Doanh nghiệp sẽ hưởng "lợi kép" từ EVFTA

Ngọc Hà thực hiện 09/08/2019 00:02

Doanh nghiệp EU có thể hợp tác cùng doanh nghiệp Việt Nam để đầu tư thiết bị, máy móc, công nghệ..., hướng tới cùng nâng cao chất lượng sản phẩm.

B

Bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex).

Đó là một trong những tình huống hoàn toàn có thể xảy ra trong bối cảnh dòng vốn đầu tư từ Hiệp định EVFTA có hiệu lực thời gian tới, mà bà Nguyễn Thị Huyền, Giám đốc Công ty sản xuất và xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) đã chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp.

- Bà nhận định như thế nào về lợi ích thiết thực mà EVFTA sẽ mang lại cho doanh nghiệp?

Là một doanh nghiệp sản xuất hương liệu với 90% sản phẩm là xuất đi thị trường nước ngoài, đặc biệt là thị trường EU, khi Hiệp định tự do thương mại Việt Nam -EU được ký kết điều này mở ra cánh cửa rộng hơn đối với doanh nghiệp chúng tôi. 

Trước đây, nếu chúng tôi xuất khẩu đi thị trường EU phải chịu mức thuế suất là 5%, với chính sách hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu nông sản từ Nhà nước thuế xuất khẩu đã về 0%. Tuy nhiên, khi Việt Nam trở thành thành viên của nhiều hiệp định tự do thương mại, đặc biệt gần đây là hiệp định EVFTA, thì những doanh nghiệp như chúng tôi ngày càng được hưởng lợi. 

Cụ thể, thứ nhất, nếu trước đây khách hàng đang nhập khẩu và trả thuế thì nay thuế bằng 0% thì thay vì khách hàng đang ưu tiên nhập khẩu từ nước khác, chắc chắn họ sẽ chuyển hướng và ưu tiên lợi tức từ thuế nhập khẩu của thị trường tốt hơn, như Việt Nam.

Thứ hai, khi thuế xuất khẩu giảm, sản lượng khách hàng đặt mua sẽ tăng lên, để tiết kiệm chi phí và thời gian thì tâm lý doanh nghiệp mua sẽ đặt các đơn hàng với khối lượng lớn. Đi kèm với đó chắc chắn là những yêu cầu khắt khe về chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, chính điều này lại khiến các nhà đầu tư, doanh nghiệp nghĩ đến việc có thể đầu tư cho các doanh nghiệp Việt Nam để nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng, máy móc, trang thiết bị để cùng tạo ra những sản phẩm chất lượng. Còn về phía chúng tôi, những doanh nghiệp nội có thể tiếp cận nguồn tài chính, đặc biệt là những nguồn tài chính xanh.

- Con đường kinh doanh với doanh nghiệp EU chắc chắn không chỉ có "màu hồng", thưa bà?

Tất nhiên bên cạnh những lợi ích cũng là những thách thức, khó khăn. Với kinh nghiệm hoạt động của mình tôi cho rằng, có hai khó khăn chính. Đó là, trước những tiềm năng thị trường, khách hàng có nhu cầu đặt những đơn hàng lớn, doanh nghiệp có đủ tiềm lực về tài chính, con người và điều kiện sản xuất với chất lượng, quy chuẩn khắt khe để đáp ứng được những đơn hàng đó hay không?

Khó khăn tiếp nữa đó là khi đã nhận được dòng vốn đầu tư lớn rồi, doanh nghiệp sẽ tận dụng dòng vốn đó ra, để đạt được hiệu quả kinh doanh?

- Vậy doanh nghiệp đã chuẩn bị "hành trang" cho mình như thế nào?

Nắm bắt được những khó khăn đó, chúng tôi đã có biện pháp, chiến lược kinh doanh của riêng doanh nghiệp mình. Đó là để đáp ứng được những đơn hàng với sản lượng lớn, bên cạnh 2 nhà máy đang hoạt động với công suất đạt từ 40-50 tấn, doanh nghiệp có ý định đầu tư thêm 2 nhà máy nữa tại vùng nguyên liệu Lào Cai và Lạng Sơn, với công suất dự kiến là từ 40-40 tấn/ngày, tạo ra ít nhất 400 việc làm. Dự kiến mỗi nhà máy có suất đầu tư khoảng 100 tỷ đồng.

Bên cạnh kế hoạch mở rộng nhà máy sản xuất chúng tôi cũng mở rộng vùng nguyên liệu hữu cơ. Trước đây chúng tôi làm việc với 1.000 hộ nông dân, với diện tích 1.000 ha hữu cơ, thì bây giờ chúng tôi sẽ làm việc với 2.000 hộ nông dân, với 2.000 ha hữu cơ.

Ngoài ra, hiện nay chúng tôi cũng đang thu mua nguyên liệu từ khoảng 5.000 hộ dân là người dân tộc thiểu số khác, đồng nghĩa với khả năng cung cấp, cung ứng của chúng tôi sẽ tốt hơn. Như vậy, doanh nghiệp đã sẵn sàng để đón sóng những đơn hàng từ thị trường nước ngoài nói chung và EU nói riêng.

- Xin cám ơn bà!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp sẽ hưởng "lợi kép" từ EVFTA
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO