Nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống; gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo,... để phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
Nhiều nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ; hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trong khuôn khổ Ngày hội khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST VIETNAM 2021, ngày 31/10, Hội sáng chế Việt Nam kết hợp với Làng Sáng chế và Doanh nghiệp Đổi mới sáng tạo tổ chức hội thảo “Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo dựa trên sáng chế, công nghệ và tài sản trí tuệ”.
Hội thảo nhằm thúc đẩy các hoạt động đổi mới sáng tạo để tạo ra giá trị hữu ích cho cuộc sống; gắn quyền sở hữu trí tuệ với các hoạt động đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển, sản xuất kinh doanh để phục vụ phát triển kinh tế xã hội. Đồng thời kết nối mạng lưới nghiên cứu phát triển, ứng dụng, chuyển giao và thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ, sáng chế giữa các nhà sáng chế, các tổ chức nghiên cứu với doanh nghiệp.
Phát biểu khai mạc hội thảo, TS Trần Lê Hồng, Phó Cục trưởng Cục Sở hữu Trí tuệ nhận định trong bối cảnh hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ, các tài sản trí tuệ đã và đang trở thành bệ phóng cho khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Đây chính là một loại tài sản quan trọng của doanh nghiệp, giúp tạo ra ưu thế độc quyền, nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp nói riêng và cho năng lực cạnh tranh quốc gia.
Theo TS Trần Lê Hồng, trước thách thức của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, không có lựa chọn nào khác là phải làm chủ được công cụ này thông qua đầu tư cho việc tạo ra sáng chế, tài sản trí tuệ và khai thác chúng một cách hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh. Hiện, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam nhận thức rõ về điều này, không chỉ tạo ra sáng chế mà còn là những sáng chế nguồn nhằm làm chủ công nghệ, nắm thế độc quyền trên thế giới.
Tuy nhiên, có tình trạng các nhóm khởi nghiệp chỉ tập trung vào hình thành doanh nghiệp, kêu gọi vốn đầu tư, ít chú trọng đến việc tạo lập các tài sản trí tuệ mới, bảo hộ và khai thác các quyền sở hữu trí tuệ; hoặc có bảo hộ và khai thác nhưng chưa hiệu quả, gây không ít khó khăn cho hoạt động nghiên cứu sáng tạo, ứng dụng vào sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Trước vấn đề được đưa ra, các diễn giả đã cùng nhau thảo luận vấn đề chính sách hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp dựa trên tài sản trí tuệ. Các chuyên gia đề xuất đổi mới sáng tạo mở, xây dựng khung pháp lý hỗ trợ chuyển giao kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ.
Các chuyên gia chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp dựa trên sáng chế và khai thác tài sản trí tuệ. Nổi bật trong đó có dự án khởi nghiệp nuôi tôm nước lợ vùng xâm nhập mặn đồng bằng sông Cửu Long; khởi nghiệp dựa trên đổi mới sáng tạo không ngừng tại Tập đoàn xây dựng Hòa Bình.
Ông Trần Giang Khuê - Trưởng Làng Sáng chế và Doanh nghiệp đổi mới sáng tạo hy vọng trong thời gian tới, việc ứng dụng các sáng chế và tài sản trí tuệ trong công tác đổi mới sáng tạo sẽ ngày càng tích cực, hiệu quả, giúp các cá nhân và doanh nghiệp đặc biệt đối với các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo động lực phát triển nền kinh tế.
https://nhandan.vn/khoahoc-congnghe/doanh-nghiep-khoi-nghiep-chua-chu-trong-tao-lap-tai-san-tri-tue-671939/
Có thể bạn quan tâm