Doanh nghiệp

Doanh nghiệp thành công thu về hàng tỷ đồng nhờ áp dụng triết lý Kaizen trong sản xuất

Yến Hoa 02/08/2024 17:04

Triết lý Kaizen đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp áp dụng, được xem là “kim chỉ nam” để tăng năng suất sản phẩm đầu ra hàng năm.

Trước kia, Kaizen chủ yếu được áp dụng tại các doanh nghiệp Nhật Bản như Toyota, Suzuki, Canon, Honda, … Sau đó, Kaizen dần được áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp trên khắp thế giới trong đó có Việt Nam, trong nhiều lĩnh vực khác nhau như dịch vụ, kinh doanh, công nghệ, …

Việc áp dụng mô hình Kaizen vào trong lĩnh vực sản xuất không chỉ mang lại những kết quả hữu hình cho doanh nghiệp: Giảm sự lãng phí, gia tăng năng suất, trau dỗi kĩ năng người lao động,… Khi áp dụng Kaizen vào các dự án, giúp doanh nghiệp tập trung loại bỏ các loại gây lãng phí trong quy trình làm việc. Lãng phí có thể bao gồm thời gian không cần thiết, nguyên liệu sản xuất bị lãng phí, lao động không hiệu quả hay tài nguyên không được sử dụng tối ưu. Bằng cách này, tổ chức có thể tiết kiệm được tài nguyên, thời gian và giảm chi phí không đáng có. Ngoài ra còn thúc đẩy tinh thần làm việc hiệu quả của một cá nhân hay một tập thể, xây dựng nền văn hóa doanh nghiệp đoàn kết, tạo thói quen tiết kiệm. Hiểu đúng và áp dụng đúng về mô hình Kaizen còn giúp các doanh nghiệp liên tục tối ưu quy trình làm việc, giúp tối ưu hóa được hiệu suất và làm việc hiệu quả hơn. Sản phẩm và dịch vụ có giá thành cạnh tranh hơn, giúp thu hút khách hàng và thị trường.

Ngày nay, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững là yêu cầu tiên quyết, bắt buộc mà mỗi doanh nghiệp đang hướng đến. Việc áp dụng mô hình Kaizen trong sản xuất giúp các doanh nghiệp phát triển bền vững hơn. Điển hình như ví dụ của Tập đoàn Lộc Trời - một doanh nghiệp sản xuất về lúa gạo.

ns1.jpeg
Lộc Trời là một trong những doanh nghiệp áp dụng thành công mô hình Kaizen

Lúa gạo là một phần lương thực không thể thiếu trong cuộc sống của mỗi người dân, đặc biệt là với người Châu Á. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, do sự thay đổi không ngừng của hiện tượng “biến đổi khí hậu và nóng lên toàn cầu”, lúa gạo là “thủ phạm” và cũng là “nạn nhân” đầu tiên bị chịu sự ảnh hưởng này. Việc trồng và chế biến lúa gạo đang tạo ra lượng khí thải nhà kính đáng kể, bao gồm khí metan, oxit nitơ (N2O) và cacbonic (CO2)... chiếm 10% lượng khí thải metan toàn cầu và chiếm 25-33% lượng khí thải metan của khu vực Đông Nam Á.

Ở Việt Nam, hàng năm các cánh đồng ở khu vực Mekong, Việt Nam tạo ra trên 29 triệu tấn rơm rạ và hơn 80% số này bị đốt trên đồng sau khi thu hoạch. Thói quen phơi lúa truyền thống (như phơi lúa trên đường, trên sân...) và hiệu quả xay xát gạo thấp (định mức thu hồi gạo xay xát so với đầu vào của lúa) ở nhiều quốc gia làm tăng thêm thất thoát và lãng phí loại lương thực quý giá này. Chính vì vậy, việc lựa chọn phát triển bền vững cho ngành lương thực, thực phẩm này là một chiến lược cần phải được ưu tiên hàng đầu.

Khi nhìn nhận phát triển bền vững là cấp thiết, doanh nghiệp Lộc Trời đã xây dựng chiến lược về sản xuất lúa gạo và triển khai ngay trong các hoạt động hàng ngày của công ty.

Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh ST
Áp dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp. Ảnh ST

Để giảm thất thoát và lãng phí sau thu hoạch, Tập đoàn đã lựa chọn áp dụng mô hình Kaizen tại 10 nhà máy. Áp dụng năng lượng mặt trời trong tất cả các nhà máy để giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch. Bên cạnh đó, Lộc Trời cũng đã nghiên cứu và cải tiến các giải pháp công nghệ để tối đa hóa phụ phẩm từ cây lúa sau thu hoạch: rơm rạ cho khí sinh học, làm phân bón hữu cơ hay làm giá thể trồng nấm tăng thu nhập cho nông dân, ép trấu viên thay thế than trong nhà máy, sản xuất nano silica từ trấu, dùng cám để sản xuất vật dụng nhà bếp thay thế nhựa…

Với sự kiên trì áp dụng mô hình Kaizen trong một thời gian dài, Lộc Trời đã “gặt hái được quả ngọt”, khi được nhiều doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác nhau: sản xuất khí đốt, năng lượng sinh học từ phụ phẩm, sản phẩm thay thế nhựa... rót vốn đầu tư, với hi vọng thúc đẩy doanh nghiệp trở thành “ông lớn” trên thế giới trong ngành trồng trọt và chế biến gạo. Về quản lý và kiếm soát, Lộc Trời số hóa tất cả các hoạt động để giảm sử dụng giấy và tăng hiệu quả trong kết nối từ xa.Điều này không chỉ giúp việc quản lý tinh gọn, nhanh chóng hơn mà còn giúp bảo vệ môi trường.

Hay tại Công ty cổ phần Sài Gòn Food, nhằm giảm thiểu sự thất thoát lãng phí trong quá trình sản xuất, công ty luôn ứng dụng những công nghệ mới trong sản xuất, sáng tạo trong việc lắp đặt và thay thế các thiết bị truyền thống như giải pháp thay thế belt phun băng chuyền, giảm công suất giàn ngưng, lắp van cầu tiết giảm 1 máy nén 75 kW, thu hồi nước ngưng… với tổng chi phí tiết kiệm ước đạt 246 triệu đồng/năm.

Theo ban lãnh đạo doanh nghiệp này, việc tiết kiệm năng lượng là vấn đề cốt lõi để tăng cạnh tranh, giảm chi phí hoạt động của doanh nghiệp và tăng thu nhập cho nhân viên. Vì thế, Sài Gòn Food xem đây là ưu tiên hàng đầu và đều đưa vào mục tiêu công ty cần đạt được hàng năm.

Một doanh nghiệp điển hình khác cũng thành công “chuyển mình”, phát triển mạnh mẽ nhờ áp dụng Kaizen là Công ty TNHH Xây dựng, Cơ khí và Thương mại Bình Minh. Sau một thời gian áp dụng mô hình, doanh nghiệp đã đạt được kết quả ngoài mong đợi khi nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm thông qua việc nâng cao trình độ, năng lực và nhận thức của người lao động. Giá trị lớn nhất khi lại chỉnh là việc thay đổi tư duy và nhận thức của người lao động, làm cho họ thực sự trở thành một hạt nhân quan trọng để thực hiện cải tiến năng suất, khuyến khích họ tham gia các ý kiến, tìm tòi, đề xuất giải pháp nhằm phát triển một doanh nghiệp vững mạnh hơn.


(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp thành công thu về hàng tỷ đồng nhờ áp dụng triết lý Kaizen trong sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO