Doanh nghiệp nản lòng vì "rừng thủ tục"

Trương Khắc Trà 27/08/2019 05:00

Vì không kham nổi chi phí cho doanh nghiệp tư nhân nên không ít trường hợp buộc giải thể quay về hộ kinh doanh cá thể...

Tuần trước, một người tôi quen, anh T đã đưa ra quyết định theo hướng thụt lùi đối với sự nghiệp kinh doanh. Anh chính thức quay trở lại hình thức hộ kinh doanh cá thể sau một thời gian ngắn thành lập Doanh nghiệp tư nhân (DNTN) trong lĩnh vực thiết bị, linh kiện điện thoại.

Do mang danh DNTN nên cũng phải “nâng cấp” mọi thứ cho tương xứng. Phải bổ nhiệm giám đốc - chính là vợ anh, danh sách bảng lương và người lao động chính là anh. Đó là quy định nên anh đã hoàn thành hồ sơ.

Cảm thấy mệt mỏi vì thủ tục, thuế cao, quá nhiều thứ chi phí “ăn” hết vào lợi nhuận, bị… mời tham gia nhiều hội thảo, hội nghị nên anh quyết định xin giải thể doanh nghiệp. Lúc giải thể đoàn kiểm tra cấp huyện nhanh chóng có mặt kiểm tra số liệu thuế từ khi thành lập doanh nghiệp đến lúc giải thể.

Nhưng khó hiểu nhất - có lẽ là biên bản kiểm tra sửa lui sửa tới nhiều lần, rất mất thời gian, khó hiểu hơn, người ta còn gửi cho anh bản dự thảo kết luận kiểm tra!? 

Nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính nhưng chưa thể thông thoáng

Nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính nhưng chưa thể thông thoáng...(Hình minh họa)

Phá sản doanh nghiệp chuyển thành hộ kinh doanh cá thể cũng là con đường cam go! Trước khi làm thủ tục anh cẩn thận tìm hiểu các loại giấy tờ cần thiết được niêm yết công khai tại trụ sở, gồm có giấy đề nghị đăng ký kinh doanh và giấy chứng minh nhân dân. Quy định này thể hiện rất rõ trong điều Điều 13, Nghị định 78/2015/NĐ-CP của Chính phủ.

Tuy nhiên, cơ quan chức năng đòi thêm hợp đồng thuê nhà (mặt bằng) có công chứng, sổ đỏ photo và sổ hộ khẩu. Anh không chấp nhận và đưa nguyên bộ hướng dẫn niêm yết ngay trước cửa làm minh chứng!

Cuối cùng, sự việc cũng xong xuôi, nhưng có lẽ anh không bao giờ muốn mở rộng kinh doanh, phát triển thành DNTN một lần nào nữa! Muốn yên ổn làm ăn nơi đất khách quê người, đó cũng là lý do chủ hộ kinh doanh này không muốn bị lộ danh tính.

Có thể bạn quan tâm

  • Nhiều thủ tục hành chính vẫn "đánh đố" doanh nghiệp

    12:42, 21/08/2019

  • Doanh nghiệp vướng vì “ma trận” thủ tục hành chính

    06:45, 27/06/2019

  • Thủ tục hành chính vẫn “đốt” nhiều thời gian của doanh nghiệp

    15:30, 25/06/2019

  • “Bệnh nan y” thủ tục hành chính "trói chân" doanh nghiệp

    15:56, 31/05/2019

  • Trăn trở với thủ tục hành chính

    07:35, 15/05/2019

  • Phó Thủ tướng yêu cầu tiếp tục đơn giản hóa, cắt giảm thủ tục hành chính

    21:57, 26/04/2019

  • "Dư địa cải cách thủ tục hành chính cũng là dư địa cho tăng trưởng"

    18:11, 02/04/2019

  • Thủ tục hành chính vẫn… hành là chính

    06:50, 15/02/2019

Câu chuyện của anh là một ví dụ sống động về lý do vì sao “doanh nghiệp không muốn lớn”.

Có cơ hội tham gia khá nhiều hội nghị, hội thảo liên quan đến doanh nghiệp ở nhiều địa phương, giãi bày khó khăn phổ biến nhất mà tôi thường được nghe là “tình trạng đa số doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ”.

Thu hút đầu tư khó khăn là một việc, làm sao để doanh nghiệp lớn lên là việc khác. Nếu hộ kinh doanh “không muốn lớn” có thể đổ thừa cho ý chí bé nhỏ, an phận thủ thường của người kinh doanh. Nhưng hộ kinh doanh “không thể lớn” thật sự là nỗi lo của tương lai nền kinh tế và mục tiêu 1 triệu doanh nghiệp đến năm 2020.

Đôi khi, vấn đề không chỉ ở những người thi hành công vụ, xét cho cùng, họ cũng chỉ thừa hành mệnh lệnh phát ra từ hàng ngàn hàng vạn quy định chằng chéo, không làm, không có số liệu, kết quả… lấy gì báo cáo?

Đương nhiên, nếu người thi hành công vụ có ý “vẽ vời” câu nệ để vòi vĩnh doanh nghiệp - đó là chuyện khác, thuộc về đạo đức, sự liêm chính chứ không nằm trong vùng ảnh hưởng của khái niệm “cải cách hành chính” vốn mang bản chất ưu việt.

Sau nhiều năm phát động gỡ bỏ bớt thủ tục, sự tình có tiến bộ trông thấy, nhưng vấn nạn “hành là chính” sao chưa giải quyết được? Đến lúc này - có lẽ phải nâng tầm nhiệm vụ làm trong sạch bộ máy lên ngang hàng, hoặc quan trọng hơn gỡ bỏ bớt thủ tục hành chính!

Bởi một lý thuyết bao trùm, con người quyết định tất cả, lắm khi thủ tục nhiều nhưng thái độ người phục vụ khiến người dân, doanh nghiệp cảm thấy ít; cũng lắm lúc, thủ tục chỉ yêu cầu 1, 2 loại giấy tờ nhưng cán bộ “muốn nhiều hơn”…

Làm thông thoáng môi trường kinh doanh - xưa nay vẫn trên “nóng” dưới “lạnh”. Chính phủ, các Bộ ngành sốt ruột với mục tiêu lớn, nhưng nhiều khi địa phương chưa cho thấy quyết tâm đủ lớn!

Không có gì xót xa và đáng trách hơn việc thủ tục đánh gục ý chí làm giàu. Bởi, thủ tục không phải là "thế lực" nào đó khiến con người ta lực bất tòng tâm, mà do chính chúng ta ban ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp nản lòng vì "rừng thủ tục"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO