Trong giai đoạn khó khăn như hiện nay, các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp một số khó khăn trong xoay trục tăng trưởng được dẫn dắt bởi động lực là xanh và số.
>>>Doanh nghiệp tận dụng lợi thế tiên phong chuyển đổi xanh
Nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam đã nhận thức và chủ động chuyển đổi số, chuyển đổi xanh bắt kịp các xu thế phát triển của toàn cầu. Theo Báo cáo hệ sinh thái đổi mới sáng tạo Việt Nam năm 2023, các doanh nghiệp Việt Nam cho thấy sự thay đổi về ưu tiên thực hiện đổi mới sáng tạo mở giữa các lĩnh vực hoạt động.
Cụ thể, ở lĩnh vực marketing và bán hàng, 73% số doanh nghiệp khảo sát lên kế hoạch thực hiện đổi mới sáng tạo trong tương lai, tăng 48% so với năm 2022; 51% doanh nghiệp khảo sát cho biết lĩnh vực nghiên cứu và phát triển (R&D) tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch đổi mới sáng tạo.
Cũng theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các doanh nghiệp đã có chuyển biến rõ rệt trong nhận thức về sự cần thiết phải chuyển đổi số. Nhiều doanh nghiệp đã thực hiện giai đoạn số hoá dữ liệu, chuẩn hoá quy trình, ứng dụng công nghệ số và tiến tới chuyển đổi số ở phạm vi rộng hơn, đồng bộ hơn.
Tuy nhiên, đánh giá chung ở cấp độ quốc gia, phương diện đầu tư vốn cho hoạt động khoa học - công nghệ đổi mới sáng tạo năm 2023 của Việt Nam chưa được cải thiện. Mức đầu tư vào R&D so với GDP của hệ sinh thái Việt Nam vẫn còn thấp và có xu hướng giảm.
Năm 2023, con số được ghi nhận về mức đầu tư R&D so với GDP của Việt Nam là 0.4%, thấp hơn mức trung bình của khu vực Đông Nam Á, xếp hạng 66 toàn cầu, giảm 7 bậc so với năm 2022, thậm chí còn thấp hơn cả xếp hạng của năm 2021. Trong khi đó, các nước trong khu vực đã có sự gia tăng về nguồn vốn đầu tư vào hoạt động này và nhanh chóng vươn lên trên bảng xếp hạng năm 2023 như Thái Lan tăng 1,3% (tăng 4 hạng), Singapore tăng 2.2% (tăng 3 hạng), Malaysia tăng 1%.
Bà Mira Nagy - Trưởng hợp phần dự án Go Circular của Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức (GIZ) cho biết: từ nhiều nghiên cứu đánh giá tổng quan cho thấy, quá trình chuyển đổi xanh ở Việt Nam gặp nhiều thách thức, đặc biệt những doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn hơn. Tuy nhiên, cần nhìn thách thức này như là một cơ hội. Khi đối mặt với bài toán khó và nỗ lực tìm cách vượt qua, doanh nghiệp sẽ trở thành người tiên phong, từ đó mở ra nhiều cơ hội tiếp cận với các chương trình hỗ trợ hoặc hợp tác khác.
Từ góc độ chuyên gia tư vấn, TS. Nguyễn Phương Nam - chuyên gia đánh giá quốc tế về báo cáo kiểm kê khí nhà kính của Liên Hợp Quốc (UNFCCC) nhấn mạnh: chuyển đổi xanh cần nhiều nguồn lực nhưng đa phần doanh nghiệp Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, thiếu các nguồn lực về tài chính, nhân lực và cả kiến thức.
Tuy nhiên, theo TS. Nguyễn Phương Nam, chính vì nguồn lực hạn chế nên doanh nghiệp cần xem xét là chuyển đổi bằng cách nào? Trước khi trông chờ vào sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, doanh nghiệp cần xác định rõ đâu là lợi thế cạnh tranh của sản phẩm để xác định chuyển đổi theo hướng mũi nhọn.
Thay vì dàn trải cho tất cả sản phẩm đang có tốn nhiều nguồn lực và ảnh hưởng đến lợi nhuận trong ngắn hạn của doanh nghiệp nên tập trung nguồn lực chuyển đổi xanh cho một số dòng sản phẩm, ngành hàng mang tính cạnh tranh nhất. “Tạo ra một sản phẩm có chỗ đứng trên thị trường đã là khó khăn nhưng để chuyển đổi sản phẩm đó thành hàng hoá xanh thì doanh nghiệp còn phải vượt qua khó khăn gấp nhiều lần. Vì vậy, trong quá trình chuyển đổi, doanh nghiệp nhỏ và vừa cần linh hoạt, chủ động chuyển đổi dựa trên lợi thế cạnh tranh và thị trường trọng điểm” - TS. Nguyễn Phương Nam chia sẻ.
>>>Chuyển đổi xanh không còn là lựa chọn mà là con đường phải đi
Nhìn nhận ở góc độ tích cực, nhiều chuyên gia cho rằng, với quy mô vừa và nhỏ, doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội hơn là thách thức. Khi chuyển đổi xanh và số, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống quản trị nội bộ chuẩn chỉnh. Việc chuyển đổi này không mất quá nhiều chi phí, thời gian thực hiện nhanh hơn so với hệ thống lớn của tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia có thể liên quan đến cả chuỗi giá trị, chuỗi cung ứng toàn cầu ở nhiều quốc gia, khu vực.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nhỏ và vừa có nhiều lợi thế khác cần được phát huy để chuyển đổi sớm như tính chủ động, linh hoạt, dễ ứng biến, dễ thích nghi… Quan trọng hơn, đầu tư sớm, chi phí thấp hơn và lợi ích thu lại lớn hơn rất nhiều.
Ở cấp độ vĩ mô, TS. Nguyễn Bích Lâm - nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng, Chính phủ cần nắm bắt thời cơ, kiến tạo động lực mới cho phát triển; khẩn trương xây dựng chiến lược với các giải pháp đồng bộ, toàn diện trên cơ sở kế hoạch và lộ trình thực hiện chi tiết, cụ thể để tạo dựng và phát triển một số ngành, lĩnh vực đóng vai trò là động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế cũng như dẫn dắt quá trình xoay chuyển tăng trưởng của doanh nghiệp. Đó là các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo…
Có thể bạn quan tâm
Ba thách thức của doanh nghiệp Việt khi chuyển đổi xanh
03:00, 12/01/2024
Tầm nhìn xanh để chuyển đổi xanh ngành công nghiệp
05:00, 24/12/2023
Phương án tài chính để chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
12:03, 03/12/2023
Thấy gì từ Diễn đàn chuyển đổi xanh của Việt Nam bên lề COP28?
15:04, 02/12/2023
Vai trò dẫn dắt của ngân hàng trong công cuộc chuyển đổi xanh
05:20, 23/11/2023
Cần 368 tỷ USD để theo đuổi lộ trình chuyển đổi xanh
13:40, 22/11/2023
Các nhóm giải pháp chuyển đổi xanh cho doanh nghiệp
12:37, 10/10/2023
Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh hay chấp nhận “đào thải”
14:18, 03/10/2023
Bắt nhịp xu thế chuyển đổi số, chuyển đổi xanh
12:24, 02/10/2023
Doanh nghiệp buộc phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh để thích ứng
18:00, 30/09/2023
"Bước đi" mới của EU trong chuyển đổi xanh, giảm phụ thuộc Trung Quốc
03:30, 30/09/2023