Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc

TRƯỜNG ĐẶNG 28/01/2024 04:00

Sau khi phát động cuộc điều tra trợ cấp ngành xe điện của Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục phải đối mặt với sức ép tương tự trong một ngành công nghiệp khác– đóng tàu biển.

Ngành đóng tàu châu Âu đang lo sợ bị lép vế bởi các nhà sản xuất Trung Quốc

Ngành đóng tàu châu Âu đang lo sợ bị lép vế bởi các nhà sản xuất Trung Quốc

Thách thức mới cho quan hệ EU - Trung Quốc

Các công ty đóng tàu châu Âu đã gióng lên hồi chuông cảnh báo, tìm kiếm sự can thiệp từ Ủy ban châu Âu (EC) để giải quyết những sai lệch do trợ cấp của Trung Quốc gây ra cho ngành đóng tàu của họ.

>>Doanh nghiệp Đức "loay hoay" ở Trung Quốc

Theo các nghiệp đoàn đóng tàu Châu Âu, sự hỗ trợ tài chính trong nhiều năm của nhà nước Trung Quốc dành cho các công ty đóng tàu đã làm suy yếu đáng kể khả năng cạnh tranh của các công ty châu Âu.

Nhưng EU cũng không dễ dàng theo đuổi vụ việc này. Vì tàu và dịch vụ vận chuyển không phải lúc nào cũng được nhập khẩu trực tiếp vào EU mà thường hoạt động trong vùng biển quốc tế nên các công ty châu Âu được cho sẽ gặp hạn chế trong việc sử dụng các công cụ pháp lý.

Một quy định riêng năm 2016 chống lại việc định giá tàu không công bằng đã bị đình trệ vì Trung Quốc và Hàn Quốc chưa phê chuẩn một thỏa thuận đóng tàu quốc tế mà nước này dựa vào.

Theo đó, Hiệp hội Thiết bị Hàng hải & Nhà máy Đóng tàu châu Âu đã yêu cầu rõ ràng về khả năng áp dụng Quy định Trợ cấp Nước ngoài của EU đối với ngành công nghiệp của họ, với hy vọng chống lại sự cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc.

Người phát ngôn của EC Lea Zuber nói các quy định trợ cấp nước ngoài mới "áp dụng cho trợ cấp nước ngoài đối với các hoạt động có trụ sở tại EU nên không áp dụng cho việc nhập khẩu hàng hóa được trợ cấp vào EU". Bà nói rằng việc đóng tàu ở Trung Quốc phải tuân theo các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới vì đây không phải là một hoạt động kinh tế ở EU.

Thị phần toàn cầu của các nhà máy đóng tàu châu Âu đã giảm mạnh từ khoảng 70% trong những năm 1960 xuống dưới 10% trong nửa đầu năm 2023. Sự suy giảm này không chỉ là vấn đề kinh doanh thua lỗ mà còn là một lỗ hổng chiến lược, vì châu Âu có nguy cơ mất đi khả năng đóng tàu công nghệ cao, nền tảng cho an ninh kinh tế.

>>Kinh tế Đức "cản bước" châu Âu

Christophe Tytgat thuộc Hiệp hội Thiết bị Hàng hải & Nhà máy Đóng tàu châu Âu cho biết ngành công nghiệp EU sẽ phải vật lộn để giữ thị phần còn lại trừ khi nhận được sự trợ giúp sớm. Các công ty Trung Quốc hiện đang xem xét việc chiếm lĩnh thị trường xây dựng du thuyền lớn hơn, một trong những điểm mạnh cuối cùng của EU.

Ông nói: “Việc mất đi năng lực công nghiệp và bí quyết đóng tàu công nghệ cao ở châu Âu sẽ trở thành một rủi ro an ninh kinh tế”.

Dù chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng các hiệp hội đóng tàu châu Âu lo ngại họ sẽ sớm bị Trung Quốc vượt mặt nếu không có hỗ trợ từ EU

Dù chưa đến mức nghiêm trọng, nhưng các hiệp hội đóng tàu châu Âu lo ngại họ sẽ sớm bị Trung Quốc vượt mặt nếu không có hỗ trợ từ EU

Tăng thêm căng thẳng EU – Trung Quốc

Sức ép mới từ ngành đóng tàu châu Âu càng làm phức tạp hơn quan hệ thương mại với Trung Quốc, vốn đã chứng kiến nhiều căng thẳng từ lĩnh vực xe điện.

Quyết định của EC mở cuộc điều tra chống trợ cấp đối với xe điện Trung Quốc vào năm ngoái là minh chứng cho mối lo ngại ngày càng tăng về hoạt động mở rộng và trợ cấp mạnh mẽ của Trung Quốc trong các lĩnh vực chiến lược có thể đe dọa tới tham vọng của EU về công nghệ xanh và quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế carbon thấp.

Khái niệm tự chủ chiến lược đang ngày càng được các chính trị gia EU chấp nhận khi căng thẳng địa chính trị ngày càng lan rộng. Ngành công nghiệp đóng tàu, với những tác động của nó đối với an ninh hàng hải và sức mạnh công nghệ - giống xe điện - cũng có vai trò then chốt trong bối cảnh này.

Mất vị thế trong các lĩnh vực này không chỉ ảnh hưởng đến bối cảnh kinh tế của EU mà còn ảnh hưởng đến vị thế chiến lược và khả năng hành động độc lập của EU trên trường toàn cầu.

Christophe Tytgat cho biết, việc để thua các nhà máy đóng tàu của Trung Quốc cũng đồng nghĩa với việc mất đi khả năng xây dựng ở EU. Ông nói: “Đó là vấn đề về quyền tự chủ chiến lược. Nếu chúng tôi không có khả năng tự đóng tàu, chúng tôi sẽ phải dựa vào các nước đối thủ. Chúng tôi chưa đến mức như ngành sản xuất tấm pin mặt trời, nhưng EU cần phải hành động càng sớm càng tốt để bảo vệ các doanh nghiệp châu Âu”.

Có thể bạn quan tâm

  • Châu Âu vẫn

    Châu Âu vẫn "loay hoay" giải quyết bài toán lạm phát

    03:00, 08/01/2024

  • Xung đột Trung Đông phủ

    Xung đột Trung Đông phủ "bóng đen" hành lang kinh tế Ấn Độ - châu Âu

    03:30, 01/01/2024

  • Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    Bỏ hàng triệu USD thu hồi carbon, châu Âu loay hoay tìm kho chứa

    04:00, 28/12/2023

  • Pháp - Đức: Hai thái cực đối lập của châu Âu trong 2023

    Pháp - Đức: Hai thái cực đối lập của châu Âu trong 2023

    04:00, 27/12/2023

  • Châu Âu

    Châu Âu "chật vật" đi tìm động lực tăng trưởng

    03:30, 23/12/2023

  • Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ

    Mục tiêu phát thải ròng của châu Âu có nguy cơ "đổ bể"

    04:00, 17/12/2023

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Ngành đóng tàu "đổ thêm lửa" vào căng thẳng EU - Trung Quốc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO