Thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Thái Bình luôn sáng tạo, đổi mới, nỗ lực vượt khó, duy trì, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh, đóng góp tích cực cùng địa phương trên chặng đường phát triển.
>>>Thái Bình: Phấn đấu tăng trưởng kinh tế để cán đích năm
Trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức song với chung sức đồng lòng của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, kinh tế Thái Bình tiếp tục tăng trưởng ổn định.
Phát triển chất và lượng
Tỉnh Thái Bình hiện có trên 10.000 doanh nghiệp đang hoạt động. Thời gian qua, mặc dù còn nhiều khó khăn, song đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân trong tỉnh Thái Bình đã có những nỗ lực phục hồi sản xuất; sáng tạo tiếp cận mở rộng thị trường, nâng cao năng lực sản xuất, đa dạng hoá sản phẩm, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình.
Cùng với sự lớn mạnh của các doanh nghiệp trong tỉnh, những năm qua, đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân của thành phố Thái Bình đã có những bước phát triển nhanh chóng cả về số lượng và chất lượng. Hàng năm, các doanh nghiệp giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, đóng góp vào nguồn ngân sách thành phố hàng tỷ đồng.
Ông Đinh Gia Dũng, Chủ tịch UBND thành phố Thái Bình cho biết: Nếu như năm 2000, khu vực kinh tế tư nhân, toàn thành phố Thái Bình có gần 500 doanh nghiệp thì đến năm 2023 có gần 3.000 doanh nghiệp đăng ký hoạt động. Chỉ tính riêng trong năm 2023, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thực hiện gần 3.220 tỷ đồng, vượt 14% dự toán.
Ông Vũ Huy Đông - Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Damsan cho biết: Những năm qua, Công ty luôn nhận được sự quan tâm của lãnh đạo địa phương trong cải cách thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng... góp phần vào sự phát triển chung của doanh nghiệp. Với doanh thu 2.000 tỷ đồng, hàng năm Công ty đóng góp cho ngân sách nhà nước gần 100 tỷ đồng, tạo việc làm cho từ 800 - 1.000 lao động trên địa bàn thành phố.
Ông Phạm Đình Thức - Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Tấn Thành (khu công nghiệp Phúc Khánh) chia sẻ: Trong suốt 20 năm qua, doanh nghiệp luôn đồng hành, sát cánh cùng chính quyền địa phương phát triển kinh tế, tạo việc làm cho hàng trăm lao động, với thu nhập ổn định từ 7 - 9 triệu đồng/người/tháng. Các doanh nghiệp, không chỉ khẳng định vị trí, vai trò của mình trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập của địa phương.
Ngoài ra các doanh nhân, doanh nghiệp trên địa bàn còn tích cực tham gia các chương trình hoạt động xã hội, trở thành lực lượng xung kích, đóng góp vào các quỹ nhân đạo, từ thiện hàng tỷ đồng mỗi năm, xây dựng nhà tình thương, trao quà, hỗ trợ xe đạp cho học sinh đến trường...
Nỗ lực vươn lên
Ông Vũ Mạnh Hoàn - Tổng giám đốc Công ty TNHH Hưng Thịnh Phát, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp thành phố Thái Bình cho biết: Với tinh thần “Không có gì là không thể, càng khó khăn càng phải tìm cách để làm”, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tỉnh Thái Bình đã thay đổi tư duy, cách thức làm việc, sản xuất, kinh doanh, chú trọng đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, xây dựng hình ảnh, thương hiệu để doanh nghiệp đủ sức đứng vững và vươn ra thị trường lớn, vượt qua thách thức, đón nhận những hội mới.
Ông Đỗ Văn Vẻ - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết: 6 tháng đầu năm 2024, mặc dù còn nhiều khó khăn, thách thức song tình hình KT-XH của tỉnh Thá Bình cơ bản ổn định. Tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 33.657 tỷ đồng, đạt 45,8% kế hoạch và tăng 7,96% so với cùng kỳ, xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố và thứ 7 vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, chỉ tỉnh riêng 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất công nghiệp thành phố Thái Bình ước đạt gần 15.000 tỷ đồng, tăng 5,79% so với cùng kỳ.
Theo ông Vẻ, những tháng cuối năm 2024 dự báo có nhiều khó khăn. Nhằm giúp doanh nghiệp duy trì hoạt động, mở rộng quy mô, đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy phát triển kinh tế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh sẽ tập trung tổ chức, kết nối xúc tiến đầu tư, xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế; tuyên truyền, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, quản trị doanh nghiệp, chuyển đổi số, phát động phong trào thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi gắn với bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Tiếp tục rà soát, nắm bắt khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, tổng hợp báo cáo, đề xuất giải pháp, kiến nghị UBND tỉnh và các cấp, ngành giải quyết, hỗ trợ, tháo gỡ để doanh nghiệp phát triển ổn định. Trong đó, tạo hệ sinh thái thuận lợi thu hút đầu tư và giúp doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm