Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó

ĐÌNH ĐẠI 23/07/2023 11:30

Trong bối cảnh sức tiêu thụ thép ở thị trường trong nước còn chậm, cùng với áp lực cạnh tranh với thép nhập khẩu, kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa khởi sắc trở lại.

>>>Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước

Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó.

Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó.

Kết quả kinh doanh suy giảm

Trong số những doanh nghiệp ngành thép đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023, hầu hết đều có kết quả kinh doanh sụt giảm, thậm chí có doanh nghiệp vẫn lỗ nặng. Cụ thể, Công ty CP Gang thép thái Nguyên – Tisco (UpCOM: TIS) ghi nhận doanh thu thuần trong quý II/2023 chỉ đạt 1.947 tỷ đồng, mức doanh thu thấp kỷ lục kể từ quý III/2016. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận lỗ hơn 99 tỷ đồng, tăng lỗ gấp hơn 5 lần so với quý đầu năm và cũng là quý thua lỗ thứ 4 liên tiếp của doanh nghiệp này.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của TIS đạt 4.392 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ. Nguồn thu từ hoạt động tài chính đạt gần 14 tỷ đồng và khoản lợi nhuận khác đạt 16,4 tỷ đồng, nhưng vẫn không đủ bù đắp chi phí hoạt động lên tới 197 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ ròng gần 118 tỷ đồng sau 6 tháng đầu năm, trong khi cùng kỳ lãi gần 33 tỷ đồng.

Doanh nghiệp cho biết, nguyên nhân khiến kết quả kinh doanh sa sút là do sản lượng tiêu thụ và giá bản giảm mạnh trong bối cảnh giá nguyên liệu đầu vào như phôi, thép phế liệu đều giảm chậm.

Năm 2023, TIS đặt mục tiêu 15.826 tỷ đồng doanh thu và 38,9 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế. Với kết quả ảm đạm của 6 tháng đầu năm, khả năng hoàn thành các kế hoạch trên là điều rất xa vời.

Mặc dù không lỗ, nhưng Công ty CP Kim khí TP.HCM - VNSTEEL (HOSE: HMC) ghi nhận lợi nhuận giảm mạnh 74% so với cùng kỳ. Cụ thể, doanh thu của HMC đạt 764 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh hơn nên lợi nhuận gộp giảm 27% còn 23,8 tỷ đồng.

Trong kỳ, doanh thu tài chính tăng, nhưng chi phí tài chính lại tăng mạnh hơn do gánh nặng chi phí lãi vay và khoản trích lập dự phòng giảm giá với cổ phiếu kinh doanh, khiến lợi nhuận sau thuế của HMC chỉ đạt gần 2,8 tỷ, giảm 74% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của HMC đạt 1.656 tỷ đồng, giảm 17% và lợi nhuận sau thuế đạt 5 tỷ đồng, giảm 82% so với cùng kỳ. Đây là mức lợi nhuận thấp nhất trong vòng 8 năm qua của doanh nghiệp này. Với kết quả này, HMC thực hiện được 50% kế hoạch doanh thu và 26% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Tương tự, với Công ty CP Thép Vicasa - VNsteel (HOSE: VCA) cũng ghi nhận doanh thu thuần giảm 29% so với cùng kỳ, xuống còn hơn 358 tỷ đồng. Giá vốn bán hàng tăng cao khiến lợi nhuận gộp chỉ vỏn vẹn 8,5 tỷ đồng.

Trong kỳ, chi phí tài chính và chi phí bán hàng đều giảm đáng kể trong khi chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 15,5 tỷ đồng, kéo lợi nhuận ròng của VCA chỉ đạt 880 triệu đồng, giảm 83,5% và 87% so với 2 quý liền trước.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, VCA ghi nhận doanh thu thuần đạt gần 865 tỷ đồng và lãi sau thuế 6,2 tỷ, giảm lần lượt 36% và 34% so với cùng kỳ năm trước. Doanh nghiệp đã thực hiện được 65% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế.

Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.

Tình hình sản xuất thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.

Một doanh nghiệp ngành thép khác là Công ty CP Thép Mê Lin (HNX: MEL) ghi nhận doanh thu thuần đạt 180 tỷ đồng, tăng 10,7% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, giá vốn tăng mạnh hơn khiến lợi nhuận gộp giảm hơn 16% còn 11,3 tỷ đồng.

Trong kỳ, MEL ghi nhận doanh thu tài chính giảm mạnh về còn 0,13 tỷ đồng, trong khi, chi phi tài chính ở mức 7,3 tỷ đồng. Kết quả MEL báo lãi sau thuế vỏn vẹn 1 tỷ đồng, giảm 32% cùng kỳ 2022 và giảm 50% so với quý I/2023.

Theo lãnh đạo MEL, do quý II chịu tác động của giá thép trên thị trường giảm, giả bán giảm, sản lượng của công ty thấp, lãi suất vay của các ngân hàng cao nên lợi nhuận cũng giảm.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, MEL ghi nhận doanh thu thuần và lãi ròng lần lượt đạt gần 310 tỷ đồng và 3 tỷ đồng, tương ứng giảm 24,6% và 75,2% cùng kỳ 2022. Với kết quả này, doanh nghiệp mới hoàn thành được 37% kế hoạch doanh thu và 30% kế hoạch về lợi nhuận năm.

>>>Nửa cuối năm 2023, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn

Sức ép lớn từ thép nhập khẩu

Kết quả kinh doanh ảm đạm của các doanh nghiệp trên có thể chưa phản ánh đúng bức tranh kinh doanh của toàn ngành thép trong 6 tháng đầu năm, bởi đây chỉ là những doanh nghiệp nhỏ và vừa. Trong khi, các “ông lớn” trong ngành như HPG, HSG hay NGK... đều chưa công bố báo cáo tài chính quý II, cũng như kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm.

Tình hình tiêu thụ thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.

Tình hình tiêu thụ thép thành phẩm năm 2023. Nguồn: VSA.

Tuy nhiên, những kết quả này cũng đã cho thấy những khó khăn của ngành thép vẫn chưa được cải thiện nhiều và có vẻ như đang đi ngược lại với kỳ vọng của các doanh nghiệp lớn trong ngành khi cho rằng “những gì khó khăn nhất của ngành thép cũng đã qua”, đồng thời kỳ vọng sẽ phục hồi từ quý II, hoặc muộn nhất là quý III năm nay.

Theo Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), nhu cầu thép yếu tại hầu hết khu vực trên thế giới và tâm lý tiêu cực đã tác động đến giá bán thép thành phẩm. Xu hướng giảm giá thép trên phẩm vi toàn cầu càng được củng cố thêm khi các doanh nghiệp thép Trung Quốc đang tìm cách đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ giá giảm nhanh để cạnh tranh.

Số liệu của VSA cũng cho thấy, sản lượng thép xây dựng trong tháng 6 đạt hơn 738.000 tấn, giảm 9,1% so với tháng 5 và thấp hơn 20% so với cùng kỳ. Bán hàng đạt 874.000 tấn, giảm 5,7% so với tháng 5 và thấp hơn 14,2% so tháng 6/2022. Trong đó, xuất khẩu thép xây dựng giảm 21,5% so với cùng kỳ xuống 149.623 tấn.

Tinh theo quý thì lượng tiêu thụ thép xây dựng của quý II năm nay thấp hơn 12% so với cùng kỳ, ở mức 2,5 triệu tấn. Tính chung trong 6 tháng đầu năm nay, lượng bán hàng thép xây dựng giảm 23% so với cùng kỳ xuống khoảng 5 triệu tấn. Trong khi sản xuất cũng giảm gần 26% xuống 5 triệu tấn.

Đối với giá thép, sau một thời gian ngắn phục hồi từ mức 14,6 triệu đồng/tấn từ tháng 12/2022, lên mức gần 15,9 triệu đồng/tấn vào hồi đầu tháng 4/2023. Giá thép sau đó đã trải qua 14 lần điều chỉnh giảm giá.

Riêng trong tháng 5, các nhà máy trong nước phải điều chỉnh giá bán thép xây dựng 5 lần, mức giảm 100.000 - 200.000 đồng/tấn/lần, tuỳ chủng loại nhưng sức tiêu thụ của thị trường vẫn yếu.

Tính đến ngày 19/7, giá thép xây dựng đã giảm xuống mức 13,9 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với mức giá được các doanh nghiệp coi là “đáy” hồi cuối năm ngoái là 14,6 triệu đồng/tấn.

Bên cạnh đó, ngành thép cũng đang chịu sức ép rất lớn từ thép nhập khẩu, đặc biệt là thép từ Trung Quốc, do được hưởng thuế 0% và không phải chịu bất cứ biện pháp phòng vệ thương mại nào.

Theo VSA, trong 5 tháng đầu năm 2023, lượng nhập các sản phẩm thép vào Việt Nam đạt hơn 5,06 triệu tấn; trong đó lượng thép từ Trung Quốc nhập vào Việt Nam đạt hơn 2,65 triệu tấn, chiếm hơn 52% tổng sản lượng thép nhập khẩu từ tất cả các quốc gia vào Việt Nam. Đặc biệt trong tháng 3/2023, lượng nhập thép từ Trung Quốc tăng 146% so với cùng kỳ năm 2022.

Giới chuyên gia nhận định, việc nhập khẩu tràn lan có thể khiến ngành thép trong nước mất cơ hội việc làm cho khoảng 40.000 lao động; phải chi ra hàng tỷ USD để nhập khẩu mỗi năm, trong khi đó, hàng sản xuất trong nước không bán được và các doanh nghiệp thì thua lỗ.

Có thể bạn quan tâm

  • Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước

    Cần sớm xây dựng hàng rào kỹ thuật để bảo vệ ngành thép trong nước

    03:00, 14/07/2023

  • Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?

    Giải pháp nào bảo vệ ngành thép trong nước?

    03:00, 09/07/2023

  • Nửa cuối năm 2023, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn

    Nửa cuối năm 2023, ngành thép vẫn còn nhiều khó khăn

    04:45, 13/05/2023

  • Ngành Thép còn khó khăn kéo dài đến quý II/2023

    Ngành Thép còn khó khăn kéo dài đến quý II/2023

    05:00, 27/01/2023

  • Kịch bản cho ngành thép và Hoà Phát năm 2023

    Kịch bản cho ngành thép và Hoà Phát năm 2023

    05:27, 26/12/2022

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ngành thép vẫn chưa hết khó
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO