Tăng trưởng của ngành gỗ năm 2022 có khả năng sẽ chậm lại vì đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung nguyên liệu đang là "nút thắt" lớn cần tháo gỡ.
>>>Doanh nghiệp gỗ lo "lép vế"
Mặc dù có mức tăng trưởng cao ấn tượng, đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1,5 tỷ USD ngay trong những tháng đầu tiên của năm, tuy nhiên các chuyên gia đều nhận định, tăng trưởng của ngành gỗ năm 2022 có khả năng sẽ chậm lại vì đang phải đối mặt với nhiều vấn đề, trong đó nguồn cung nguyên liệu đang là "nút thắt" lớn cần tháo gỡ.
"Do thiếu nguồn cung nguyên liệu trong nước nên các doanh nghiệp khá bị động, phải phụ thuộc đến 80% vào nguồn cung nguyên liệu nhập khẩu. Vì vậy, doanh nghiệp không có lựa chọn nào khác, phải chấp nhận rủi ro liên quan đến chứng nhận chất lượng và xuất xứ", ông Lê Minh Thiện, Chủ tịch Hiệp hội Lâm sản Bình Định (FPA) nêu thực tế của địa phương với hơn 100 doanh nghiệp chế biến gỗ xuất khẩu.
Theo Tổ chức Forest Trends, cho biết mỗi năm Việt Nam nhập khẩu khoảng 5-6 triệu m3 gỗ tròn và gỗ xẻ để chế biến ra các sản phẩm đồ gỗ. Các loài gỗ ôn đới chiếm 60-70% trong tổng lượng nhập khẩu, Hoa Kỳ và các quốc gia Châu Âu, Canada, Úc là các nguồn cung lớn nhất.
Phần nhập khẩu còn lại chiếm 30-40% là gỗ nhiệt đới, chủ yếu có nguồn gốc từ các nước Châu Phi, Lào, Campuchia, Papua New Guinea và một số quốc gia khác. Với chi phí vận chuyển ở mức vẫn rất cao và chưa có dấu hiệu hạ nhiệt, đây là tín hiệu cho thấy giá gỗ nguyên liệu nhập khẩu sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Trong khi đó, cho đến nay, phần lớn gỗ rừng trồng của Việt Nam là gỗ nhỏ, với 60-70% được đưa vào làm dăm gỗ và viên nén. Lượng gỗ lớn, đặc biệt là gỗ có chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC vẫn rất hạn chế.
Do đó, tạo nguồn gỗ nguyên liệu trong nước, có chất lượng cao, sử dụng cho chế biến đóng vai trò quan trọng đối với sự tồn tại và phát triển của ngành gỗ.
>>>Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp: Đề xuất đưa nguyên liệu ngành gỗ vào "luồng xanh"
>>>Ngành gỗ xuất khẩu kỷ lục, do đâu?
Tuy nhiên trong thực tế, khó khăn lớn nhất mà doanh nghiệp đang gặp phải là không tiếp cận được với nguồn quỹ đất để trồng rừng, bởi nguồn quỹ đất này đang nằm nằm dưới sự quản lý của các hộ và các công ty lâm nghiệp.
“Để tạo được tính đột phá trong việc hình thành và phát triển liên kết, đòi hỏi Chính phủ cần có các cơ chế chính sách cởi mở hơn, cho phép các công ty lâm nghiệp được góp đất hợp tác với công ty tư nhân trong việc tạo nguồn rừng trồng gỗ lớn”, TS Tô Xuân Phúc, Chuyên gia của Tổ chức Forest Trends đánh giá.
Bên cạnh đó, cần có những cơ chế chính sách chặt chẽ trong việc xác định nguồn quỹ đất tham gia liên kết, định giá về giá trị của đất cũng như cây trồng trên đất nhằm giảm thiểu các rủi ro trong việc các bên góp vốn vào liên kết.
"Các cơ chế chính sách nhằm hình thành liên kết cũng cần được minh bạch, nhằm xóa bỏ các e ngại của các bên tham gia”, TS Tô Xuân Phúc nêu khuyến nghị.
Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Phi Long, Tổng Công ty xuất nhập khẩu tổng hợp Vạn Xuân (VAXUCO) cho rằng, để doanh nghiệp có thể chủ động nguồn nguyên liệu, Nhà nước cần có chính sách đặc biệt để các doanh nghiệp có thể nhận đất trồng rừng, phát triển nguồn nguyên liệu nhanh và bền vững hơn.
“Do trồng rừng nguyên liệu đòi hỏi rất nhiều thời gian nên cần phải có chiến lược khuyến khích đầu tư lâu dài. Giải pháp cụ thể trong lĩnh vực này là cần tính toán khoa học, đầy đủ để có dự báo nhu cầu gỗ nguyên liệu chi tiết, quy hoạch phát triển các vùng nguyên liệu với các chủng loại khác nhau để có thể đáp ứng nhu cầu”, ông Nguyễn Phi Long nhấn mạnh.
Theo đó, cần có những chính sách cụ thể trong quá trình trồng rừng, khai thác, hạn chế thấp nhất xuất khẩu gỗ thô.
Bên cạnh đó, đại diện doanh nghiệp cho rằng, cần coi trọng nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Bởi đây là cấu thành quan trọng trong các sản phẩm đồ gỗ xuất khẩu của Việt Nam.
“Do đó, Chính phủ cần tạo những điều kiện thuận lợi nhất để nhập khẩu và cung ứng nguyên liệu gỗ, đáp ứng số lượng, chất lượng và thời gian với giá cả cạnh tranh. Trong đó, giải pháp quan trọng là xây dựng cổng thông tin về nguyên liệu gỗ để các doanh nghiệp có thể tham khảo, chủ động hơn trong việc nhập khẩu và tránh dự trữ tồn kho nguyên liệu trong thời gian quá dài”, đại diện VAXUCO kiến nghị.
Theo Trung tâm Nghiên cứu công nghiệp Italia (CSIL), kết quả khảo sát tại 100 thị trường tiêu thụ đồ gỗ, cho thấy, dự báo trong năm 2022, thị trường đồ nội thất toàn cầu sẽ tăng trưởng khoảng 4%.
Trong số các thị trường lớn (tiêu thụ đồ nội thất dự báo trên 5 tỷ USD/năm), Châu Âu và Châu Á dự kiến tăng trưởng mạnh nhất về tiêu thụ đồ nội, ngoại thất.
Bên cạnh đó, thị trường chủ đạo của ngành gỗ Việt Nam là Bắc Mỹ sẽ tiếp tục tăng trưởng ổn định. Đây chính là cơ hội để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu.
Có thể bạn quan tâm
05:01, 26/09/2021
13:25, 08/08/2021
11:00, 16/06/2021
04:30, 15/05/2021