Căng thẳng thương mại gia tăng giữa EU và Trung Quốc có nguy cơ dẫn tới các biện pháp trả đũa tiềm tàng trong nhiều lĩnh vực, tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu.
>> Ngành ô tô châu Âu "nổi giận", EU sẽ đảo ngược chính sách thuế?
Căng thẳng thương mại giữa Trung Quốc và EU đã gia tăng, nhưng các nhà sản xuất máy bay không người lái và hàng không hàng đầu châu Âu hy vọng tác động của cuộc căng thẳng này đối với thương mại và hợp tác hàng không song phương sẽ bị hạn chế.
Tại Eurosatory, một trong những triển lãm quốc phòng lớn nhất châu Âu tại Paris, đại diện Airbus Helicopter Emmanuel Huberdeau cho biết, ông hy vọng hoạt động kinh doanh của công ty ông tại châu Á - Thái Bình Dương, bao gồm cả Trung Quốc, sẽ không bị ảnh hưởng đáng kể bởi căng thẳng EU - Trung Quốc.
"Airbus Helicopters và Airbus đã hợp tác rất nhiều với Trung Quốc. Trong khía cạnh dân sự, chúng tôi có sự hợp tác rất tốt với Trung Quốc. Vì vậy, tôi không mong việc hợp tác chịu tác động tiêu cực từ căng thẳng thương mại", ông Huberdeau cho biết.
Trong số các sản phẩm được Airbus trưng bày lần này có Eurodrone, một UAV chiến đấu đang được Pháp, Đức, Italia và Tây Ban Nha cùng phát triển, dự kiến sẽ đi vào hoạt động vào năm 2030 và có thể xuất khẩu sang các khu vực khác, bao gồm cả châu Á - Thái Bình Dương.
Tuần trước, Ủy ban châu Âu tuyên bố rằng họ sẽ áp thuế tạm thời lên tới 38,1% đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc, bắt đầu từ tháng 7/2024. Ngay sau đó, Bộ Thương mại Trung Quốc tuyên bố sẽ mở cuộc điều tra chống bán phá giá đối với thịt lợn và các sản phẩm từ thịt lợn nhập khẩu từ EU.
Các động thái này đang làm gia tăng bất ổn trong hoạt động thương mại giữa hai nền kinh tế lớn, khiến cho nhiều doanh nghiệp tại châu Âu cảm thấy lo ngại. Ông Alberto Herranz, Giám đốc Hiệp hội các nhà sản xuất thịt lợn Tây Ban Nha cho biết: "Chúng tôi có khả năng đối mặt với những thách thức mới này, buộc chung tôi phải vượt qua khó khăn và biến những rủi ro thành cơ hội".
Theo phát ngôn viên của Airbus, căng thẳng thương mại đang là thách thức đối với các doanh nghiệp toàn cầu. "Chúng tôi thấy căng thẳng thương mại gia tăng trên toàn thế giới và điều này đang thử thách khả năng phục hồi của các công ty toàn cầu như Airbus", người phát ngôn này cho biết.
>> Đánh thuế xe điện Trung Quốc, châu Âu sẽ chịu thiệt?
Trước đó, Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đã ký một biên bản ghi nhớ với Airbus trong chuyến thăm Paris của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng trước, cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực hàng không và các lĩnh vực mới nổi có liên quan.
Airbus cũng đang đàm phán với Trung Quốc về một đơn đặt hàng máy bay tiềm năng. Nhưng căng thẳng thương mại gia tăng đã gây ra lo ngại về các biện pháp trả đũa tiềm tàng từ Bắc Kinh, bao gồm cả trong lĩnh vực hàng không.
Theo truyền thống, Trung Quốc thường chia đều nhu cầu nhập khẩu giữa Airbus và đối thủ cạnh tranh đến từ Hoa Kỳ là Boeing, nhưng đơn đặt hàng máy bay Boeing của Trung Quốc rất khan hiếm trong những năm gần đây do những bất ổn trong quan hệ Trung Quốc - Hoa Kỳ.
Có thể thấy, việc Bắc Kinh thúc đẩy sản xuất đã làm dấy lên mối lo ngại về tình trạng dư thừa năng lực, có thể dẫn đến cuộc chiến giá cả. Ông Jens Eskelund, chủ tịch Phòng Thương mại châu Âu tại Trung Quốc cho biết, hiện các doanh nghiệp đã chứng kiến tình trạng dư thừa năng lực sản xuất trên mọi phương diện, dù là hóa chất, kim loại hay xe điện. Ông cho biết thêm: “Hai bên cần phải có một cuộc đối thoại trung thực để làm giảm căng thẳng và đảm bảo hầu hết các luồng thương mại không bị gián đoạn".
Tranh chấp thương mại với EU phản ánh căng thẳng giữa Trung Quốc và phương Tây đang ngày một gia tăng. Bắc Kinh đã trừng phạt các nhà sản xuất vũ khí của Mỹ và có thể mở rộng lệnh trừng phạt này để bao gồm các đồng minh khác của Washington vì đã cung cấp vũ khí cho các quốc gia ở khu vực Châu Á - Thái Bình Dương hoặc căng thẳng thương mại sẽ lan sang lĩnh vực quân sự.
Có thể bạn quan tâm