Phân tích - Bình luận

Doanh nghiệp nước ngoài "tiến thoái lưỡng nan" ở Trung Quốc

Trương Khắc Trà 29/10/2024 04:08

Thị trường ảm đạm, rủi ro thuế quan từ Mỹ khiến nhiều doanh nghiệp nước ngoài tại Trung Quốc “tiến thoái lưỡng nan”.

Nhu cầu chi tiêu tại Trung Quốc hiện thấp nhất mọi thời đại (Ảnh Internet)
Nhu cầu chi tiêu tại Trung Quốc hiện thấp nhất mọi thời đại (Ảnh Internet)

Báo cáo thu nhập quý III/2024 cho biết ​​một loạt các Giám đốc điều hành công ty mô tả về môi trường kinh doanh đầy khó khăn tại Trung Quốc. Đang diễn ra thêm một đợt cắt giảm chi phí, giảm giá và thu hẹp hoạt động tại Trung Quốc, đó là tình hình ngày càng bi đát của các doanh nghiệp danh tiếng đến từ Mỹ và châu Âu.

Chính phủ Trung Quốc đã hứa sẽ hỗ trợ nhiều hơn, nhưng phạm vi và thời điểm của các biện pháp kích thích tiếp theo vẫn chưa chắc chắn. Đến nay, các nhà đầu tư vẫn chưa hoàn toàn tin rằng những nỗ lực đó sẽ thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế trị giá 18,6 nghìn tỷ đô la Mỹ.

Báo cáo thị trường mới nhất của Hermes, L'Oreal, Coca-Cola, United Airlines, Unilever, và Mercedes cho biết: khách hàng Trung Quốc đang hạn chế chi tiêu khi cuộc khủng hoảng bất động sản kéo dài và tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên vẫn ở mức cao.

Nhà sản xuất than chì của Pháp Mersen đã đóng cửa một nhà máy sản xuất các sản phẩm truyền động điện tại Trung Quốc vào tuần trước vì không thể cạnh tranh với các đối thủ địa phương. Các công ty thực phẩm quốc tế như Danone và Nestle đã giảm giá sâu hơn hoặc đang tìm cách tăng khối lượng bán hàng trực tuyến.

Tổng giám đốc điều hành của United Airlines, Scott Kirby tỏ ra bi quan: “Chúng tôi từng bay khoảng 10 chuyến một ngày đến Trung Quốc, và tôi nghĩ những ngày đó đã qua rồi”.

Đặc biệt, ngành hàng xa xỉ đã gánh chịu hậu quả nặng nề của suy thoái, khi sự bất ổn kinh tế đè nặng lên những người mua sắm thuộc tầng lớp trung lưu và khiến ngay cả những người giàu có của Trung Quốc cũng không muốn chi tiêu. Niềm tin của người tiêu dùng vào quốc gia này đang ở mức thấp nhất mọi thời đại.

Ngành hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh luxuo)
Ngành hàng xa xỉ bị ảnh hưởng nghiêm trọng (Ảnh: luxuo)

CEO Silvio Napoli của tập đoàn sản xuất thang máy và thang cuốn Thụy Sĩ Schindler nhận định: “Cho đến nay, tôi muốn nhấn mạnh rằng không có dấu hiệu phục hồi nào hiện hữu hay trong tầm mắt”.

Tuy nhiên, nhiều công ty vẫn tin rằng, đợt suy thoái kinh tế Trung Quốc mang tính chu kỳ, chứ không phải do cấu trúc, họ vẫn đợi chờ nhu cầu tiêu dùng tăng trở lại. Nhưng điều đó sẽ phụ thuộc vào việc các biện pháp kích thích của chính phủ có tác động đến các hộ gia đình và khuyến khích họ chi tiền trở lại hay không.

Eric Clark, Giám đốc danh mục đầu tư của Rational Dynamic Brands Fund, bình luận: “Cho đến nay, cách tiếp cận của nhà chức trách để cố gắng khắc phục những vấn đề này có vẻ giống như việc dán một vài miếng băng cứu thương nhỏ lên những vết thương nghiêm trọng”.

Ông Donald Trump cũng đã đe dọa áp thuế nhập khẩu toàn bộ 60% đối với hàng hóa Trung Quốc nếu ông tái đắc cử Tổng thống Mỹ tại cuộc bầu cử bắt đầu diễn ra vào ngày 5/11 tới đây. Điều này chắc chắn gây áp lực rất lớn lên cơ sở công nghiệp của Trung Quốc.

Nhiều kịch bản trước mắt không mấy xán lạn, cùng lúc doanh nghiệp đối mặt với thị trường ảm đạm và môi trường thuế quan toàn cầu không hỗ trợ phát triển thương mại xuyên biên giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp nước ngoài "tiến thoái lưỡng nan" ở Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO