Doanh nghiệp ứng phó ra sao với biện pháp phòng vệ thương mại?

MINH VÂN 06/08/2022 01:00

Doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam gặp khó khăn hơn trong việc ứng phó, xử lý với các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại có mức độ, tính chất ngày càng phức tạp.

>>>Cần cải thiện năng lực ứng phó phòng vệ thương mại

Ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Mỹ (ảnh minh hoạ)

Ngành gỗ Việt Nam đang đối mặt với 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại của Mỹ.

Không chủ quan với điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

Việc tham gia các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng như CPTPP, EVFTA, RCEP… đã mở ra cơ hội lớn để  hàng hoá Việt Nam tiếp cận nhiều hơn thị trường nước ngoài. Song, ở khía cạnh khác, hàng hoá xuất khẩu của nước ta cũng đối mặt với nhiều thách thức. Một trong những thách thức đó là nguy cơ gia tăng điều tra, áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM).

Theo Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương), đến hết tháng 7 năm 2022, hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam là đối tượng của 220 vụ việc điều tra PVTM của nước ngoài; trong đó, số vụ việc điều tra từ năm 2011 đến nay là 173 vụ, chiếm 78%.

Về mặt bản chất, PVTM là xu thế tất yếu của quá trình hội nhập. Đây là công cụ hợp pháp được Tổ chức Thương mại thế giới và các cam kết trong FTA cho phép các nước thành viên được quyền áp dụng khi một mặt hàng nhập khẩu tạo ra áp lực cạnh tranh lớn với ngành sản xuất của nước nhập khẩu. Vì thế, khi xuất khẩu tăng lên thì nguy cơ đối diện với tần suất bị điều tra PVTM cũng tăng theo.

Tuy nhiên, Cục Phòng vệ thương mại cảnh báo một xu hướng đáng lưu ý trong thời gian gần đây. Đó là số lượng các vụ việc chống lẩn tránh nhằm vào hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam đang có dấu hiệu tăng lên do cáo buộc Việt Nam sử dụng nguyên liệu chính hoặc các hình thức khác nhau để lẩn tránh thuế PVTM đang được áp dụng với một quốc gia, lãnh thổ khác.

Điển hình là ngành gỗ có kim ngạch xuất khẩu lớn của Việt Nam đang phải đối mặt với 2 vụ việc điều tra chống lẩn tránh thuế PVTM do Mỹ khởi xướng với cáo buộc Việt Nam nhập khẩu nguyên liệu chính, sau đó lắp ráp, chế biến giản đơn tại Việt Nam rồi xuất khẩu thành phẩm sang Mỹ nhằm lẩn tránh thuế PVTM mà Mỹ đang áp dụng với sản phẩm cùng loại từ Trung Quốc hoặc một số quốc gia khác.

Theo đánh giá của Cục Phòng vệ thương mại, nếu các doanh nghiệp không tích cực, nỗ lực tham gia điều tra thì kết quả sẽ rất tiêu cực. Lấy ví dụ, trường hợp Mỹ kết luận sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam có hành vi lẩn tránh thuế PVTM đúng như cáo buộc, nước này có thể áp mức thuế đang áp dụng với Trung Quốc. Mức thuế trong cả 2 vụ việc gốc với Trung Quốc hiện tại khá cao. Khi bị áp thuế, các doanh nghiệp Việt Nam gặp khó khăn hơn khi xuất khẩu vào thị trường Mỹ.

Phân tán rủi ro để hạn chế bị điều tra phòng vệ thương mại

Khẳng định khi hàng hoá Việt Nam gia tăng xuất khẩu thì nguy cơ va vấp các biện pháp PVTM càng nhiều hơn, ông Chu Thắng Trung - Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại chia sẻ thêm về mức độ, tính chất phức tạp của các vụ việc điều tra PVTM trong thời gian gần đây.

“Các quốc gia tiếp tục có sự điều chỉnh, hoàn thiện, thay đổi về PVTM. Trước đây, chúng ta thường gặp điều tra chống bán phá giá, điều tra chống trợ cấp và gần đây là điều tra lẩn tránh PVTM. Ngoài ra, trong nhiều vụ việc điều tra đưa ra biện pháp kỹ thuật mới như điều tra tình hình thị trường đặc biệt nằm trong phạm vi chống bán phá giá. Đây là căn cứ để cho cơ quan điều tra không lấy dữ liệu do doanh nghiệp cung cấp mà sử dụng dữ liệu đối chiếu của bên thứ ba, gây bất lợi lớn cho doanh nghiệp xuất khẩu” - ông Chu Thắng Trung cho biết.

Nguy cơ điều tra PVTM có thể xuất hiện bất kỳ lúc nào, bất kỳ ngành hàng nào theo hướng phức tạp và tinh vi hơn. Ông Chu Thắng Trung cho biết thêm: thị trường áp dụng biện pháp điều tra PVTM ngày càng mở rộng, ngoài Mỹ, Canada, Úc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ, EU đã xuất hiện thêm thị trường trước đây chưa bao giờ điều tra PVTM như thị trường trong khối ASEAN, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc)…

Mật ong cũng là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá (ảnh minh hoạ)

Mật ong cũng là mặt hàng bị điều tra chống bán phá giá.

Trước đây, các ngành hàng xuất khẩu kim ngạch lớn mới bị điều tra thì gần đây những sản phẩm có giá trị và lượng xuất khẩu trung bình cũng bị điều tra và tập trung vào 1-2 doanh nghiệp nên mức độ ảnh hưởng, tác động đến doanh nghiệp lớn. Các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn về quy trình, thủ tục, yêu cầu thông tin… khiến doanh nghiệp gặp khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý.

Trước những thách thức trên, để các doanh nghiệp khi bước ra biển lớn hạn chế bị điều tra PVTM, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại Chu Thắng Trung khuyến cáo: thứ nhất cần phân tán rủi ro, cố gắng đa dạng hoá thị trường xuất khẩu, mặt hàng xuất khẩu bởi bỏ hết trứng vào một giỏ rất nguy hiểm, chưa kể, điều tra PVTM rất chú trọng vào mặt hàng cụ thể. 

Thứ hai, giải pháp lâu dài và hữu hiệu nhất là nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm để phát triển bền vững, giảm thiểu được nguy cơ, loại bỏ rủi ro bị điều tra, áp dụng các biện pháp chống lẩn tránh của các nước nhập khẩu,.

Thứ ba, cần hoàn thiện hệ thống truy xuất nguồn gốc, hệ thống sổ sách kế toán để trong trường hợp gặp rủi ro có thể cung cấp bằng chứng rõ ràng, có sự đối chiếu.

Thứ tư, cần hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra nước ngoài trước đây nhiều doanh nghiệp ngại ngần vì sợ mất nhiều nguồn lực nhưng nếu né tránh kết quả gây bất lợi cho doanh nghiệp.

Cuối cùng là thực hiện sản xuất kinh doanh theo đúng pháp luật, tuyệt đối không tham gia, tiếp tay cho các hành vi gian lận xuất xứ, chuyển tải bất hợp pháp. Thực tiễn cho thấy, nếu phát hiện các hành vi này, nước nhập khẩu sẽ áp dụng chế tài trừng phạt rất nặng, trong nhiều trường hợp doanh nghiệp sẽ mất toàn bộ thị trường xuất khẩu liên quan và ảnh hướng đến cả ngành sản xuất.

Ngoài ra, để làm tốt hơn công tác hỗ trợ, bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp, theo ông Chu Thắng Trung, Bộ Công Thương đang xây dựng Hệ thống cảnh báo sớm các vụ việc PVTM để doanh nghiệp có thể tiếp cận các thông tin và tư vấn cảnh báo hiệu quả; nâng cao năng lực PVTM cho hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp, các địa phương và các tổ chức tư vấn, đào tạo nguồn nhân lực cho công tác PVTM. 

Có thể bạn quan tâm

  • Nguy cơ tủ gỗ xuất khẩu bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

    Nguy cơ tủ gỗ xuất khẩu bị khởi xướng điều tra chống lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại

    17:00, 07/05/2022

  • Hoa Kỳ gia hạn kết luận cuối cùng về phòng vệ thương mại với gỗ dán cứng

    Hoa Kỳ gia hạn kết luận cuối cùng về phòng vệ thương mại với gỗ dán cứng

    16:00, 25/04/2022

  • Gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đường mía

    Gia hạn thời gian điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại đường mía

    15:37, 19/03/2022

  • Chuẩn bị sâu các dữ liệu sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

    Chuẩn bị sâu các dữ liệu sẵn sàng ứng phó với các vụ kiện phòng vệ thương mại

    04:10, 21/11/2021

  • Doanh nghiệp bị kiện phòng vệ thương mại, có nên kiện lại để trả đũa?

    Doanh nghiệp bị kiện phòng vệ thương mại, có nên kiện lại để trả đũa?

    03:30, 21/11/2021

  • Thúc đẩy giao thương Việt Nam- Hoa Kỳ: Làm gì để tránh phòng vệ thương mại?

    Thúc đẩy giao thương Việt Nam- Hoa Kỳ: Làm gì để tránh phòng vệ thương mại?

    14:26, 16/11/2021

  • Tránh phòng vệ thương mại: Trông người để nhìn lại ta

    Tránh phòng vệ thương mại: Trông người để nhìn lại ta

    11:26, 14/11/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp ứng phó ra sao với biện pháp phòng vệ thương mại?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO