VASEP đã gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các Bộ ngành liên quan các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.
>>>Triển vọng xuất khẩu nông, lâm, thủy sản 2024: “Hợp long” cho nông nghiệp 2024
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) ngành thuỷ sản năm 2024 có nhiều điểm tựa, song, ngành vẫn sẽ khó khăn trong nửa đầu năm do lượng hàng tồn kho thế giới cao, cùng một loại thuỷ sản có nhiều nhà cung cấp, lực cung đang lớn hơn lực cầu.
Ngoài ra, ông Nam cũng chỉ ra một số vấn đề liên quan đến các ngành hàng chủ lực như cá tra, tôm, hải sản.
Đối với mặt hàng tôm, các doanh nghiệp đang phải đối mặt với việc Bộ Thương mại Mỹ điều tra chống trợ cấp đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam. Thời kỳ điều tra trợ cấp vào năm 2022. Thời kỳ điều tra thiệt hại từ năm 2020 đến nửa đầu năm 2023.
Tổng số chương trình trợ cấp bị điều tra khoảng 40 chương trình, thuộc nhóm các chương trình cho vay và bảo đảm; nhóm các chương trình ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp; nhóm các chương trình miễn các khoản phải thu; nhóm các chương trình ưu đãi về đất; nhóm các chương trình tài trợ…
Đối với ngành cá tra, ông Nam cho biết sau dịch COVID-19, giá thức ăn chăn nuôi đã tăng 30%, chi phối 70% giá thành sản phẩm thuỷ sản chủ lực, giá nguyên liệu cá tra hiện nay chỉ đủ trang trải chi phí thức ăn. Hiệu suất và hiệu quả của ngành đang ở mức thấp, gây áp lực lớn cho nông dân, doanh nghiệp.
Còn với ngành hải sản, đại diện VASEP cho biết Việt Nam vẫn đang bị cảnh báo thẻ vàng của châu Âu, điều này buộc phải gia tăng nguồn lực xã hội, bao gồm cả doanh nghiệp và các cơ quan quản lý. Kể cả sau này Việt Nam có gỡ được thẻ vàng, nếu toàn bộ thiết lập về khung pháp lý vận hành không thay đổi, những bất cập vẫn sẽ còn.
“Doanh nghiệp mang hàng về, chuẩn bị xuất khẩu nhưng gặp bất cập khi làm các thủ tục xác nhận. Quy định Nhà nước về xác nhận cho hải sản khai thác phải thay đổi, cần xác nhận ngay khi từng lô cá, lô hải sản đánh bắt lên sau khi đã có kiểm kê hàng hóa.
Hiện nay, nhiều lô hàng mất hàng tháng mới làm xong thủ tục, điều này ảnh hưởng đến chất lượng, chuỗi cung ứng, chưa kể việc tận dụng các hiệp định thương mại tự do”, đại diện VASEP nói.
Ông Nguyễn Hoài Nam cho biết ngành thủy sản chủ yếu là các doanh nghiệp tư nhân tham gia, các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp có vốn Nhà nước rất ít. 95% kim ngạch xuất khẩu thuỷ sản đến từ khối tư nhân và chuỗi sản xuất của ngành gắn liền với cả nông, ngư dân.
Bên cạnh sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp, đại diện VASEP kỳ vọng Chính phủ và các bộ ngành tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp trong các vụ điều tra của quốc tế và đưa ra những giải pháp củng cố năng lực của ngành hàng chủ lực.
>>>Doanh nghiệp thuỷ sản vẫn gặp khó cuối năm
Nhận định những khó khăn kể trên, VASEP vừa có công văn gửi lên Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang và các Bộ ngành liên quan các kiến nghị giải pháp củng cố, gia tăng năng lực cạnh tranh ngành hàng.
Theo đó, VASEP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NN&PTNT hỗ trợ tích cực trong vụ điều tra chống trợ cấp của Mỹ đối với ngành Tôm Việt Nam, để ngành tôm có thể vượt qua các giai đoạn điều tra trong thời gian tới.
Đồng thời, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Bộ Công Thương quan tâm và chỉ đạo việc xem xét bãi bỏ hạn ngạch đối với Tôm Việt Nam xuất khẩu vào Hàn Quốc trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại VKFTA tại kỳ rà soát trong năm 2024.
Từ thực trạng giá thức ăn nuôi trồng thủy sản đang cao, là nhân tố chính khiến sản phẩm thủy sản nuôi của Việt Nam đang rất khó cạnh tranh với các quốc gia khác, VASEP kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có chính sách kiểm soát giá thức ăn nhằm ổn định giá thành nguyên liệu, tăng sức cạnh tranh cho thủy sản Việt Nam. Cụ thể là: giảm thuế NK bã đậu nành để sản xuất thức ăn cho cá xuống 0% và tính điện 1 giá cho cơ sở nuôi tôm.
Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo nguồn nguyên liệu tôm giống và cá tra sản xuất đạt chất lượng, giảm giá thành sản xuất, VASEP kiến nghị Bộ NN&PTNT tổng kết chương trình giống cá tra đã triển khai và có các chính sách hỗ trợ đặc thù cho các đơn vị sản xuất giống cá tra theo quy chuẩn. Đồng thời, tăng cường kiểm soát chất lượng con giống, đảm bảo không có con giống kém chất lượng, dịch bệnh ra thị trường.
VASEP cũng kiến nghị Thủ tướng và Bộ NN&PTNT chỉ đạo xem xét rà soát các quy định kiểm soát an toàn thực phẩm hiện hành của Việt Nam và Châu Âu. Theo đó điều chỉnh sửa đổi phù hợp quy định kiểm soát an toàn thực phẩm nguyên liệu hải sản khai thác nhập khẩu để chế biến xuất khẩu vào EU.
Kiến nghị Bộ NN&PTNT xem xét thay đổi quy định trong quy trình xác nhận truy xuất nguồn gốc IUU hiện nay. Cụ thể là cấp giấy xác nhận khai thác S/C ngay cho chủ hàng khi chủ hàng đã hoàn thành việc bốc dỡ nguyên liệu từ tàu có sự giám sát của nhân viên cảng về chủng loại, khối lượng... tại cảng cá.
Đồng thời xem xét bổ sung quy định kiểm dịch đối với hàng thủy sản chuyển mục đích sử dụng sang tiêu thụ nội địa có nguồn gốc nhập khẩu để sản xuất xuất khẩu hoặc gia công xuất khẩu.
Hiệp hội cũng kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và Bộ NN&PTNT quan tâm chỉ đạo thiết lập hệ thống dữ liệu đầu vào nguyên liệu, liên thông từ cảng cá đến trung ương và có kế hoạch xây dựng chợ đấu giá hải sản. Vì đây là cơ sở hạ tầng để làm tiền đề cho phát triển nghề cá bền vững và kinh tế biển.
Những thay đổi, cải thiện về chính sách là động lực và sự động viên giúp doanh nghiệp giảm bớt những áp lực khó khăn từ thị trường và những thách thức của năm 2023.
“Năm 2024 được dự báo còn nhiều bất ổn từ thị trường thế giới, cộng đồng doanh nghiệp thủy sản tiếp tục mong chờ sự đồng hành và hỗ trợ của Chính phủ và các cơ quan bộ ngành bằng việc kịp thời tháo gỡ những vướng mắc tồn đọng đang làm ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất xuất khẩu của ngành thủy sản”, VASEP nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm
04:30, 06/01/2024
04:30, 07/01/2024
03:50, 04/01/2024
04:30, 05/12/2023
03:30, 05/12/2023
11:00, 12/11/2023