽ có những kiến nghị tổng hợp mang tính hệ thống. Nhưng điều quan trọng hơn là chúng tôi không muốn những kiến nghị đó dừng lại ở văn bản hay hội thảo. Chúng tôi sẽ xây dựng một bộ công cụ độc lập nhằm đánh giá mức độ sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân tại các địa phương. Bộ công cụ này sẽ giúp chúng tôi theo dõi, kiểm tra quá trình thực hiện sau Diễn đàn và từ đó phản ánh sự chuyển động thật sự của các địa phương.
Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam cam kết sẽ phối hợp cùng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan để triển khai chương trình đào tạo, bồi dưỡng 10.000 giám đốc điều hành theo đúng tinh thần điều 3, khoản 3, mục 4 của Nghị quyết Số 68-NQ/TW.
Với hơn 20.000 doanh nhân là hội viên, hoạt động ở đa dạng lĩnh vực, chúng tôi tin rằng đây là lực lượng tiên phong phù hợp nhất để triển khai chương trình này. Không chỉ là phát triển nội bộ doanh nghiệp, Hội còn nhìn nhận đây là trách nhiệm với xã hội - trách nhiệm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, đổi mới và nâng cao năng lực quản trị trong khu vực tư nhân.
Chúng tôi không chỉ mong muốn doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, mà còn mong muốn mỗi giám đốc điều hành tương lai sẽ trở thành hình mẫu lãnh đạo có năng lực công nghệ, tư duy chiến lược và khả năng thích ứng cao trong một thế giới biến động.