Nghị định 20 giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế.
Mới đây (27/11), Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Bộ Tài chính đã tổ chức Hội nghị đối thoại về chính sách và thủ tục hành chính thuế, hải quan năm 2018.
Có thể bạn quan tâm
15:30, 27/11/2018
08:30, 17/11/2018
01:13, 19/11/2018
Nhiều ông lớn "lo lắng"
Tháng 2/2017, Chính phủ ban hành Nghị định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với các doanh nghiệp có giao dịch liên kết. Có hiệu lực từ 1/5/2017, nghị định này nhằm quản lý, chống thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp với các doanh nghiệp có quan hệ liên kết. Đối tượng áp dụng là doanh nghiệp cả trong và ngoài nước.
Đáng chú ý Nghị định 20 là quy định khống chế tỷ lệ lãi vay. Khoản 3, Điều 8 Nghị định này quy định: “Tổng chi phí lãi vay phát sinh trong kỳ của người nộp thuế được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp không vượt quá 20% của tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế”. Khi đó, phần chi phí lãi vay vượt quá 20% sẽ bị coi là chi phí không hợp lý và bị tính thuế.
Về vấn đề này, đại diện nhiều doanh nghiệp cho rằng, Nghị định 20 đang gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, khiến họ đứng trước nguy cơ từ lãi thành lỗ.
Đại diện Ngân hàng Thương mại CP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) cho rằng Nghị định 20 không phù hợp, tạo sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp. Theo đó, công ty chứng khoán Vietcombank chỉ phát sinh giao dịch liên kết trong hoạt động đi thuê văn phòng với công ty mẹ, không hề phát sinh lãi vay với các doanh nghiệp liên kết.
“Thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp của công ty mẹ, công ty liên kết cũng như công ty chứng khoán Vietcombank đều là 20%. Tôi đánh giá mục tiêu và động lực để các công ty thực hiện hoạt động chuyển giá gần như không có. Nhưng trao đổi với Cục thuế Hà Nội, Tổng cục Thuế, chúng tôi vẫn phải chịu khống chế trần chi phí lãi vay 20%. Tính ra, phải kê khai và nộp thuế bổ sung với phần chi phí vượt quá giới hạn này, đây là quy định không phù hợp, hạn chế hoạt động doanh nghiệp, tạo sự bất bình đẳng giữa doanh nghiệp có giao dịch liên kết và không có giao dịch liên kết”, đại diện Vietcombank nhận xét.
Chuyên gia nói phù hợp với thông lệ quốc tế
Về vấn đề này, ông Cao Anh Tuấn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Thuế cho rằng, Việt Nam đang hội nhập sâu với kinh tế thế giới, doanh nghiệp Việt Nam cũng như doanh nghiệp FDI có rất nhiều công ty có hoạt động đầu tư liên kết.
“Trong hàng nghìn doanh nghiệp có giao dịch liên kết, khối các doanh nghiệp FDI không doanh nghiệp nào kêu về việc này. “Chúng ta vào cuộc chơi toàn cầu nên không có lý do gì để doanh nghiệp Việt đứng ngoài cuộc. Nghị định 20 không những chống chuyển giá, hạn chế xói mòn nguồn thu mà còn giúp lành mạnh nền tài chính quốc gia, hạn chế việc doanh nghiệp vốn mỏng, chủ yếu đầu tư dựa vào vốn vay ngân hàng”.
Trong bối cảnh này, Nghị định 20 thực hiện trên cơ sở kiến nghị của các nước OECD và các nước G20 yêu cầu các nước tập trung chống chuyển giá và xói mòn nguồn thu. Việt Nam là nước thứ 100 gia nhập diễn đàn BEPS về chống xói mòn nguồn thu. BEPS đưa ra quy định khống chế lãi vay trên từ 10- 30% và Chính phủ Việt Nam đã cân nhắc chọn mức trung bình là 20% trên cơ sở khảo sát 12.000 Tập đoàn trên toàn cầu. “Nói như vậy để thấy, quy định này hoàn toàn có cơ sở. Chúng ta đã tính tới thực tế của Việt Nam”, ông Tuấn khẳng định.Về vấn đề này bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, việc khống chế trần chi phí lãi vay 20% theo yêu cầu của Nghị định 20 là hoàn toàn hợp lý, phù hợp thông lệ quốc tế. Thậm chí, theo bà Cúc một số quốc gia đưa mức trần lên 25 - 30%.
Tuy nhiên, bà Cúc cho rằng, đối với Việt Nam, quy định thuế phải phù hợp với điều kiện quốc tế, nhưng cũng phải thích hợp với điều kiện Việt Nam.
Với doanh nghiệp mới, vốn thấp thì cần vay để phát triển sản xuất kinh doanh, ta khống chế lãi vay trong khi quy định chưa khống chế vốn vay, nhưng với các bên liên kết vay thì khống chế thì dẫn tới khó khăn với doanh nghiệp Việt Nam. Với doanh nghiệp FDI thì họ chấp nhận những điều kiện cụ thể thì cần xem xét lại để vừa phù hợp thông lệ quốc tế vừa phù hợp Việt Nam, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam phát triển.