Giao thương

Doanh nghiệp xuất khẩu và lưu ý trong phòng vệ thương mại với Mỹ ?

NGUYỄN CHUẨN 10/08/2024 02:38

Cục Phòng vệ thương mại mới đây đã đưa ra một số lưu ý với các doanh nghiệp xuất khẩu trong chính sách phòng vệ thương mại theo quy định của Mỹ.

galaxy.jpeg

Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta ra các nước trên thế giới. Xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ trong vòng 7 tháng đầu năm 2024 đã đạt con số 66,09 tỷ USD, tăng 24,4% so với cùng kỳ (tương ứng tăng thêm 13 tỷ USD) và là thị trường có mức tăng trưởng xuất khẩu cao nhất. Tính bình quân trong 7 tháng qua, nước này đã chi gần 9,5 tỷ USD/tháng để mua hàng từ các nhà cung ứng Việt Nam.

pvtm1(1).png
Mỹ là thị trường xuất khẩu chủ lực và lớn nhất của Việt Nam trong năm 2024.

Tuy nhiên, nước Mỹ cũng là thị trường mà các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam gặp không ít rủi ro về phòng vệ thương mại. Theo thống kê của Tổ chức thương mại thế giới (WTO), Mỹ là nước điều tra, áp dụng nhiều biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhất với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam. Đến nay, nước này đã tiến hành điều tra 64 vụ trên tổng số 253 vụ việc nước ngoài điều tra với ta (chiếm 25%), gồm: 28 vụ việc chống bán phá giá (CBPG), 11 vụ việc chống trợ cấp (CTC), 22 vụ việc chống lẩn tránh thuế PVTM và 03 vụ việc tự vệ.

Theo Cục Phòng vệ thương mại Việt Nam (thuộc Bộ Công thương), mới đây việc Mỹ vẫn chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường (KTTT) tiếp tục có thể ảnh hưởng đến kết quả điều tra các vụ việc chống bán phá giá (CBPG) và các vụ việc chống trợ cấp (CTC) trong thời gian tới.

Cũng theo Cục Phòng vệ thương mại, trong các vụ việc điều tra CBPG, Mỹ sẽ sử dụng chi phí của một nước thứ ba (nước thay thế) để tính giá trị thông thường trong các vụ việc CBPG, khiến mức thuế CBPG tăng cao, không phản ánh đúng thực trạng sản xuất, xuất khẩu của nước ta.

Danh sách các nước thay thế cho Việt Nam được Mỹ cập nhật dựa trên 02 tiêu chí: Thứ nhất là có trình độ phát triển kinh tế tương đương với Việt Nam; Thứ hai là có số lượng đáng kể các nhà sản xuất sản phẩm tương tự với sản phẩm bị điều tra. Nếu có nhiều hơn một quốc gia đáp ứng cả hai yêu cầu trên thì Mỹ có thể lựa chọn một quốc gia duy nhất có dữ liệu sẵn có và chất lượng nhất. Theo đó, danh sách mới nhất cập nhật tháng 8 năm 2023 gồm 06 nước: Indonesia, Jordan, Ai Cập, Philippines, Morocco và Sri Lanka.

Theo quy định mới về điều tra PVTM chính thức có hiệu lực từ ngày 24 tháng 4 năm 2024 của Mỹ, khi lựa chọn nước thay thế để tính toán biên độ CBPG cho các nền kinh tế phi thị trường (trong đó có Việt Nam), DOC sẽ loại trừ, không lựa chọn các quốc gia trợ cấp xuất khẩu rộng rãi/ có trợ cấp hoặc bị áp thuế CBPG liên quan đến giá trị thay thế/ không thực thi và có cơ chế thực thi yếu, không hiệu quả các vấn đề liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ, quyền con người, lao động, môi trường do giá trị thay thế, ngưỡng chuẩn hay chi phí sản xuất tại các quốc gia này có khả năng bị bóp méo hoặc không phù hợp với nguyên tắc thị trường.

Trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia có nền KTTT có trình độ phát triển tương đương với Việt Nam thì DOC sẽ sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền KTTT có trình độ phát triển không tương đương.

Ngoài ra, quy định này cũng cho phép trong trường hợp không có đề xuất giá trị thay thế nào phù hợp từ một quốc gia là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra, thì DOC có thể sử dụng giá trị thay thế của một quốc gia có nền KTTT không phải là nhà sản xuất hàng hóa đáng kể có thể so sánh với hàng hóa bị điều tra. Điều này, trên thực tế có thể dẫn tới việc DOC chọn quốc gia thay thế là nước có trình độ phát triển cao hơn Việt Nam hoặc không có tính đại diện để so sánh, làm gia tăng giá trị thay thế, đẩy biên độ phá giá lên cao hơn.

Theo quy định của Mỹ, các bên liên quan có quyền gửi bình luận về việc lựa chọn nước và giá trị thay thế trong vòng thời hạn 30 ngày trước khi DOC ban hành kết luận sơ bộ của vụ việc (trong vòng 140 ngày kể từ ngày khởi xướng điều tra - có thể gia hạn). Các bên cũng có thể đề xuất nước thay thế không nằm trong Danh sách trên để DOC xem xét.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp bị điều tra đề xuất nước và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp với chi phí sản xuất của mình. Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cá tra - basa, tôm nước ấm, lốp xe… của ta đã sử dụng quyền này để đề xuất lựa chọn nước thay thế phù hợp và qua đó được hưởng mức thuế CBPG 0%.

Trong các vụ việc điều tra CTC, Mỹ cũng sử dụng ngưỡng chuẩn (benchmark) của nước thay thế khi tính toán biên độ trợ cấp, khiến mức thuế CTC tăng cao. Ví dụ, nước này có thể dùng lãi suất vay hay tiền thuê đất của nước khác làm ngưỡng chuẩn (thường ở mức cao) để so sánh với lãi suất vay hay tiền thuê đất của doanh nghiệp Việt Nam (thường ở mức thấp hơn) để tính lợi ích mà doanh nghiệp nhận được, khiến biên độ trợ cấp bị đẩy lên cao.

dmt.jpeg
Các doanh nghiệp cần nâng cao hiểu biết về công cụ phòng vệ thương mại và kỹ năng sử dụng công cụ này. Ảnh minh họa.

Do đó, để có kết quả tốt nhất, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam khi bị Hoa Kỳ điều tra áp dụng các biện pháp PVTM cần lưu ý:

Thứ nhất là chủ động xây dựng đề xuất nước thay thế (trong hay ngoài Danh sách của DOC) và nguồn dữ liệu thay thế phù hợp cho từng hạng mục chi phí ngay khi có thông tin về vụ việc. Doanh nghiệp có thể chủ động liên hệ và tham khảo thông tin từ các hiệp hội, doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội nước ngoài hoặc quốc tế liên quan đến sản phẩm bị điều tra, nhà nhập khẩu; tham khảo kinh nghiệm của các hiệp hội, doanh nghiệp có mức thuế thấp để tìm kiếm và xác định nước và nguồn dữ liệu thay thế công khai, phù hợp với các tiêu chí của DOC, phù hợp với giai đoạn điều tra.

Thứ hai là xây dựng bản lập luận và gửi đề xuất nước và giá trị thay thế đúng thời gian quy định. Và cuối cùng là hợp tác đầy đủ với cơ quan điều tra Hoa Kỳ trong suốt quá trình diễn ra vụ việc.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Doanh nghiệp xuất khẩu và lưu ý trong phòng vệ thương mại với Mỹ ?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO