Xuất khẩu thuỷ sản nửa đầu năm 2024 đã ghi nhận những tín hiệu phục hồi tích cực. Tuy nhiên, ngành thuỷ sản còn nhiều yếu tố ngoại cảnh khó dự đoán có thể ảnh hưởng đến các doanh nghiệp.
>>>Việt Nam xuất khẩu thủy sản lớn thứ 5 vào Singapore
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), trong nửa đầu nam nay, xuất khẩu thủy sản mang về trên 4,4 tỷ USD, tăng gần 7% so với cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu tôm mang về hơn 1,6 tỷ USD, tăng 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, tôm chân trắng đạt gần 1,2 tỷ USD, tăng nhẹ 3%, tôm sú đạt trên 200 triệu USD, giảm 10%; xuất khẩu tôm hùm tăng mạnh, gấp 57 lần so với cùng kỳ và đạt hơn 130 triệu USD.
Xuất khẩu cá tra trong nửa đầu năm nay cũng tăng gần 6% so với cùng kỳ, đạt 922 triệu USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá ngừ nửa đầu năm nay tăng gần 25%, đạt 477 triệu USD, chủ yếu nhờ phân khúc cá đóng hộp, đóng túi tăng mạnh.
Về thị trường xuất khẩu, Vasep cho biết, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam sang hai thị trường lớn là Mỹ và Trung Quốc đều ghi nhận mức tăng trưởng cao. Theo đó, 6 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đạt 733 triệu USD tăng 9%, sang Trung Quốc - Hồng Kông tăng 7% đạt 766 triệu USD.
"Kinh tế Mỹ năm nay có những tín hiệu lạc quan. Lạm phát tại Mỹ đã giảm nhanh từ 9% xuống còn 3% trong năm nay và Mỹ sẽ sớm có động thái cắt giảm lãi suất trong năm 2024 để kích cầu tiêu dùng. Do đó, đây sẽ là cơ hội tốt cho các nhà xuất khẩu Việt Nam", Vasep đánh giá.
Cũng theo Vasep, xuất khẩu thủy sản sang thị trường EU trong nửa đầu năm 2024 đạt 513 triệu USD, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái. Hiện thị trường EU đang có xu hướng ổn định dần dần. Giá cả thị trường và tiêu dùng đang ổn định, đồng thời lạm phát thủy sản tiếp tục giảm xuống mức 2,1% trong tháng 5. Dự báo nhu cầu và nhập khẩu thủy sản của EU sẽ tăng trở lại sau kỳ nghỉ hè ở châu Âu.
"Hi vọng tình hình xuất khẩu trong năm 2024 sẽ ổn định đúng chu kỳ thông thường, tăng tốc vào quý III và quý IV. Như vậy, kim ngạch xuất khẩu sẽ cao hơn khoảng 15% so với cùng kỳ năm 2023, đạt trên 5,5 tỷ USD, đưa kết quả xuất khẩu cả năm 2024 tới gần 10 tỷ USD, tăng 12% so với năm 2023", Vasep kỳ vọng.
Đánh giá về triển vọng ngành thủy sản nửa cuối năm 2024, Công ty Chứng khoán KBSV cho rằng, các thị trường lớn đều bắt đầu có những tín hiệu phục hồi tuy nhiên tốc độ hồi phục chậm và còn nhiều yếu tố khó đoán. Các Ngân hàng Trung ương lớn đã bắt đầu cho thấy động thái cắt giảm lãi suất, điển hình như ECB đã cắt giảm lãi suất vào đầu tháng 6, FED cũng kỳ vọng sẽ có đợt hạ lãi suất vào nửa cuối năm nay là những yếu tố tích cực hơn cho sức mua tiêu dùng. Việc Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường cũng có tác động tích cực cho các doanh nghiệp xuất khẩu từ Việt Nam.
Tuy nhiên, KBSV cho rằng, ngành thuỷ sản còn nhiều yếu tố ngoại cảnh khó dự đoán có ảnh hưởng đến ngành như: mức thuế chống bán phá; căng thẳng chính trị làm giá cước vận tải tăng phi mã; thẻ vàng IUU ảnh hưởng tới xuất khẩu sang EU. Bên cạnh đó, thuỷ sản Việt Nam ngày càng phải cạnh tranh với thuỷ sản giá rẻ từ các nước khác, đòi hỏi các doanh nghiệp phải nâng cao năng lực chế biến sâu.
Đối với thị trường Mỹ, toàn ngành đang chờ những quyết định chính thức về mức thuế chống trợ cấp và chống bán phá giá, ngoài ra thị trường này đang phải cạnh tranh quyết liệt với tôm Ecuador với lợi thế gần hơn và giá thành rẻ hơn so với tôm Việt Nam. Xuất khẩu sang Trung Quốc lại hưởng lợi nhờ lợi thế địa lý và nước này đang hạn chế nguồn tôm từ Ecuador và Ấn Độ do có dư lượng sulfite.
“Thị trường Nhật Bản dù nhu cầu phục hồi chậm nhưng lại ưa chuộng các sản phẩm chế biến sâu, đây là lợi thế của tôm Việt Nam so với tôm từ các nước khác, doanh nghiệp nào có khả năng chế biến sâu tập trung vào thị trường này sẽ hưởng lợi”, KBSV đánh giá.
Theo đó, các doanh nghiệp tôm đều tìm những hướng đi riêng cho mình trong bối cảnh xuất khẩu hồi phục chậm và gặp nhiều cạnh tranh với tôm từ Ecuador và Ấn Độ. FMC tập trung vào tôm chế biến sâu, đánh mạnh vào thị trường Nhật Bản. MPC gặp khó tại thị trường Mỹ nên đã có ý định quay về thị trường nội địa khi hợp tác chiến lược với chuỗi Bách Hoá Xanh. CMX lại có ý định mở thêm mảng chế biến cá và xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc khi hợp tác với chuỗi siêu thị lớn nhất nước này là Emart.
Đối với ngành xuất khẩu cá tra, KBSV cho rằng, sự phục hồi của thị trường chính là Mỹ giúp xuất khẩu cá tra có nhiều kỳ vọng trong nửa cuối năm, bên cạnh đó Mỹ và phương Tây cũng ban sắc lệnh cấm cá minh thái từ Nga giúp cá tra Việt Nam hưởng lợi. Giá cá tra xuất khẩu dự báo cũng sẽ có khả năng hồi phục nhẹ trong nửa cuối năm do thiếu hụt nguồn cung nguyên nhân do giá thấp cùng với thời tiết bất lợi khiến nhiều hộ nông dân hạn chế thả nuôi mới.
Tuy nhiên, xuất khẩu tới các thị trường Mỹ, EU bị ảnh hưởng khá nhiều khi giá cước tăng cao, ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận các công ty. Các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra đều kỳ vọng hồi phục vào nửa cuối năm khi các nền kinh tế lớn hồi phục nhu cầu.
“Chúng tôi nhận thấy VHC là doanh nghiệp đầu ngành, có khả năng mở rộng thị trường và quản lý chi phí tốt, đặc biệt hưởng thuế chống bán phá giá bằng 0 tại thị trường Mỹ nên sẽ có triển vọng kinh doanh tích cực nhất trong các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra. Các doanh nghiệp như IDI, ANV cũng được kỳ vọng sẽ hồi phục xuất khẩu, tuy nhiên triển vọng sẽ kém hơn so với VHC”, KBSV đánh giá.
Có thể bạn quan tâm
Hải Phòng: Quyết tâm cùng cả nước tháo gỡ “thẻ vàng” thủy sản
00:06, 09/07/2024
Tăng tốc cải cách thủ tục hành chính: Thủ tục truy xuất nguồn gốc thủy sản bất cập
14:05, 02/07/2024
Phát động Cuộc thi Đổi mới sáng tạo ngành thuỷ sản Bà Rịa - Vũng Tàu năm 2024
10:09, 27/06/2024
Khơi thông dòng cho nông, lâm, thuỷ sản chảy ra thế giới
03:30, 15/06/2024
Nuôi biển - trụ cột phát triển bền vững kinh tế thuỷ sản
04:30, 08/06/2024